Góc nhìn chứng khoán: Thanh khoản bất ngờ giảm trong phiên ETF

Thị trường có một phiên tăng khá tốt trong ngày hai quỹ ETF giao dịch. Tuy có sự 'đánh úp' lẫn nhau tại nhiều mã các quỹ này mua bán nhưng cơ bản không có ảnh hưởng nhiều tới thị trường chung.

VN-Index vẫn đang luẩn quẩn trong vùng đỉnh có thể là lý do khiến dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chưa cải thiện.

VN-Index vẫn đang luẩn quẩn trong vùng đỉnh có thể là lý do khiến dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chưa cải thiện.

VN-Index chịu sức ép từ VIC bị sập giá cuối phiên nên tụt trở lại sát 900 điểm, nhưng vẫn là một kết quả tốt khi đứng trên ngưỡng này.

VIC là blue-chips đáng chú ý nhất trong đợt tái cơ cấu lần này vì dự kiến được mua ròng hơn 1 triệu cổ. Đúng là khối ngoại có giải ngân hơn 1 triệu, nhưng phía bán cũng tới 914.000 cổ. Đặc biệt là đợt xả ATC đã đẩy giá VIC cắm xuống tận tham chiếu, mất sạch mức tăng rất tốt hơn 1,4% trong phiên.

GEX cũng bị khối ngoại khác đánh úp ETF, lượng bán ra còn nhiều hơn mua vào của các quỹ này, thành ra bị bán ròng và giá giảm tới 1,23%. Việc đầu cơ ETF có lẽ đã kết thúc từ tuần trước vì 8 phiên gần nhất GEX đã rớt giá tới gần 7,5%. POW lại ngược với GEX, khối ngoại xả ra gần 4 triệu hôm nay nhưng nhà đầu tư trong nước mua hết, giữ được giá tham chiếu.

Điều khá bất ngờ cho phiên tái cơ cấu ETF này là cường độ mua bán khá yếu. Một vài mã cũng có lượng dồn mua bán ATC hấp dẫn, nhưng tổng thể giao dịch lại kém: Sàn HSX chỉ chứng kiến một phiên ATC hơn 600 tỷ đồng giá trị khớp lệnh mà thôi. Mức thanh khoản chung cũng có dấu hiệu giảm: Giá trị khớp sàn HSX đạt 5.210,5 tỷ đồng, giảm gần 12% so với phiên trước. Tổng giá trị khớp hai sàn giảm 13,7%, chỉ đạt 5.680 tỷ đồng.

Các phiên ETF tái cơ cấu trước đây thanh khoản thường rất cao. Lần này giao dịch yếu đáng kể và lại xuất phát từ nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, giá trị mua của khối ngoại qua khớp lệnh phiên này tăng 39% so với hôm qua nhưng giá trị khớp lệnh chung lại giảm gần 14%. Như vậy phần giảm đến từ nhà đầu tư trong nước. Tính chung với cổ phiếu HSX, khối ngoại cũng ghi nhận bán ròng 107,2 tỷ đồng.

Mặc dù vậy đối với các giao dịch khớp lệnh cổ phiếu thì khối ngoại mua ròng nhẹ hơn 50 tỷ đồng. Lực đỡ không rõ ràng từ khối ngoại vì ở các cổ phiếu tăng tốt nhất, đỡ VN-Index nhiều nhất thì khối ngoại lại bán ròng hoặc mua không đáng kể: VNM tăng 1,53%, BID tăng 1,23%, CTG tăng 1,98%, GAS tăng 1,12% đều bị bán ròng.

VN-Index đóng cửa tăng khá tốt và chốt trên mốc 900 điểm có thể xem là một thành công trong phiên ETF giao dịch và khối ngoại bán ròng. Tuy vậy chỉ số này vẫn chỉ đang loanh quanh trong vùng đỉnh như cũ. Nhà đầu tư trong nước giảm giao dịch hôm nay là một điều nên chú ý vì rõ ràng là sự thận trọng vẫn đang hiện diện ngay cả khi thị trường tăng hầu như liên tục trong cả phiên. Sau khi VN-Index vượt 900 điểm từ sau 2h chiều, thị trường vẫn không có sự bùng nổ rõ ràng hơn trong thanh khoản.

Mức tăng của VN-Index hôm nay cũng khá tốt nếu so với bức tranh chung của các thị trường quốc tế. Thậm chí thị trường Việt Nam còn đi ngược với thị trường phái sinh Mỹ. Tín hiệu khá tích cực này cần được kiểm chứng thêm trong tuần tới, khi giao dịch bình thường hơn. Đặc biệt là thanh khoản từ phía nhà đầu tư trong nước cần cải thiện vì mức giao dịch khớp lệnh chỉ hơn 5.000 tỷ đồng (không tính khối ngoại) là thấp hơn bình quân 4 tuần trở lại đây.

Song Tử

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/goc-nhin-chung-khoan-thanh-khoan-bat-ngo-giam-trong-phien-etf-20180504224243922.htm