Góc khuất chợ nổi

Chợ nổi Cái Bè, Cái Răng, Phong Điền... từ lâu đã làm đắm say bao du khách bởi sắc thái văn hóa miền sông nước đặc sắc chứa đựng trong nó. Ấy là tính cách khoáng đạt, hiếu khách của người Nam bộ, là cách quảng bá hàng hóa độc nhất vô nhị, là sự trù phú bao la của thiên nhiên... Nhưng ở chợ nổi còn có những góc khuất không dễ thấy.

Tờ mờ sáng, ghe, xuồng lớn, nhỏ bắt đầu đổ về chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ). Chợ có đầy đủ hàng hóa cũng như các dịch vụ thiết yếu phục vụ con người, từ ghe quà vặt, đồ ăn sáng, nước giải khát, tới lương thực, thực phẩm, lá lợp nhà, sọt đựng hoa quả... Lại có cả ghe chuyên làm nghề rèn, treo biển quảng bá rõ xuất xứ “thợ rèn Hải Hậu”. Nhưng nhiều nhất vẫn là ghe hoa quả - sản vật của các miệt vườn. Xoài, chuối, bưởi, mít, bơ, dưa hấu tươi rói của người dân ở các cù lao ven sông theo ghe nhỏ đổ về chợ. Có ghe đổ buôn cho các ghe lớn, cũng có ghe bán lẻ cho người đi chợ.

Chợ nổi Phong Điền nhộn nhịp từ khi mặt trời chưa tỏ đến 9 giờ sáng thì tan dần. Một số ghe lớn “ăn no” hàng quay mũi chạy về mạn Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong khi đó, các ghe bán lẻ xuôi dòng tỏa đi theo các nhánh sông, kênh, rạch đưa hàng tới tận tay người tiêu dùng như kiểu bán hàng rong trên đất liền.

Phận người chạy chợ trên sông

Ghe của vợ chồng chị Thắm, anh Lê nhỏ như chiếc lá trên mặt sông, ấy vậy mà có đủ thứ, từ hoa quả tươi đến lương thực, thực phẩm, gia vị nấu ăn, nước giải khát... Một ngày chạy chợ của chị bắt đầu từ sáng sớm tới tối mịt. “Sáng vô hàng về chợ bán, tan chợ lại đi. Theo kênh đi khắp từ Nhơn Ái (huyện Phong Điền, Cần Thơ) đến Rạch Giá, Rạch Sỏi (Kiên Giang)... rồi lại về chợ Phong Điền. Hết vòng mất chừng 4-5 ngày” - Chị Thắm cho biết lịch trình chạy chợ quen thuộc 17 năm nay.

Không biết có bao nhiêu trẻ em theo mẹ mưu sinh ở chợ nổi

Không biết có bao nhiêu trẻ em theo mẹ mưu sinh ở chợ nổi

Chiếc ghe vừa là cửa hàng di động, vừa là “tổ ấm” của đôi vợ chồng này. Hàng hóa xếp chật cứng. Khoảng trống duy nhất là nóc ghe. Đó cũng là nơi ăn nghỉ của vợ chồng chị. Mái bạt che sơ sài chỉ đủ giúp họ tránh nắng, còn nếu gặp mưa thì “phải chịu ướt”. “Bình thường không có chi. Chỉ sợ những lúc mưa gió thất thường. Có đêm đang ngủ, bất thình lình nổi gió lốc, thuyền xoay như chong chóng” - Anh Lê bộc bạch.

Còn sớm, bạn giao thương chưa tới đổ hàng, chị Nụ thảnh thơi ngồi hóng gió. Chị quê Tân Châu (An Giang), chạy thuyền 11 tiếng mới tới chợ nổi Phong Điền. Nằm chờ 3-4 ngày, nhập đầy thuyền hàng, chị quay về thị xã Châu Đốc bán. Người phụ nữ có 2 mặt con này tâm sự: “Làm nghề này cơ cực, vất vả trăm bề. Thiệt thòi nhất là bọn nhỏ, học hành chẳng đến đâu. Cố gắng lắm, thằng lớn nhà tôi mới học đến lớp 7 thì bỏ ngang, lênh đênh sông nước cùng ba, má. Tôi muốn thằng nhỏ được học hành đến nơi đến chốn nên cất nhà dưới quê cho nó ở. Dăm bữa, nửa tháng vợ chồng mới về nhà thăm con được một lần. Để thằng bé một thân một mình ở nhà, tôi lo hoài trong bụng nhưng không thể làm khác được”.

