'Góc khuất' của giới siêu giàu chơi du thuyền ở Việt Nam

Năm 2019, tỷ phú Anh Joe Lewis - người sở hữu đội bóng Tottenham Hotspur - đáp chiếc siêu du thuyền Aviva với giá 150 triệu USD đến Việt Nam đã khiến người Việt ngỡ ngàng. Nhưng từ đó, nhiều người ngỡ ngàng hơn khi chuyện sở hữu du thuyền không phải là hiếm đối với giới siêu giàu ở Việt Nam.

Đại gia Việt nào đang sở hữu du thuyền?

Những chiếc du thuyền sang trọng với nội thất cực “khủng” - được dân tình gọi là "biệt thự trên biển" - có giá trị của nó lên tới vài triệu đô (tương đương hàng trăm tỷ đồng), đa số thuộc sở hữu của những doanh nhân Việt nổi tiếng trên thương trường.

Đầu tiên phải kể đến du thuyền Azimut 70 của gia đình doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn (bố chồng “ngọc nữ điện ảnh Việt” Tăng Thanh Hà), là một trong những chiếc du thuyền hạng sang bậc nhất TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Du thuyền Azimut 70 có giá đến 4 triệu USD, tương đương 92,6 tỷ đồng.

Được biết, chiếc du thuyền này được được sản xuất tại Ý, thiết kế bởi kỹ sư Stefano Righini. Azimut có chiều dài gần 22m, gây ấn tượng bởi đây là sản phẩm kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật thiết kế đương đại và những công nghệ tiên tiến của ngành chế tạo du thuyền trên thế giới.

Diễn viên Diễm My 6X bên chiếc du thuyền Sunseeker, giá 2 triệu USD (46,3 tỷ đồng).

Diễn viên Diễm My 6X bên chiếc du thuyền Sunseeker, giá 2 triệu USD (46,3 tỷ đồng).

Cũng tại TP. HCM, gia đình nữ diễn viên Diễm My 6X nhiều năm nay đã sở hữu chiếc du thuyền Sunseeker, giá 2 triệu USD (46,3 tỷ đồng). Theo doanh nhân Hồ Tôn Đức - Giám đốc Công ty Du thuyền (Saigon Marina), chồng Diễm My, chiếc du thuyền này vừa phục vụ kinh doanh du lịch vừa là phương tiện để gia đình đi lại. Diễn viên Diễm My vẫn thường khoe dáng trong những buổi tiệc tùng cùng người thân trên chiếc du thuyền trị giá hơn 2 triệu USD khiến dân tình vô cùng ngưỡng mộ.

Một đại gia đất Sài Gòn (cũ) khá kín tiếng đang sở hữu du thuyền là ông chủ Kềm Nghĩa: Tổng giám đốc công ty Kềm Nghĩa – ông Nguyễn Minh Tuấn. Năm 2010, ông Tuấn từng bị dư luận cho là chơi trội khi sang Mỹ mua cùng lúc 3 chiếc du thuyền trị giá gần 1 triệu USD.

Trả lời báo chí, ông Tuấn chia sẻ bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước miền Tây nên có đam mê thuyền bè từ nhỏ. Khi chưa giàu, ông chơi cano phao, tàu cá, thuyền bình dân, khi có tiền ông nghĩ tới du thuyền, vừa là phương tiện đi lại vừa thỏa đam mê. Tuy giá trị du thuyền của ông Tuấn còn nhỏ so với du thuyên của các đại gia khác nhưng ông lại chơi “ngông” ở chỗ, trong khi các đại gia khác thường đẩy sở hữu du thuyền cho công ty để tránh thuế tiêu thụ đặc biệt thì ông chủ Kềm Nghĩa lại đăng ký du thuyền bằng danh nghĩa cá nhân. Bởi vậy, ông trở thành cá nhân người Việt đầu tiên sở hữu du thuyền. Cả ba chiếc du thuyền của ông Tuấn phải chịu 10% thuế nhập khẩu, 10% thuế VAT và 30% thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, ông Tăng Thành Trung - Giám đốc Việt Nam Yacht - là người sở hữu chiếc du thuyền triệu đô Diamond Island - hiệu Princess 58 do Anh sản xuất. Chiếc du thuyền này được xuất xưởng từ năm 2008, có chiều dài 18m.

Vào cuối năm 2016, Lý Nhã Kỳ gây chú ý khi liên tục đi lại bằng du thuyền đẳng cấp 5 sao.

