GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 31: Ngày buồn của đạo đức

Hãy suy nghĩ xem, mọi ngang trái trong xã hội lúc này từ đâu mà ra? Là kinh tế, đạo đức hay là thứ gì đó chưa thể gọi tên?

Ngày Khá Bảnh đi tù rất đông teen Việt tỏ ra buồn rũ rượi, đó là sự hụt hẫng về bản án 10 năm tù dành cho “thần tượng” một thời có “công trạng” găm vào đầu giới trẻ thứ văn hóa hiếm, cực hiếm!

Đó là cờ bạc, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, tay dao tay búa…sống một đời “ngang tàng” như thể kiếm khách giang hồ trong tiểu thuyết kiếp hiệp của Kim Dung.

Thật bất ngờ, phương châm sống của Khá lại nhận được cái nhìn đầy “ngưỡng mộ” của không ít giới trẻ, gọi Khá là “Idol”, thậm chí phiên tòa xử Khá còn gây bồi hồi xúc động trong cộng đồng mạng.

Không ai phí sức, bỏ công, tốn giấy mực về nhân vật “trẻ trâu” này nếu như “hiện tượng Khá Bảnh” không để lại rất rất nhiều nỗi lo ở tâm lý giới trẻ. Họ hâm mộ thứ văn hóa rơm rác dưới đáy xã hội, họ thích nó vì hay, vì vui…, do đâu?

Đa phần trong số đó là học sinh, sẽ không có một Khá Bảnh quái dị trong xã hội nếu như không có cái “follow” tưởng chừng vô hại của bọn trẻ, 2 triệu người theo dõi đủ đưa Khá đến với hàng ngôi sao, thượng lưu trong xã hội.

Học hành, giáo dục ngồn ngộn cả đống sách vở về đạo đức, cái tốt, cái chưa tốt, hàng tá đề án ngốn bạc núi nhưng xem ra xã hội Việt Nam ngày nay còn mơ hồ lắm về khái niệm tốt, xấu.

Nào ai biết, một cú click vào trang Youtobe của Khá là góp phần hà hơi, tiếp sức cho nội dung trong đó phát tán lây lan như thứ virus vô hình; nào ai biết con trẻ nhà mình cảm thấy thích thú với hành vi lệch chuẩn…(!?)

Bởi thế mới nói, giáo dục đạo đức không phải là các mẫu chuyện, lời hay ý đẹp mà làm sao tạo cho con người ta kỹ năng phản ứng trước cái xấu, tạo ra bộ gen tốt cho giới trẻ.

Có người lạc quan mà rằng, sở dĩ Khá Bảnh nổi tiếng là vì bọn trẻ tò mò, ưa khám phá. Cũng chẳng sai, nhưng cũng phải ái ngại rằng, điều gì, môi trường nào sản sinh ra Khá?

Hãy dạo một vòng Youtobe để thấy, có hàng trăm, hàng ngàn tải khoản như Khá, thậm chí còn tệ hơn, không hẳn ở trên lãnh thổ Việt Nam mà tất thảy nơi đâu trên quả đất đều ồ ạt “chảy” về Việt Nam vì nơi này có “nhu cầu” quá lớn về những thứ tào lao bí đao!

Chẳng bao giờ chuyện đạo đức lại khiến con người ta mất thì giờ như lúc này, hết chuyện ngoài đường vào nơi công sở, hết người bình thường đến kẻ có phẩm hàm, chức vụ, hết trẻ con cho đến người trưởng thành.

Tháng trước bà đại úy thi triển… “võ mồm” ở sân bay khiến tất cả phải ngã mũ để…bàng hoàng trước “nghiệp vụ” vu vạ lu loa hiếm thấy nơi người phụ nữ Việt Nam vốn được ngợi ca “công, dung, ngôn, hạnh”.

Đầu tuần này, lại thêm một vị thượng úy công an giở ra ngón nghề của thanh niên đầu đường xó chợ, thích là…bụp! Bất kể đúng sai, phải quấy.

Đành rằng, luật đời cho phép ở đâu cũng có người tốt, kẻ chưa tốt, một con sâu bé tí lắm khi khiến người ta đổ bỏ cả nồi canh ngon. Nhưng tôi lùng sục khắp mạng xã hội, mọi mặt báo cũng không kiếm ra một ý nghĩ nào bênh vực cho anh thượng úy công an ở Thái Nguyên.

Ở một con người đã trưởng thành về mặt nhân cách, với bộ quân phục như sơn mặc lên mình mỗi ngày…thì không ai nghĩ rằng, đánh người vô cớ là hành động bột phát, dại dột!

Cái nền móng đạo đức trong xã hội ta đã bị rạn vỡ, chổ lồi, chổ lõm, thế nên chân giá trị bị đảo lộn dẫn đến con người không còn xác định đúng vai trò, vị trí của mình trong chuỗi cộng sinh này.

Khi nền móng ấy đổ vỡ, con người bắt đầu “loạn”, cái bản năng dấu kín bỗng chốc đứng phắt dậy cầm cương bộ não. Người “lớn” thì tham lam, vơ vét, kẻ nhỏ thì chà đạp lên nhau để sống…

Cái tốt vẫn còn đó nhưng dường như ở trạng thái “phòng thủ”. Cho nên lắm kẻ giờ đây tỏ ra “bố đời”, “mẹ thiên hạ”. Quan ngại lắm thay!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/goc-nhin-da-chieu-so-31-ngay-buon-cua-dao-duc-161515.html