Góc nhìn của người phương Tây về Phật giáo

'Các tầng địa ngục theo Phật giáo' là tác phẩm của hai tác giả người Pháp: Léon Riotor và G.Leofanti. Cuốn sách là một chuyến chu du đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của hai tác giả người Pháp qua những lần đàm đạo với các sư trụ trì tại Việt Nam về 'địa ngục' theo Phật giáo.

Có thể nói những hiểu biết của người Việt Nam về thế giới bên kia phần lớn được kiến tạo từ tư tưởng Phật giáo. Phật giáo hướng con người đến trừng ác khuyến thiện, thôi thúc sự hy vọng của con người vào những kiếp lai sinh tốt đẹp hơn và răn con người sống lương thiện hơn ở cái hiện kiếp.

"Các tầng địa ngục theo Phật giáo" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành

"Các tầng địa ngục theo Phật giáo" do Nhà xuất bản Thế giới phát hành

Cuốn sách “Các tầng địa ngục theo Phật giáo” được Phạm Văn Tuân dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Chamuel, Paris, 1895). Đây là một tư liệu được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây hơn một trăm năm trước. Để hoàn thiện cuốn sách, hai tác giả đã thực hiện phỏng vấn chủ thể văn hóa trong chuyến đi đến Bắc Kỳ, với những lời văn thâm trầm và triết lý.

Nhận xét về cuốn sách này, Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) bày tỏ: “Thay vì ca ngợi tầm quan trọng của cuốn sách này, tôi sẽ đặt mình ra khỏi toàn bộ nội dung cuốn sách, và thực hiện một khảo cứu về địa ngục trong lịch sử văn hóa Việt Nam, để cung cấp thêm một góc nhìn khác - góc nhìn của người hiện đại, về một vấn đề thân quen mà hết sức xa lạ này. Nhiều người sẽ thấy rằng, từ góc độ lịch sử, đã có quá nhiều trầm tích phủ lên nhận thức của chúng ta. Và vẻ đẹp của quá khứ, nhất là vẻ đẹp của tư tưởng, thể hiện qua các dấu vết vật chất, các lớp niên đại xa xăm, các loại hình văn bản và nghệ thuật khác nhau không hề thuần nhất và tĩnh tại, mà luôn biến ảo theo dòng thời gian”.

Địa ngục (地獄, Niraya) là một khái niệm của thế giới quan Phật giáo, vốn được tìm thấy trong Kỳ Na giáo (Jainism) và Ấn giáo (Hinduism).

Những hiểu biết của người Việt Nam về thế giới bên kia phần lớn được kiến tạo từ tư tưởng Phật giáo vốn đã được tưới tắm và giáo dưỡng trong nhiều thế kỷ. Ta có thể tìm thấy hàng loạt những mảnh vụn ngữ ngôn minh chứng cho sự hòa tan của Phật giáo trong kho từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ như: quỷ đói (ngạ quỷ), quỷ sứ, đầu trâu mặt ngựa, vong linh, oan hồn, địa ngục, âm ty, địa phủ, súc sinh, Diêm La, đầu thai, vãng sinh, hóa kiếp… đến những thành ngữ quán ngữ vẫn quen dùng, như “đi chầu Diêm Vương”,“đi chầu ông bà ông vải”, “về thế giới bên kia”, “gầy như quỷ đói”, “địa ngục trần gian”…

Có thể nói, cuốn sách là một tư liệu quý được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây hơn 130 năm trước, với những lời văn thâm trầm và triết lý, phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là những gì họ hình dung và tin tưởng vào một thế giới sau cái chết.

Với mười hai phụ bản của cuốn sách thể hiện hình ảnh Thập Điện Diêm Vương, tác phẩm không chỉ độc đáo ở góc độ mỹ thuật mà như E. Ledrain nhận định, còn chứng tỏ mỹ thuật đã “len lỏi tới đâu trong tư duy của các nhân vật tôn giáo quyền lực và tầng lớp thường dân”.

Buổi ra mắt sách "Các tầng địa ngục theo Phật giáo" sẽ được tổ chức vào 18h ngày 26/8/2020 tại Thư viện Viện Pháp L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với sự tham dự của Tiến sĩ Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam cùng Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn.

Tác giả Léon Riotor, tên đầy đủ là Léon Eugène Emmanuel Riotor, sinh năm 1865 tại Lyon và mất năm 1946 tại Paris, là chính trị gia và nhà văn người Pháp. Từng là phó chủ tịch Hội đồng Thị chính Paris và Hội đồng Tỉnh Seine, ông tham gia sáng tác nhiều thể loại, khi thì viết thơ, lúc viết tiểu thuyết, châm biếm có, du ký có, tâm lý học có và cả phê bình nghệ thuật cũng có. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Le Pêcheur d'anguilles (1894), Poèmes et Récits de guerre (1918), Les Raisons de Pascalin (1894), Les Taches d'encre (1929), L'Ami inconnu (1895); La Nouvelle Autriche (1927), Auguste Rodin; Les Arts et les Lettres'(1901, 1903, et 1906)...

Tác giả Gaston Léofanti, tên đầy đủ là Gaston Adolphe Joseph Léofanti, sinh năm 1863 tại Rennes và mất năm 1909 tại Paris. Ông từng là phóng viên tờ L’Avenir du Tonkin, biên tập viên và thương gia.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/goc-nhin-cua-nguoi-phuong-tay-ve-phat-giao-post442241.antd