GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 36: Nỗi khổ của ông Công, ông Táo

Văn hóa truyền thống chỉ đẹp khi còn thuần khiết, mà ngặt nỗi chẳng ai biết cái thuần khiết ấy to, nhỏ, dài, ngắn...thế nào!

Có một lần, lần đó cờ quạt ngập trời, người người phấn khởi, nhà nhà sướng vui, đâu đâu cũng xôn xao luận về những cú sút, bàn thắng làm say mê thiên hạ. Trong men say ngất ngay có người bình tĩnh nhận xét “người Việt yêu bóng đá, nhưng chỉ là bóng đá chiến thắng!”.

Có thể nói, đây là đúc kết xuất sắc nhất khi nói về tính cách người Việt, chứng tỏ người Hàn Quốc sở dĩ thành công muôn nơi là bởi họ rất hiểu tính khí, văn hóa nơi đó.

Hôm kia (17/1) một phần bóng đá Việt Nam đã “hạ cánh” xuống mặt đất, trở về với chính nó như cách đây 3 năm về trước: Đá tẻ nhạt, hòa bạc nhược và thua vô duyên.

Nếu Việt Nam thắng Triều Tiên nhưng vẫn bị loại do UAE và Jordan hòa nhau, người hâm mộ có đủ tự tin để an ủi nhau rằng đội bóng của chúng ta thiếu bị chơi xấu? Hoặc giả sử, đội bóng vẫn vào được tứ kết và gặp Hàn Quốc, có bao nhiêu người tin kỳ tích sẽ xuất hiện?

Có giai đoạn, bóng đá Việt Nam nhận những trận thua hay hòa mặc dù cố gắng hết sức, những lúc ấy báo chí ta thường mô tả “hòa trên thế thắng”, “thua ngẩng cao đầu”.

Không ít người bảo vệ sai lầm của cầu thủ bằng câu nói kinh điển “có giỏi thì vào sân mà đá”. Đó là loại tư duy tư biện, nhị nguyên đáng bài xích, nó không chỉ có trong bóng đá mà nhan nhản khắp nơi, từ hội nghị, hội thảo lớn đến những cuộc chém gió bên vỉa hè.

Cay đắng thay! Không có cái “hòa” nào được gọi là “thắng”, cũng chẳng có cái thất bại nào đủ vui vẻ để “ngẩng cao đầu”.

Đến khi nào rõ ràng giữa hai thái cực, rành mạch trong tư duy nhất nguyên thì tính cách con người mới được gọi là khẳng khái - tiền đề tạo ra một phẩm cách dân tộc đủ sức thu nạp và suy xét đâu là thất bại, đâu là thành công.Có thể bạn quan tâm

Tại sao có nhiều dân tộc, đế chế siêu hùng mạnh nhưng rồi cũng diệt vong? Chế độ Nazi ở Đức quốc xã, Babylon cổ đại, Nguyên Mông ở châu Á...nhưng trái lại có những dân tộc bị truy bức tới cùng, song không thể tiêu diệt được họ, Do thái Israel là một ví dụ.

Có lẽ, nếu đủ khả năng viết hàng triệu trang sách cũng chẳng thấm vào đâu để giải thích, nhưng có một điều vô hình luôn tồn tại, đó là “nhân - quả”, hành động cuồng dại, tạo nghiệp và trả giá như luân hồi phật giáo đã nói.

Con người ai cũng ít nhiều mang nghiệp quả, một dân tộc cũng không thể tránh khỏi họa nếu cứ hành động xằng bậy. Điều đó phần nào cho thấy vì sao có nước giàu, nước nghèo, có dân tộc văn minh đỉnh cao, có dân tộc chìm mãi trong xung đột giết chóc.

Vậy, cá nhân “rửa nghiệp” bằng cách nào? Xây chùa to? Cúng lễ lớn? Mở hội tri ân linh đình? Lễ lạt, phong tục quái gỡ cứ để tồn tại năm này qua tháng khác?

Tương truyền ngày 23 tháng chạp Âm lịch, ông Táo về trời bằng...cá chép, thế là không ít vùng miền có tục thả cá chép xuống sông, hồ. Thả cá, thả luôn bao nilon, ông Táo vừa đi được mấy mét liền bị điện giật qoéo phương tiện, nghĩ mà buồn cho cái gọi là phong tục.

Có cầu thì mới có cung, ai gây ra cơ sự tréo ngoe này? Đương nhiên là từ những người có thói quen thả cá chép. Ai cũng biết vô nghĩa, nhưng chẳng ai bỏ được, cứ nhắm mắt “xưa bày nay làm”.

Niềm tin là cơ sở để con người tồn tại trong thế giới vốn dĩ hỗn mang vô thường. Nhưng cũng có năm bảy loại niềm tin, niềm tin mù quáng sẽ dựng nên thế giới quan phi khoa học, đến lượt nó sẽ phả lan ra xã hội vô số thứ mà người ta gọi là “mất thuần phong mỹ tục”.

Xã hội là tập hợp những cá nhân, xã hội tốt hay xấu đều do con người cá nhân quyết định, khi niềm tin bị đặt vào thứ hoang đường thì các quy chuẩn văn minh như luật pháp, hương ước, nội quy, quy định có nguy cơ bị “ngó lơ”...

Thực tế cũng đã thấy rồi!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/goc-nhin-da-chieu-so-36-noi-kho-cua-ong-cong-ong-tao-165329.html