Góc khuất của BLV Quang Huy và màn bình luận 'nổi gai ốc'

Nhà báo Hà Sơn: Từ khi còn nhỏ, anh đã được học kèn, đàn, lại có bố là nhạc sĩ Vũ Thảo. Tại sao anh không theo lĩnh vực nghệ thuật mà chọn công việc bình luận viên (BLV)?

BLV Quang Huy: Từ lúc tôi còn bé, bố đã đưa tôi đến với hai niềm đam mê lớn nhất là âm nhạc và thể thao. Bố cho tôi phát triển một cách tự nhiên. Tôi vẫn học văn hóa, học nhạc, đá bóng và tập thể thao hàng ngày. Tới khi tôi lên cấp 3, bố nói sẽ cho tôi chuyển hướng nếu học không tốt, vì ông thấy có một chút nghệ thuật trong tôi, sẵn sàng cho tôi vào trường nhạc nếu tôi học văn hóa không tốt.

Năm học lớp 11, tôi quyết định luyện thi đại học vì thấy mình có thiên hướng phát triển khối A. Con đường của tôi thay đổi khi học khoa Kinh tế của ĐHại học Tổng hợp Hà Nội. Vào đại học, tôi vẫn tập ghita, chơi nhạc và tham gia ban nhạc cùng bạn bè sinh viên. Với tôi, âm nhạc và thể thao vẫn luôn song hành bất kể tôi ở đâu và làm gì.

Nhưng mối duyên nào đưa anh tới với công việc BLV thể thao?

- Một cách rất tình cờ khi tôi tốt nghiệp khoa Kinh tế ĐH Tổng hợp Hà Nội, chuẩn bị đi thực tập và làm việc ở một công ty nước ngoài, gia đình tôi có quan hệ với gia đình của BLV kỳ cựu Vũ Huy Hùng. Chúng tôi biết được Đài THVN lúc đó đang có ý định mở rộng mảng thể thao, trong khi một số chú, một số anh đi trước đã có tuổi, cần lớp kế cận.

Bố tôi đề xuất với chú Hùng là có một cậu con trai hình thức được, giọng nói được, yêu thể thao. Chú Hùng bảo tôi đến thử xem khả năng đọc và viết thế nào. Tôi nhớ chú ra một đề bài, vì hồi đó vừa có diễn ra trận chung kết Cúp C1 1995 giữa AC Milan và Ajax Amsterdam, viết một văn bản, đọc vào băng casett và đưa cho chú nghe.

Chú Hùng nghe nhận xét chất giọng được, cần rèn luyện thêm để tham gia đội ngũ VTV, mảng thể thao. Chú nói thể thao không chỉ là bóng đá. Tôi luôn có sự xác định thể thao không chỉ là bóng đá nên bắt nhịp khá nhanh. Đến bây giờ nhìn lại, BLV không phải cái gì quá ghê gớm, nhưng với tôi, đó vẫn là nghề chọn người. Có những người có khả năng nhưng giọng nói không được khán giả yêu quý, tôi nghĩ đó là đặc thù nghề chọn người.

Anh từng bình luận rất nhiều trận đấu cả Việt Nam và giải bóng đá thế giới. Theo anh một BLV cần hội tụ những phẩm chất gì? Sự tiết chế cả lời nói lẫn cảm xúc của bình luận viên bóng đá là cực khó, anh thực hành việc này thế nào?

- Tôi nghĩ để trở thành một BLV được khán giả ghi nhận phải có điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần là giọng nói dễ nghe, trí nhớ tốt, sức khỏe tốt vì hay làm đêm hôm nếu không có sức khỏe không thể theo nghề. Chắc chắn phải đá bóng vì không đá bóng không thể có trải nghiệm thực tiễn để chia sẻ cùng cầu thủ. Một số điều kiện đủ có lẽ là thêm yếu tố may mắn.

