GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: QUỐC HỘI VIỆT NAM TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC – NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG GHI NHẬN
Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Cổng TTĐT Quốc hội xin trân trọng giới thiệu bài viết: 'Quốc hội tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – những kết quả đáng ghi nhận' của PGS.TS Lê Văn Cường - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tham nhũng xảy ra ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, nó len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tham nhũng gây ra những hậu quả hết sức tai hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nó cản trở sự phát triển đi lên của xã hội, có khi dẫn đến sự sụp đổ của cả một chế độ.
Có nhiều quan điểm, các nhìn về tham nhũng từ nhiều khía cạnh khác nhau. Nhìn từ khía cạnh đạo đức, tham nhũng là hành động phi đạo đức, bất nghĩa, trái với luân thường đạo lý, trái với nguyên tắc đạo đức của con người và xã hội. Nếu xét từ khía cạnh kinh tế thì tham nhũng là hành vi người có chứ vụ, quyền hạn sử dụng quyền lực của mình để lái hoạt động sản xuất, kinh doanh... vào lĩnh vực mà việc thu lời, nhận hối lộ, lấy của cải được dễ dàng nhưng khó bị phát hiện. Nếu xét tham nhũng dưới khía cạnh nhà nước và pháp luật thì tham nhũng là những hành vi gắn liền với quyền lực nhà nước; là một trong những thuộc tính bộ lộ mắt trái của quyền lực nhà nước. Thuộc tính đó biểu hiện đậm, nhạt khác nhau ở mỗi kiểu nhà nước cụ thể, cũng như ở các thời kỳ khác nhau của một nhà nước. Mức độ phát triển của tham nhũng tùy thuộc vào sức đề kháng của nhà nước. Nhà nước nào non kém, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, dân chủ trong nội bộ và nhân dân chưa được phát huy thật sự, có nhiều tiêu cực, quản lý xã hội yếu thì tham nhũng càng có nhiều cơ hội phát triển.
Trả lời cho câu hỏi tham nhũng là gì? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải rất ngắn gọn và súc tích về tham nhũng như sau: tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Như vậy, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, Việt Nam cũng có tham nhũng và chúng ta thấy rõ rằng tham nhũng là hiện tượng mang tính phổ quát và toàn cầu qua các thời kỳ từ khi xã hội loài người có giai cấp và nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị và vị trí địa lý của từng quốc gia.
So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực mà chúng ta cần tập trung phòng, chống là những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng? Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Trong tham nhũng, yếu tố quyền lực là quyết định, phải có quyền lực thì mới có thể sử dụng nó để thu lợi, vậy bản chất của tham nhũng chính là sự “tha hóa” quyền lực để thực hiện lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người làm phương hại đến lợi ích của cá nhân khác, của tập thể và xã hội. Thực tiễn đã chứng minh, khi quyền lực càng cao, càng tuyệt đối thì sự “tha hóa” và “lợi ích nhóm” sẽ càng gia tăng, nếu không có chế tài kiểm soát quyền lực. Quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước nhằm để điều hòa các lợi ích khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau của các giai cấp, giai tầng trong xã hội và duy trì sự ổn định của một chế độ xã hội nhất định. Quyền lực đó bao giờ cũng được thực thi thông qua những con người cụ thể mà lợi ích được quy định bởi chức vụ, địa vị xã hội của họ. Những người được giao quyền lực luôn có xu hướng sử dụng quyền lực, địa vị xã hội để thực hiện một cách tối ưu lợi ích của xã hội nhằm duy trì sự ổn định và như vậy, đây không phải là hành vi tham nhũng.