Tại Nha Trang, đại gia Bùi Nguyễn Thế Vinh - giám đốc Công ty TNHH Hải Âu - cũng sắm cho mình một chiếc du thuyền King Yatch. Ở đất Bắc, trong số những tên tuổi chơi du thuyền sang chảnh phải kể đến “chúa đảo Tuần Châu” (Quảng Ninh) - đại gia Đào Hồng Tuyển. Vị đại gia này sở hữu tới 5 chiếc du thuyền, trong đó 3 du thuyền lớn có 17 ca-bin, 2 du thuyền nhỏ dành cho gia đình.

“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Theo ước tính, tại Việt Nam hiện có khoảng 2.000 người sở hữu tài sản từ 5 triệu USD trở lên, tạm gọi là giới siêu giàu, và con số này đang ngày càng tiếp tục tăng nhanh. Khi số lượng người giàu tăng nhanh thì tất yếu, nhu cầu về chơi du thuyền cũng tăng theo. Du thuyền là một trong những thú chơi xa xỉ và tạo nên thương hiệu của đại gia.

Sở hữu du thuyền là một chuyện nhưng chuyện bảo dưỡng, chăm sóc nó cũng lắm kỳ công và tốn kém, người chơi phải thuê người chăm sóc bảo dưỡng hầu như hàng ngày, chi phí cho khoản này lên đến hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Nếu một chiếc du thuyền dài 15m, công tác bảo trì mỗi ngày có thể mất đến gần 10 giờ. Vấn đề tốn kém nhất là tiền điện, bởi khi thuyền nằm bờ người chăm sóc phải kết nối với điện trên bờ để vận hành thiết bị nhằm giúp thuyền luôn hoạt động tốt mỗi khi người chủ cần đi.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng ở TP.HCM buộc máy lạnh bên trong du thuyền phải mở liên tục từ sáng đến chiều để điều hòa nhiệt độ. Có vậy các thiết bị nội thất mới được bảo quản lâu dài và vận hành tốt nhất.

Một đại diện Asiamarine Vietnam - đơn vị chuyên về du thuyền ở TP.HCM - chia sẻ, trong những năm gần đây giới chơi du thuyền ở TP.HCM ngày càng nhiều. Thời điểm ban đầu người chơi vẫn còn e dè vì du thuyền ở Việt Nam là một khái niệm mới. Dần dần thông tin về du thuyền xuất hiện ngày càng nhiều trên phương tiện truyền thông, do đó thú chơi du thuyền cũng bắt đầu hình thành.

Nguyên nhân một phần do thị trường bất động sản ở TP.HCM phát triển mạnh. Các dự án ven sông đa phần đều có bến neo đậu tàu thuyền. Vấn đề đó đã giải quyết được khâu bến bãi nên có nhiều đại gia đã nghĩ đến chuyện sở hữu du thuyền cho thú chơi mới của mình.

Đại diện này kể thêm TP.HCM hiện nay, nhiều đại gia sở hữu du thuyền để chơi theo nhóm cộng đồng như các thuyền loại nhỏ để dành đi chơi, ra biển vào dịp cuối tuần. Hoặc có đại gia khác mua du thuyền vài chục tỷ đồng chỉ để chơi một mình, thích đi đâu thì đi. Có người sở hữu vì mục đích dùng để tiếp khách, đi chơi cùng gia đình.

Mốt số người khác chơi du thuyền bằng cách thuê lại du thuyền để đi du lịch ở các vùng biển xa từ vài tuần đến khoảng một tháng. Chi phí cho mỗi lần thuê cũng có thể lên đến hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Diễn viên Diễm My 6X bên chiếc du thuyền Sunseeker, giá 2 triệu USD (46,3 tỷ đồng).

“Ở TP.HCM đã từng có người đã sở hữu du thuyền vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Ban đầu, giới chơi du thuyền sẽ sở hữu từ thuyền nhỏ, dần dần sẽ thay đổi chiều dài của thuyền. Ví dụ như người đang sở hữu du thuyền 15m thời gian sau sẽ nâng lên thành 18m. Bởi lên được 3m chiều dài thuyền sẽ nâng lên không gian sinh hoạt rất nhiều. Tuy vậy mỗi lần nâng tầm du thuyền như vậy ngốn một khoản tiền rất lớn”, đại diện Asiamarine Vietnam chia sẻ.

M.Minh (t/h)

Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (8)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/goc-khuat-cua-gioi-sieu-giau-choi-du-thuyen-o-viet-nam-a352836.html