Tôi luôn coi BLV như một chiếc mắc áo. Với các cầu thủ và khán giả, một trận đấu vốn đã là một cái áo đẹp. Mình chỉ là mắc áo dùng để treo cái áo lên vào thời điểm thích hợp nhất, trong vị trí trang trọng và không nên đi quá chức phận của mình. Tôi cũng luôn tự nhủ trong số các khán giả xem trận đấu còn có nhiều người am hiểu bóng đá hoặc thể thao hơn mình.

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nghĩ mình không nên coi mình là một người bình thường. Bởi nếu coi mình là người bình thường không bao giờ để lại được dấu ấn. Mình phải coi mình là một người quan trọng nhưng cũng có nhiều người giỏi hơn mình.

Giả sử một trận đấu có đội bóng anh yêu thích mà thua tan nát, những phút còn lại vẫn không có cơ hội gỡ, anh làm thế nào đề đưa khán giả đi hết trận đấu đó một cách hài hòa?

- Trước đây khi còn trẻ, đúng là ngựa non háu đá, tôi thể hiện rất rõ tình cảm cá nhân trong khi bình luận. Nhưng theo thời gian, tôi có sự đằm hơn. Tới giờ, chỉ duy nhất với đội tuyển Việt Nam, tôi cho phép mình được quyền thiên vị và hơi bốc một chút. Điều đó mọi người có thể hiểu được, vì màu cờ sắc áo là như thế. Còn với bóng đá quốc tế, giờ tôi đã giữ được cho mình độ tỉnh và lạnh.

Tất nhiên, tôi hiểu cảm xúc hơi quá đôi khi là cái men cần có trong nghề này, nhưng hiện nay, tôi cảm nhận được sự chín muồi, vẫn duy trì được chất men nhưng bảo đảm được tính khách quan. Thậm chí, nhiều người biết tôi thích một đội nào đó. Khi đội đó đá dưới khả năng, tôi còn nghiêm khắc hơn, giống như một người cha với con. Tất nhiên, cha phải rất yêu con, nhưng trong tình huống cụ thể còn phải nghiêm khắc hơn với người bình thường, để có cơ hội sửa sai.

Trận đấu Việt Nam - Bahrain gần đây khi anh bình luận cùng BLV Quang Tùng lúc Công Phượng ghi bàn thắng tôi thấy xốn xang cảm xúc. Khoảnh khắc đó những người yêu bóng đá ngồi trước màn hình không được nhìn thấy, nếu bây giờ làm khó muốn anh diễn tả đoạn bình luận ấy thì liệu...

- Tôi nghĩ là khó vì câu từ, thần thái có thể phần nào diễn tả lại, nhưng cảm xúc thăng hoa bị nén lại rồi vỡ bung ra thì... Nhưng tôi sẽ vẫn làm thử để dành tặng độc giả VietNamNet... (BLV Quang Huy thể hiện lại màn hình luận cho tình huống Công Phượng ghi bàn - PV).

Clip: BLV Quang Huy với câu chuyện BLV và màn bình luận "sởn gai ốc"

Anh rất yêu đội tuyển Việt Nam. Anh cũng như rất nhiều người đều đang dành kỳ vọng lớn đối với một thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Anh có chia sẻ gì về đội tuyển Olympic Việt Nam, cũng như hướng phát triển của đội trong tương lai gần?

- Phải nói hiện tại đội tuyển Olympic Việt Nam là đội tuyển tuyệt vời. Chúng ta có HLV Hàn Quốc Park Han Seo rất đáng quý. Ông ấy làm việc bằng cái Tâm, là người thầy, người cha của các cầu thủ. Cho tới thời điểm này, những người có chuyên môn và các BLV chưa hiểu hết các chiêu thức làm việc của ông Park.

Ông ấy hội tụ nhiều kinh nghiệm và tâm huyết. Những điều ông ấy làm được, lúc đầu người ta có thể nghi ngại, nhưng sau đó có kết quả, chúng ta thấy ông ấy có lý. Ông Park đến Việt Nam khi chúng ta có một lứa cầu thủ tốt. Năm ngoái, U20 Việt Nam đã góp mặt tại World Cup U20 thế giới, đó đã là một kỳ tích.