Tham nhũng chỉ xảy ra khi việc sử dụng quyền lực không hướng tới lợi ích chung của xã hội mà nhằm thực hiện lợi ích cá nhân của người này phương hại đến lợi ích cá nhân của người khác, phương hại đến lợi ích tập thể, lợi ích xã hội (nhưng nhiều khi lại được che đậy vì lợi ích chung cua xã hội). Khi tham nhũng, tiêu cực trở thành phổ biến, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước bị biến dạng không còn giữ được vai trò điều hòa các lợi ích xã hội, từ đó mất đi sự ổn định, đe dọa sự tồn vong của chế độ mà quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đang duy trì nó. Do vậy, ở bất cứ chế độ xã hội nào cũng phải phòng, chống tham nhũng và hành vi tham nhũng,, tiêu cực phải bị lên án, bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái để chiếm dụng tài sản nhà nước, tài sản công dân, che chắn, tiếp tay cho người khác vì động cơ vụ lợi
Đây là hành vi tham nhũng xảy ra nhiều nhất, phổ biến nhất. Kẻ tham nhũng dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, nhận hối lộ và dùng tiền, tài sản có giá trị để hối lộ. Những hành vi hối lộ thường rất khó phát hiện hoặc chỉ phát hiện và xử lý được một phần. Rất nhiều kẻ phạm tội đưa và nhận hối lộ đã thoát tội do các cơ quan có trách nhiệm, cơ quan pháp luật đến nay vẫn thiếu biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và phát hiện do không tìm ra được chứng cứ, thiếu sự hợp tác của cả người đưa và nhận hối lộ vì pháp luật trừng trị đồng thời cả người đưa và người nhận hối lộ; mặt khác, việc đưa và nhận thường là rất bí mật, không có người thứ ba chứng kiến. Có thể thẳng thắn nhận định rằng rất nhiều vụ đưa và nhận hối lộ bị đưa ra ánh sáng là do đối tượng mâu thuẫn nội bộ, ăn chia không đều nên đã tự tố cáo, tự làm lộ.
Lợi dụng sự sơ hở của luật pháp, chính sách, cơ chế để vụ lợi
Do chuyển đổi sang cơ chế thị trường, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước ta chưa kịp thời hoàn thiện, còn chồng chéo, mâu thuẫn và dễ bị lợi dụng. Một số người có chức, có quyền đã lợi dụng mọi kẽ hở của cơ chế, chính sách để làm trái, cốt sao thu nhiều lợi cho mình hoặc cho một nhóm có cùng chung mục đích vụ lợi, không cần biết đến hậu quả theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Trong việc thanh lý tài sản công, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thời gian qua đã có không ít người trong các tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình đã dùng hình thức đấu giá “ảo”, không công khai để tạo điều kiện cho người tham gia vụ lợi.
Lợi dụng sự yếu kém và buông lỏng trong quản lý để hoạt động vì vụ lợi
Sự yếu kém, buông lỏng quản lý nhà nước và cơ quan quản lý các cấp đã tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực phát triển. Những vụ tham nhũng, tiêu cực lớn lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý nhà, chi tiêu ngân sách, tài chính công, trong các tổng công ty lớn của Nhà nước chính là điển hình của việc lợi dụng sự yếu kém và buông lỏng lãnh đạo quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan quản lý để thực hiện hành vi tham nhũng với giá trị thiệt hại rất lớn và nghiêm trọng. Loại tham nhũng này thường mang tính chất tập thể, có sự cấu kết chặt chẽ của cả cấp trên và cấp dưới, cả trong Nhà nước với nước ngoài và ngoài xã hội (cả doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân) để tham nhũng, có nhiều trường hợp thông qua thân nhân như: vợ, chồng, con cái, anh em để tác động nhằm mục đích vụ lợi.
Lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao trong việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành những chính sách, cơ chế, quy định, phê duyệt quy hoạch kiến trúc đô thị giao thông, các dự án đầu tư có lợi cho bản thân, gia đình hoặc một nhóm người có chung động cơ, mục đích vụ lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Đây là tham nhũng cơ chế. Loại tham nhũng này rất tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện và rất khó xử lý.
