GÓC KHUẤT TẠI CÁC ĐIỂM ĐẾN

Phía sau chợ Đông Ba (TP Huế) chính là dòng sông Hương thơ mộng. Nhưng ai có ước muốn ngắm dòng sông từ góc nhìn gần gũi và thuận tiện này đều sẽ phải buồn lòng và thất vọng vì rác, túi ni lông, bao bì giấy, xác bao tải... phủ lên bờ đất cùng cỏ cây lơ thơ.

Chợ truyền thống mà, xưa nay vẫn vậy, nhất là khi phía sau chợ vốn là nơi hàng tôm cá, mắm muối ẩm ướt, lép nhép quanh năm. Bởi thói chợ tạm bợ, dễ dãi lại thêm tập quán đốt vàng mã, thắp đèn thả xuống sông cầu may của người dân nên có những ngày sông Hương trở thành dòng sông rác. Chắc rằng hình ảnh thả vàng mã từ hai bờ sông Hương mà Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát đi mấy ngày qua không khỏi làm người dân TP Huế chạnh lòng suy nghĩ.

Và không chỉ có sông Hương hay chợ Đông Ba, thú vui thả đèn xuống sông ở Hội An, cái tật vứt rác xuống sông ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), xả rác ngay trên bờ biển ở Phan Thiết, ở các làng và chợ ven sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ven bờ biển trên các vùng đảo cùng nhiều nơi nữa của người dân địa phương và khách du lịch đã làm xấu đi hình ảnh danh lam thắng cảnh, gây tổn hại môi trường của những vùng quê hương. Khách du lịch càng nhiều nguy cơ rác thải càng nhiều. Góc khuất này tại các điểm đến trên khắp dọc dài đất nước ai cũng thấy, dù đã vận động, tuyên truyền, đã có nhiều cách quản lý. Nhưng rõ là việc xây dựng thói quen bỏ rác đúng chỗ và tổ chức thu gom rác không dễ gì thành công.

 Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ảnh minh họa/TTXVN.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ảnh minh họa/TTXVN.

Hãy thử so sánh, tại sao ở các đền chùa, nhà thờ, ở các công viên, nơi nghỉ dưỡng và nhiều điểm công cộng khác không có cảnh vứt rác bừa bãi? Đơn giản là vì ý thức của con người khi đến chốn tôn nghiêm, sạch sẽ, tiện nghi. Những nơi này được quy hoạch hợp lý lại có các thùng rác bố trí, có người trông coi, nhắc nhở và dọn dẹp thường xuyên. Tại các điểm đến công cộng vốn được hình thành từ xa xưa hoặc tự phát theo nếp sống bình dân thường không hoặc có rất ít những phương tiện thu gom rác, những người chuyên trách giữ trật tự vệ sinh. Lại cùng so sánh, nhiều ngôi chợ, nhiều điểm đến cũ và mới, bởi đều có “mặt tiền” đường sá, vỉa hè thông thoáng bao quanh nên không có “góc khuất”, không có chỗ để dễ dàng, tùy tiện xả rác. Phải chăng cần làm nhiều hơn nữa những con đường bao quanh phía sau chợ Đông Ba và các ngôi chợ ven sông.

Những “cánh tay quản lý” điểm đến công cộng cần được nối dài hơn nữa dù phải tốn kém nhân lực, vật lực. Không chỉ chuyện vệ sinh mà còn cả trật tự hàng quán bán mua, đi lại. Đặc biệt, là nạn chèo kéo khách và nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại các lễ hội, các chợ đêm. Không chỉ là những góc khuất mà hàng giả, hàng rẻ tiền được bày bán công khai ngay ở phố đi bộ, ở chợ đêm Hàng Đào, Hàng Ngang (Hà Nội) và nhiều điểm công cộng tại các đô thị. Cũng là chuyện lộ liễu đến khó chịu vẫn đang diễn ra ở chợ đêm Dương Đông (Phú Quốc) và nhiều ngôi chợ vùng xuôi, vùng ngược khi những người mồi chài, chèo kéo giơ những xâu thịt, cá nướng, những chiếc bánh ra trước mặt mỗi người khách...

Những “cánh tay quản lý” điểm đến công cộng cần được nối dài hơn nữa dù phải tốn kém nhân lực, vật lực. Không chỉ chuyện vệ sinh mà còn cả trật tự hàng quán bán mua, đi lại. Đặc biệt, là nạn chèo kéo khách và nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tại các lễ hội, các chợ đêm. Không chỉ là những góc khuất mà hàng giả, hàng rẻ tiền được bày bán công khai ngay ở phố đi bộ, ở chợ đêm Hàng Đào, Hàng Ngang (Hà Nội) và nhiều điểm công cộng tại các đô thị. Cũng là chuyện lộ liễu đến khó chịu vẫn đang diễn ra ở chợ đêm Dương Đông (Phú Quốc) và nhiều ngôi chợ vùng xuôi, vùng ngược khi những người mồi chài, chèo kéo giơ những xâu thịt, cá nướng, những chiếc bánh ra trước mặt mỗi người khách...

Những ngày này, khách quốc tế chưa được đến, chỉ có người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Sẽ không có “ông Tây”, “chị Tây” nào cùng xắn tay quét đường dọn rác cùng bà con ta. Chỉ còn người Việt Nam với nhau, người làm du lịch, người dân tại chỗ và người từ vùng quê khác đi du lịch. Tất cả đều là chủ nếu biết vận động và tổ chức tốt các hoạt động “du lịch có trách nhiệm”. Có lạ gì lắm đâu bởi chính các đoàn thể, tổ chức địa phương đã thực hiện thành công các hoạt động tự chủ, tự quản tại mỗi phố phường, thôn xóm, mỗi khu chợ, điểm đến; bởi những nhóm tình nguyện trẻ, già bên nhau đã từng làm sạch đường, đẹp phố, sạch sẽ và trật tự các bãi biển, bờ sông, bờ hồ quê hương.

Hướng dẫn tận tình, tổ chức tốt du lịch nội địa để du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, là du lịch xanh, hấp dẫn chính là sự chuẩn bị chu đáo để bớt đi những góc khuất, sẵn sàng đón khách muôn phương.

SA NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/goc-khuat-tai-cac-diem-den-620000