Góc khuất DN nội chuyển giá

Báo cáo tài chính thiếu minh bạch, lỗ giả, lãi thật và trốn thuế qua hoạt động chuyển giá được coi là vấn nạn kinh tế.

Quan hệ liên kết trong phạm vi một tập đoàn, một tổng công ty, hay còn gọi là giao dịch “nội bộ”, là điều kiện tiên quyết để thực hiện chuyển giá. Ảnh: Ngọc Kỳ

Chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều DN trong nước đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước và rủi ro đầu tư. Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh.

Thưa ông, DN trong nước có hình thức chuyển giá như thế nào?

Bản chất chuyển giá là giá được xác định không theo quy luật thị trường mà do quan hệ liên kết giữa bên mua và bên bán nhằm mục tiêu có lợi cho cả hai bên, có thể và phổ biến là nhằm giảm thuế thu nhập DN phải nộp, cạnh tranh không lành mạnh hay chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, thậm chí tham nhũng, hối lộ... Giá trong giao dịch chuyển giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức giá bình thường trên thị trường. Vấn đề là quan hệ giữa bên mua và bên bán như thế nào để hai bên cùng có lợi khi thực hiện chuyển giá. Thông thường thì quan hệ liên kết trong phạm vi một tập đoàn, một tổng công ty, hay còn gọi là giao dịch “nội bộ”, là điều kiện tiên quyết để thực hiện chuyển giá. Nếu trước đây chuyển giá chỉ có ở khu vực FDI thì nay không ít DN trong nước cũng hội đủ điều kiện và động cơ chuyển giá dưới đủ các hình thức như nâng giá/giảm giá hàng hóa, tiền công, chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ... khác xa so với giá thị trường.

TS. Vũ Đình Ánh

DN trong nước, trong đó có các công ty đại chúng, công ty niêm yết có thể có hoạt động chuyển giá. Để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, theo ông, làm cách nào để nhận biết các DN có dấu hiệu chuyển giá?

Để nhận biết dấu hiệu chuyển giá cần nhận ra các quan hệ liên kết có thể là điều kiện và động cơ để thực hiện chuyển giá. Mỗi giao dịch có mức giá khác xa so với thị trường và về hình thức có thể gây thiệt hại cho một bên tham gia giao dịch song giao dịch vẫn thành công thì đó là dấu hiệu chuyển giá. Để khẳng định đó có phải là chuyển giá hay không, cần phân tích bản chất quan hệ giữa các bên tham gia giao dịch để tìm ra động cơ chuyển giá, hay chỉ đơn thuần là vấn đề thông tin bất đối xứng vốn vẫn khá phổ biến trên thị trường.

Thực tế, có các DN khai giá giao dịch thấp với cơ quan quản lý để trốn thuế, nhưng đằng sau đó họ vẫn thực hiện thanh toán đầy đủ theo giá thỏa thuận, gây thất thoát nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước. Theo ông, cần có biện pháp gì để kiểm soát giá trị tài sản thực của DN?

Cơ quan thuế cần làm tốt những gì tôi đã nêu ở trên, nhưng đơn giản hơn thì chỉ cần phân tích quan hệ liên kết giữa các bên tham gia giao dịch nhằm phát hiện có hay không động cơ trốn tránh thuế thu nhập DN thông qua chuyển giá, với mức giá thường là cao hơn nhiều so với mức giá thị trường. Bên cạnh đó, ngành thuế cần có hệ thống thông tin DN càng đầy đủ, chi tiết càng tốt, đặc biệt là bảo đảm khả năng truy cập thông tin đầy đủ, hệ thống, cập nhật, có phần mềm kiểm soát rủi ro chuyển giá cùng một đội ngũ cán bộ chống chuyển giá đủ trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức.

Đối với DN thua lỗ hàng chục năm vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng, có cơ sở để hoài nghi về chuyển giá không, thưa ông?

Thua lỗ liên tục nhưng vẫn đầu tư mở rộng không nhất thiết phải kết luận là chuyển giá, mà có thể do nhiều nguyên nhân khác, thậm chí là nguyên nhân khả tín như trường hợp của nhiều công ty kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, nếu phát hiện đúng là thua lỗ do xác định giá quá cao so với giá thị trường thông qua giao dịch liên kết nhằm giảm nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN chứ không phải là chiến lược kinh doanh thì mối hoài nghi chuyển giá mới trở thành hiện thực.

Kiểm toán độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện hoạt động chuyển giá. Theo ông, làm thế nào tăng trách nhiệm của khối DN kiểm toán, bảo đảm chất lượng các báo cáo tài chính được kiểm toán?

Kiểm toán độc lập chỉ thực hiện kiểm tra trên giấy tờ sổ sách và báo cáo tài chính của DN xem có đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật hay không, chứ không chịu trách nhiệm phát hiện quan hệ hay giao dịch liên kết có nghi vấn thực hiện chuyển giá, vì về mặt giấy tờ sổ sách thì giao dịch đó là tự nguyện phù hợp với kinh tế thị trường và DN công khai chứ không hề che giấu hay giả mạo để tránh bị phát hiện. Do đó, trách nhiệm phát hiện, xử lý các trường hợp chuyển giá nên thuộc về cơ quan chuyên trách chống chuyển giá. Hơn nữa, xét về lợi ích thiết thân thì cơ quan chuyên trách này nên đặt ở cơ quan thuế.

Minh Phượng thực hiện

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/phap-luat/goc-khuat-dn-noi-chuyen-gia-76410.html