Góc khuất từ loạt clip phụ nữ bán khỏa thân cho trẻ chạm vùng nhạy cảm

TS Vũ Thu Hương cho rằng nếu loạt clip được chia sẻ trên mạng là thật, nó cho thấy lỗ hổng về môi trường an toàn, cách giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ.

Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết đơn vị này đang xác minh loạt clip người phụ nữ bán khỏa thân cho trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm.

Trước đó, những hình ảnh này xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi liệu cậu bé trong clip có bị lạm dụng?

 Loạt clip được cho là người phụ nữ bán khỏa thân cho trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm, xuất hiện trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đang xác minh vụ việc.

Loạt clip được cho là người phụ nữ bán khỏa thân cho trẻ đụng chạm vùng nhạy cảm, xuất hiện trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng đang xác minh vụ việc.

Lỗ hổng trong bảo vệ trẻ em

Trao đổi với Zing, TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục độc lập, khẳng định nếu clip có thật, đây là hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em.

Bà Hương giải thích trong các bài học giáo dục giới tính, trẻ luôn được dạy khu vực đồ lót là đặc biệt riêng tư. Các em tuyệt đối không cho ai đụng vào, cũng như không bao giờ động chạm vào khu vực đồ lót của người khác. Người bắt trẻ em làm vậy, dù dưới hình thức nào, cũng là dâm ô, xâm hại.

Khi biết những clip người phụ nữ bị cho là để trẻ đụng chạm vào vùng nhạy cảm của mình, bà thực sự lo lắng. Nếu đoạn video là thật, không bị cắt ghép, trẻ em, ở tình huống này, đã không được bảo vệ.

“Chưa biết phụ nữ trong clip có gặp vấn đề gì về tâm lý không nhưng rõ ràng đứa trẻ hoàn toàn không được bảo vệ trước hành vi gây hại cho các em”, bà Hương nêu quan điểm.

Nữ tiến sĩ cho rằng chưa cần xét đến vụ việc này, rất nhiều câu chuyện đau lòng trước đó đã xảy ra và trẻ em là nạn nhân. Vì thế, "cần thiết phải có biện pháp hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ các em".

Hiện nay, nhiều gia đình gặp vấn đề khi nuôi dạy con cái. Không ít bậc cha mẹ xem trẻ như sản phẩm được sinh ra để phục vụ mục đích của người lớn, làm hài lòng phụ huynh. Với tâm lý như vậy, tỷ lệ trẻ bị hành hạ, đánh đập, xâm hại tăng cao.

TS Vũ Thu Hương nhận định lỗ hổng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại nằm ở cả cách nhìn nhận vấn đề, lẫn hướng xử lý, dẫn đến mọi việc không đạt kết quả như mong muốn.

Từ thực tế nhiều vụ việc trước đó cho thấy xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra bên ngoài, mà thậm chí ngay trong chính trong ngôi nhà.

Đầu tháng 1, tại hội thảo phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thông tin trong hai năm 2017-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, khoảng 4.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện.

Thủ phạm đa số là người thân, người quen, hàng xóm, thậm chí, nhiều vụ gây ra bởi chính người ruột thịt.

Bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục bởi chính thành viên trong gia đình là vấn đề nan giải.

Giáo dục giới tính cho trẻ

TS Vũ Thu Hương thừa nhận việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại bởi chính thành viên trong gia đình rất khó.

“Thành viên trong gia đình chính là người trẻ tin tưởng nhất, kể cả khi nhận thức được mình đang bị xâm hại. Đôi khi, các em khó chấp nhận sự thật, chỉ nghĩ cách chối bỏ, thay vì đối diện và giải quyết chúng”, bà Hương lý giải.

Chuyên gia tâm lý học đường này cho rằng một trong những phương án để bảo vệ trẻ trong các tình huống như vậy là giáo dục giới tính tốt, giúp các em có khả năng phòng tránh, ứng phó mọi việc xảy ra.

Trước nay, trong giáo dục trẻ về phòng chống xâm hại tình dục, người ta thường nhắc đến hai quy tắc “5 ngón tay” và “đồ lót”. Tuy nhiên, theo bà Hương, việc trẻ học thuần thục và nghiêm túc hai quy tắc này, cộng với kỹ năng ứng phó, phòng tránh, cũng chỉ giúp giảm đi phần nào nguy cơ.

Điều cần thiết hơn cả là phụ huynh cần nhận thức rõ ràng nghĩa vụ phải tôn trọng, chăm sóc và bảo vệ con cái.

Ngoài ra, khi xử lý, người lớn cũng cần chú ý tâm lý những đứa trẻ. Các em cần chuyển đến nơi xa, thay đổi môi trường, tìm ra niềm vui mới trong cuộc sống, nhằm quên đi những ký ức kinh hoàng đã qua, hòa nhập với cuộc sống.

“Phương pháp trị liệu đơn giản nhất là thay đổi môi trường và gạt bỏ mọi thứ có thể khiến các em nhớ lại chuyện này cho đến khi các em đủ lớn để đối diện”, bà Hương đề nghị.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-tu-loat-clip-phu-nu-ban-khoa-than-cho-tre-cham-vung-nhay-cam-post1110176.html