Gần đây, các CLB của Việt Nam cũng chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ tốt. Hoàng Anh Gia Lai là lá cờ đầu, sau đó có Hà Nội T&T, PVF, Sông Lam Nghệ An… Trong tay ông Park có một lượng cầu thủ tốt. Thầy trò họ có một lối chơi rất biết người biết ta đã tạo nên kỳ tích hồi đầu năm nay tại giải U23 châu Á ở Trung Quốc. Chúng ta đã vào được chung kết và thậm chí trong trận chung kết, chỉ còn 1 phút nữa thôi là có thể đưa trận đầu vào những loạt đá luân lưu. Chúng ta phải chấp nhận thiếu may mắn với huy chương bạc. Nhưng như thế đã là rất tốt.

Hiệu ứng U23 đã kích thích bóng đá Việt Nam, khiến những người làm bóng đá có trách nhiệm hơn. Chúng ta đã có mùa giải V-League 2018 tốt hơn. Tôi cho rằng hiện giờ đội Olympic với sự góp mặt của ba cầu thủ quá tuổi, chúng ta dạn dày hơn, nhiều vũ khí hơn, khả năng thích ứng với từng đối thủ cũng rõ ràng hơn.

Hồi đầu năm, chúng ta biết U23 hầu như chỉ đá theo kiểu cửa dưới, một lối đá rất du kích, chờ cơ hội để có những pha phản đòn. Nhưng hiện nay chúng ta có lối đá kỹ thuật cao, áp đảo đối với đối phương, điển hình là khi gặp Nhật Bản gần đây, chơi pressing ở tầm cao. Đó là cách đá mà một đội trình độ rất cao mới làm được. Là người gắn bó với bóng đá Việt Nam hơn 20 năm, tôi rất mừng khi chúng ta có sự trưởng thành về lối chơi, hiện nay lại có lứa cầu thủ tốt, có thể phát triển.

Với HLV Park Han Seo, khi ông gọi cầu thủ lên tuyển, điều đó không chỉ đối phó với một giải đấu hay một trận đấu, mà ông ấy muốn đó là một dịp để cầu thủ tự nâng tầm bản thân, để mỗi lần lên tuyển, người ta lại đạt tới một nấc thang mới. Tôi cho rằng lứa cầu thủ này còn tiến bộ nhiều, vì các bạn ấy đa phần còn trẻ, ngoài 20 tuổi thôi, sẽ còn cống hiến nhiều cho bóng đá Việt Nam, giúp bóng đá Việt Nam đạt tới tầm cao mới.

Cá nhân tôi khi tiếp xúc với họ, tôi thấy đó là các cầu thủ có tư cách đạo đức tốt. Họ trong sáng, rất vui vẻ. Trước đây, tôi tiếp xúc với nhiều lứa cầu thủ hoặc là những người phần lớn hơi dại khờ hoặc là những người có sự láu lỉnh hơi quá. Những người cân bằng không nhiều. Nhưng lứa cầu thủ hiện nay tôi thấy rất cân bằng, rất dễ thương.

Trong lứa cầu thủ U23 Việt Nam, anh yêu quý ai nhất? Trong các cầu thủ từng tiếp xúc, anh thân thiết với ai nhất?

- Trong lứa cầu thủ U23 hiện nay, tôi yêu quý phần lớn thành viên trong số họ. Họ ở lứa tuổi nhiều người đáng ra phải gọi tôi là chú và tôi không chơi thân được với họ như với thế hệ vàng trước đây. Mức độ giao tiếp của chúng tôi chỉ dừng lại ở chuyên môn, công việc. Tôi quý tất cả họ. Về chuyên môn, tôi thấy mỗi người có một thế mạnh khác nhau.

