GÓC NHÌN ĐA CHIỀU SỐ 17

'Chúng ta đã sống qua thời đại đồ đá, đồ đồng và bây giờ là thời kỳ đồ đểu...'

Phú Quốc (Kiên Giang) có nơi ngập…2m - tưởng đâu chỉ có trong giấc mơ hoang đường! Vì đó là một hòn đảo được thiên nhiên tạo ra, tôi không ngờ rằng một kiệt tác của thiên nhiên, bao quanh bởi biển lại “lỗi” đến mức nước mưa trên đảo không lối thoát!

Cao nguyên Trung phần Việt Nam - Đà Lạt - “tiểu Paris” độ cao 1.500m so với mực nước biển đang “vỡ trận” vì nước mưa, suối Cam Ly không còn “vô tư” như một bài hát, suối vỡ lòng ức uất tràn chảy, cá tôm bất đắc dĩ lạc dòng bơi lên phố, vào nhà, “hỏi thăm” công sở.

Xã Na Mèo, huyện vùng cao Quan Sơn (Thanh Hóa) 17 người chết sau cơn lũ chớp nhoáng trút xuống không kịp trở tay, hàng chục người mất tích. Mưa tạnh, mọi người cấp tập tìm kiếm, dưới đống đổ nát là xác người còn tươi nguyên nhuốm bùn đất, thật ai oán!

Khi tôi ngồi tập hợp lại mấy sự kiện không vui này, bầu trời miền Trung đỏ rực một màu lửa, cây cỏ xác xơ, ruộng vườn cằn cỗi, ngành nước Quảng Trị hốt hoảng vì mạch ngầm kiệt cùng, họ nói “không biết cầm cự được bao lâu…”, dân tình queo héo hóng hạt mưa “vàng” mãi không thấy. Ngửa mặt lên Trời kêu không thấu, ngó xuống trần gian biết hỏi ai?

Thiên nhiên “trở mặt” với con người tội nghiệp chăng? Không phải! Chính con người đã “phản chủ” vì lòng tham vô độ, vì tắc trách mọi nơi…

Đấy, Phú Quốc đảo ngọc giờ lở lói xây dựng, bê tông cốt thép dần tiêu diệt hệ sinh thái tự nhiên, hòn đất bé xíu xẻ bảy chia năm, đặc quánh mùi tiền bạc, họ tàn sát môi sinh không chút ghê tay.

Số phận “tiểu Paris” giờ lâm li bi đát vì quy hoạch, quá tải hạ tầng du lịch cộng với tắc trách đã biến Cam Ly thành suối “đen”, Thung Lũng Tình Yêu bị phá hoại…nhưng không một ai cảm thấy mình có chút trách nhiệm!

Những cơn lũ vùng cao năm nào cũng để lại tang thương chết chóc, đều là người đồng bào anh em, một đời cơ cực thơ ngây, núi là nhà rừng là bạn.

Nhưng, thứ lâm tặc mặc comple đi giày tây ở đô thị đã cấu kết nhau lại cạo trọc rừng, bẻ dòng sông nên nước không biết trú vào đâu, suối không biết chảy về đâu đã “vô tình” trút lên đầu đồng loại.

Ai thấy tự hào vì sống trong căn nhà gỗ hoành tráng, nào bình, nào lọ, nào liễn, nào phản…; nào lim, nào trắc, nào táu, nào sến, nào gụ, nào hương… trở thành thú chơi nhuốm máu…“ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Nhưng nước mắt là nước mắt của đồng bào, của người kiệt cùng dưới đáy xã hội. Đừng hỏi ai cả, đừng trách ai cả, “phá rừng, bạt núi, lấp sông” chính là tác nhân của “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ở Phú Quốc, Đà Lạt, Quan Sơn, Mường Lát…mấy hôm nay.

Cố nghệ sĩ, nhà biên kịch tài hoa Lưu Quang Vũ đã nói ngắn gọn đầy đủ như gom cả một góc tối thời đại như thế này: “Chúng ta đã sống qua thời đại đồ đá, đồ đồng rồi bước sang thời kỳ…đồ đểu”.

Nói không quá, người cũng…đểu nốt huống chi hàng hóa vật phẩm? Nhưng trong muôn cái đểu, sợ nhất là bằng cấp đểu, trí thức đểu, kiến thức đểu.

Năm trước, cả xã hội xào xáo nhau vụ “lò ấp Tiến sĩ” ở Viện nọ, với tốc độ bàn thờ - “một ngày, một giờ và mười lăm phút cho ra lò một Tiến sĩ”. Tưởng chừng người người, nhà nhà đề cao cảnh giác với “học giả” thì nay mới xuất hiện vụ “chạy” bằng Thạc sỹ, Tiến sĩ “thần tốc” ở trường đại học kia.

“Nâng lương”, “nâng ngạch”, “thăng hạng”, “vào biên chế” là lý do; còn đối tượng là “người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành” - kết luận của cơ quan điều tra ghi rõ.

Thế nên, nhân dân cứ chuẩn bị tâm lý đi là vừa, để còn khỏi bất ngờ với mấy chuyện động trời như lãnh đạo ở huyện nọ chưa tốt nghiệp cấp 3, tỉnh kia xài bằng giả, nhân viên ngành A…Z khai man quá trình học tập.

Người giả, bằng giả, kiến thức giả tràn ngập thì không mong gì địa phương khởi sắc, tỉnh nhà bứt phá, quốc gia hưng thịnh.

Không tin cứ hỏi Google xem sao, mà thật bất ngờ “làm bằng đại học” bác “Gồ” cho 225 ngàn kết quả, “làm bằng tiến sĩ” có tới 77,3 triệu đáp áp. Choáng chưa, Tiến sĩ phổ biến thật!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/goc-nhin-da-chieu-so-17-155691.html