Lợi dụng chức quyền để vùi dập, ức hiếp, trả thù, nhũng nhiễu quần chúng hoặc người tố cáo; tiếp tay, bao che cho tội phạm tham nhũng, tiêu cực
Một số người cậy quyền hống hách với cấp dưới; gây phiền hà, ức hiếp nhân dân nhưng lại sẵn sàng đồng lõa, che chắn, thậm chí trở thành đồng bọn của những kẻ phạm tội tham nhũng. Trong các cơ quan nhà nước đều diễn ra khá phổ biến tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu dân, đặc biệt là doanh nghiệp. Có thể nói, trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, người dân đều phải chịu đựng sự nhũng nhiễu, phiền hà, vòi vĩnh từ các cơ quan công quyền và đội ngũ những người thực thi công vụ. Như gần đây dư luận dậy sóng về vụ xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Đến mức hiện nay khi đến làm việc với cơ quan nhà nước nhiều người dân coi những khoản “bôi trơn” thành tất yếu.
Theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Quốc hội thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nên hoạt động giám sát của Quốc hội có tính chất là giám sát tối cao; như vậy: chủ thể hoạt động giám sát tối cao là của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội nhằm theo dõi, xem xét kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong các văn bản pháp luật, trong hoạt động của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và toàn bộ hoạt động của nhà nước nhằm đảm bảo sự tuân thủ hiến pháp, pháp luật và hiệu lực tham gia hoạt động của các cơ quan này. Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, kịp thời bổ sung sửa đổi hoàn chỉnh hiến pháp, pháp luật trong đó có pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp theo hướng thiết thực, hiệu quả; đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật...
4.1. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng
Theo báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội: Năm 2023, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đã ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định về phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp theo hướng thiết thực, hiệu quả; đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật...
4.2. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Năm 2023, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều hình thức phong phú, nhất là việc xuất bản, quán triệt nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn đảng, toàn quân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã thông tin, tuyên truyền đậm nét hơn, xây dựng nhiều chuyên mục mới, diễn đàn nghiên cứu, phân tích chuyên sâu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan chức năng đã tăng cường công khai thông tin kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; chú trọng việc đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được phát huy tốt hơn.
4.3. Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Năm 2023, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được chú trọng; chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được tăng cường, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương; việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp; công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý. Tích cực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tăng cường; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tiếp tục được chú trọng.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước từng bước đi vào nề nếp; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… bước đầu được quan tâm triển khai thực hiện.
4.4. Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng
Năm 2023, công tác thanh tra, kiểm toán tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp tục được chú trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra còn có hạn chế; việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn trường hợp chưa kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ; một số cuộc thanh tra chưa làm rõ được hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra; còn có trường hợp vi phạm về trình tự, thủ tục thực hiện, ban hành kết luận thanh tra..., gây hậu quả nghiêm trọng.
Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, thực hiện kiến nghị kiểm toán. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp tục được chú trọng.
4.5. Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng
Năm 2023, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, xử lý toàn diện, nghiêm minh, bảo đảm đồng bộ giữa xử lý cán bộ (thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác) với kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, thi hành kỷ luật, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt; hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp. Các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm. Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý; nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để; chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số Bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Trong công tác xây dựng pháp luật, còn có trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó dễ làm phát sinh nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật...
Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, còn có trường hợp Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ nhất, phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, coi trọng xây dựng mối quan hệ của kiểm soát quyền lực mang tính nhà nước với kiểm soát quyền lực mang tính nhân dân hướng tới tăng cường sự tham gia của Nhân dân vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ ba, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, kiểm soát việc ban hành chính sách và thực hiện chính sách. Tính chính đáng của quyền lực là chính sách phải hợp lòng dân, với chi phí tối thiểu, lợi ích phải tối đa. Chính sách đúng là ngọn nguồn của mọi sự thắng lợi. Trên thực tế nhiều chủ trương, chính sách đúng, khi thực thi ít có hiệu quả (như khoa học - công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu..., khi cụ thể hóa, bằng các văn bản quản lý nhà nước thì bất cập, lỗi thời so với cuộc sống không tạo thành động lực sự phát triển và là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vì đây cũng chính là biểu hiện của hành vi tiêu cực./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82334