Mặt trời bắt đầu lên cũng là lúc chợ nổi nhộn nhịp nhất. Chúng tôi áp sát ghe bán xoài. Trong lúc người mẹ loay hoay chỉnh mũi ghe, cậu bé chừng 12 tuổi nhanh nhảu chào mời chúng tôi mua hàng. Hỏi chuyện học hành, cậu bé cười ngượng nghịu: “Con không đi học nữa”. Đôi mắt chị Hạnh - mẹ cậu bé đượm buồn: “Không phải tôi muốn con thất học mà là “lực bất tòng tâm”. Nghề này nay đây mai đó, chúng tôi không có nhà cửa trên bờ nên phải gửi con ở nhờ nhà bà con họ hàng để chúng đi học. Chật vật lắm cũng chỉ lo cho chúng đi học biết mặt chữ thôi”.

Dáng nhỏ liêu xiêu của mẹ con chị Hạnh nhạt nhòa trong dòng ghe thuyền nhộn nhịp. Tôi băn khoăn tự hỏi, không biết có bao nhiêu trẻ em phải bỏ học, vật lộn mưu sinh cùng gia đình ở chợ nổi. Tương lai của các em sẽ đi đến đâu, liệu có thoát được cuộc đời trôi nổi trên sông nước.

Cơ cực mưu sinh

Nghe tiếng gọi, anh Nguyễn Chí Tâm lò dò chui ra từ khoang thuyền chật ních thùng, sọt đựng ba khía muối. Ghe của anh từ Cà Mau chạy về chợ Phong Điền thả neo bán hàng. Hỏi chuyện đời sống tinh thần, anh cười xòa: “Sông nước mênh mông làm gì có điều kiện giải trí, tiếp cận thông tin. Lúc rảnh mở đài nghe, vậy thôi”. “Khi ốm đau làm thế nào?” - Tôi tiếp tục cuộc trò chuyện. Tâm ậm ừ: “Chẳng mấy ai đi khám bác sĩ. Có đau sốt chỉ ghé hiệu thuốc kể bệnh, người ta bán cho thuốc gì, uống thuốc đó”.

Giống như nhiều người chạy chợ trên sông khác, chị Nụ lấy ghe làm nhà, sông nước làm bến đỗ. Việc nấu nướng, ăn, ngủ, nghỉ đều diễn ra trong khoảng không chỉ rộng bằng chiếc chiếu. Thấy chị Nụ múc nước sông lên dùng, tôi e ngại: “Nước bẩn đục thế này chị cũng dùng sao?”. Chị Nụ đáp: “Nước bẩn cũng phải xài. Cho ít phèn chua vào là trong ngay. Trên sông lấy đâu ra nước sạch”. Chị tự vấn an: “Mình ăn nước sông mấy chục năm nay rồi, có sao đâu”.

Thật ái ngại với cách ứng xử không thân thiện với môi trường của những người mưu sinh trên sông nước. Dù vẫn dùng nước sông để ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo nhưng họ lại vô tư đổ tất cả những thứ bỏ đi, từ rác thải rắn đến thức ăn thừa, hoa quả thối... xuống sông. Ở chợ nổi Phong Điền, tôi bắt gặp cùng lúc 3 hình ảnh: Sát mép sông, một em bé đang khỏa nước tắm. Trên chiếc ghe đậu gần đó, một phụ nữ gọt xong quả bầu liền đổ ào vỏ và ruột bầu xuống sông. Chị cầm nguyên quả bầu nhúng xuống sông, rửa lại bằng nước chứa trong thùng trên ghe. Trong khi cách đó không xa, một người mẹ trẻ cho con ngồi trên mép ghe đi vệ sinh. Những hình ảnh không mấy đẹp mắt nhưng thường thấy ở vùng sông nước.

Chưa có con số thống kê nào về tỉ lệ người dân sinh sống và làm ăn ở chợ nổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa, về mắt, cũng chưa có nghiên cứu, đánh giá nào về tác động của con người tới môi trường vùng sông nước nói chung và chợ nổi nói riêng. Nhưng chắc chắn, thói quen ăn ở thiếu vệ sinh và cách ứng xử không đẹp của con người sẽ tác động không tốt tới sức khỏe, cuộc sống của chính họ và tuổi thọ của các dòng sông.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/goc-khuat-cho-noi/