Lứa cầu thủ này rất đồng đều. Để nói ai đặc biệt nhất, gây ấn tượng mạnh nhất với tôi thì có lẽ rất khó. Tuy nhiên từ giải U23 châu Á tới giờ, tôi vẫn thấy Quang Hải là một cầu thủ sở hữu những tố chất rất đặc biệt. Tôi nghĩ cậu ấy đạt đến tầm có thể vượt ngoài cả Đông Nam Á. Mặc dù nhỏ người nhưng Hải có những tố chất đặc biệt là thực tế là đã tỏa sáng ở các trận đấu tầm châu lục.

Với lứa cầu thủ thế hệ vàng trước đây, tôi có dịp tiếp xúc tương đối sâu. Nếu nói là một người bạn đặc biệt theo kiểu tri âm tri kỷ thì không có, nhưng đa số những người trụ cột của đội tuyển tôi đều chơi thân, như anh Hồng Sơn, anh Hữu Thắng, anh Huỳnh Đức, anh Trần Công Minh. Những năm tôi tác nghiệp trực tiếp, tôi đã cùng họ đi khắp cả Đông Nam Á. Đến giờ khi họ làm HLV, chúng tôi vẫn giữ quan hệ rất tốt, thường giao lưu, trao đổi.

browser not support iframe.
Clip: BLV Quang Huy phân tích về Olympic VN cùng mối thân tình với các cầu thủ.

Anh là người am hiểu về bóng đá, lại có trí nhớ tốt, ghi nhớ thông tin, đội tuyển, thành tích, sở trường của các cầu thủ. Các trận đấu anh bình luận có chuyên môn cao, có chiều sâu. Anh cũng là người phán đoán rất giỏi, dự đoán kết quả trận đấu thường đúng. Thậm chí việc HLV đưa người vào sân có lúc cũng đúng suy nghĩ của anh. Anh có thể nói gì về linh cảm của mình với bóng đá?

Gần đây, tôi dự đoán đúng nhiều hơn trước. Trước đây, tôi hay cảm tính, nhưng gần đây để đưa ra dự đoán gì, tôi ý thức được nhiều người theo dõi, nhiều người căn cứ theo phán đoán của mình để làm hành trang cho tư duy về các trận đấu, nên tôi trách nhiệm hơn, lý trí hơn, thậm chí thăm dò ý kiến của các thành viên đội tuyển. Tôi nghĩ tôi có những linh cảm đó đôi khi là vì mình có sự kỹ lưỡng trong công việc, có sự trang bị đầy đủ về thông tin trước trận đấu.

Với đội tuyển Việt Nam, tôi luôn tin Công Phượng, Văn Toàn sẽ được tung vào sân bất cứ lúc nào, bởi vì họ đều là những cầu thủ tấn công xuất sắc. Nhưng khi đội bóng của chúng ta đã có quá nhiều ngôi sao tấn công, họ phải ngồi ghế dự bị để mang một sứ mệnh nào đó, sẽ vào sân một lúc nào đó, để tỏa sáng.

Khi hiệp 2 bế tắc, tôi luôn nghĩ đến Công Phượng và Văn Toàn. Khi Công Phượng vào rồi và chỉ còn vài phút, tôi nghĩ đến Văn Toàn có thể vào sân để tạo ra sự khác biệt. Đặc biệt là lúc đó chúng ta còn một sự thay đổi người nữa. Sự thay đổi đó đương nhiên phải là thay đổi hàng công để tạo sự khác biệt. Vì vậy nói cho cùng, những linh cảm, dự đoán, thậm chí cả may mắn đều đến từ thực lực, sự trang bị của chính bản thân mình.

Phần 2: Khó tin thời ăn 20 bát cơm một bữa của BLV Quang Huy

Sơn Hà - Xuân Quý - Huy Phúc - Bạt TuấnThiết kế: Đỗ Diễm Anh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/hotface/media/goc-khuat-cua-blv-quang-huy-va-man-binh-luan-noi-gai-oc-473234.html