Góc khuất cao nguyên đá: Vẫn may mắn thứ trời cho

Mạo muội nghĩ đến ông Triệu Đức Thanh rồi ông con Triệu Tài Vinh cũng thuộc dạng phát, được hưởng phúc ấm tạm coi có cỡ Xứ Cao nguyên đá.

Công viên Hà Phương, công trình ven thị xã Hà Giang dưới thời Chủ tịch Nguyễn Trường Tô để hoang phế hơn 10 năm nay

Công viên Hà Phương, công trình ven thị xã Hà Giang dưới thời Chủ tịch Nguyễn Trường Tô để hoang phế hơn 10 năm nay

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang uy tín khá cao nhưng tính tình ông khiêm tốn. Ông Triệu Đức Thanh là Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là hội viên Hội VHNT Hà Giang nữa . Ấn tượng có lẽ là câu nói vui của ông thời điểm năm 2004 khi ông về hưu “Kể từ giờ phút này, tỉnh Hà Giang chấm dứt cái việc sử dụng một cán bộ không có trình độ như tôi!”.

Ông nói vậy là thế nào? Khiêm nhường thì rõ rồi, nhưng rành rẽ thẳng băng một thông điệp rằng cán bộ Hà Giang là phải có trình độ phải có học, có bằng cấp để làm việc tốt!

Bây giờ, cứ phân vân dùng dắng với ý nghĩ, 5 người con ông Thanh, tất cả đều phương trưởng được học hành, đào tạo cẩn thận. Người chức thấp nhất cũng là Chủ tịch, Bí thư huyện. Người con cả sinh năm 1968 Triệu Tài Vinh là Tiến sĩ nông học, Cử nhân cao cấp chính trị, từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy hai khóa. Chưa có cán bộ dân tộc nào ở Hà Giang ở hàm cấp Trung ương ủy viên như ông Triệu Tài Vinh cả! Nhưng sở dĩ nói dùng dắng với phân vân là đại gia đình ấy, một số thành viên hình như lại kém hanh thông lẫn may mắn trên con đường quan lộ? Hóa ra bằng cấp không phải là thứ bảo bối, quyết định? Một thời gian dài ông Vinh và người thân là tâm điểm của những dị nghị một người làm quan cả họ được nhờ?! Rồi có người vướng cả vòng lao lý nữa. Có lẽ người lãnh cái buồn nhiều nhất là ông cựu Chủ tịch Triệu Đức Thanh. Thành tâm mong ông hiện với cương vị Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam kiêm hội viên Hội VHNT Hà Giang sẽ có nhiều những sáng tác và hoạt động để khuây khỏa…

(Viết đến đây có chút trộm nghĩ dưới cái bóng hơi bị lớn của những người cha mà người con bị cớm rợp? Xưa nay chả nhan nhãn những chuyện na ná? Cụ Sùng Đại Dùng uy thế cùng uy tín lẫy lừng một thời như thế nhưng ông con Sùng Đại Hùng từng ngồi chức Bí thư huyện ủy Đồng Văn và bây giờ với vị trí công tác mới cũng vẫn chưa phát lộ tài năng gì nổi bật? Ông bố Triệu Đức Thanh từng ghi nhiều dấu son trong các cương vị công tác ở Hà Giang lại kỳ vọng vào câu con hơn cha nhà có phúc?)

Nhớ thêm một nhiệm kỳ tất tả của ông Bí thư Hà Giang Lê Ngọc Kỳ. Nhưng những xôn xao của sự kiện bao nhiêu là bể nước xây bằng xi măng trên các bản của người Mông theo tinh thần xóa đói giảm nghèo 135 bị vỡ toác, bị hỏng do trời… không có mưa! Chuyện ấy do ông chủ trương chưa kịp lắng xuống thì ông Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Văn Cuông trong một kỳ họp đã bồi thêm một gáo nước lạnh nũa. ĐB Cuông lôi ra 100% dự án xây dựng lớn nhỏ ở Hà Giang dưới thời ông Kỳ đã được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, trong đó nhiều dự án chỉ định thầu không đúng qui định. Rất nhiều công trình chất lượng xấu, hỏng. Nhiều dự án có bút phê của ông Vũ Ngọc Kỳ cho phép nhà thầu được thi công công trình, thậm chí ghi cụ thể mức vốn kế hoạch hằng năm, bị công luận phản ứng dữ dội.

Lại cũng chính ông Cuông, ĐBQH Lê Văn Cuông trong một kỳ họp QH đã làm không khí nghị trường buổi chất vấn trực tiếp bỏng rẫy! Ấy là chuyện Chủ tịch Hà Giang Nguyễn Trường Tô đã bảy lần không chấp hành lệnh của Thủ tướng! Nói có sách, mách có chứng, ĐB Cuông lôi ra tuồn tuột cụ thể 7 lần ấy như thế nào. Tôi nhớ ngay sau buổi chất vấn, ông Bí thư Hà Giang Nguyễn Ngọc Nhất, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Giang có ngay cái công văn gửi ông Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa với nội dung tại sao lại để ĐB Cuông phát biểu… vô tổ chức như thế? Chuyện loang ra, ông Trưởng đoàn Thanh Hóa gãi tai nào tôi có chỉ đạo chi mô!

Lại nhớ thêm đêm làm việc tại huyện Mèo Vạc đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Giang. Giữa bao bộn bề cần phải lo toan cho đời sống đang còn gặp nhiều khó khăn của bà con các dân tộc vùng cao Hà Giang, ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô đã không quên việc của mình! Ấy là ông kính đề nghị Thủ tướng có biện pháp bảo vệ danh dự cho ông khi hàng chục tờ báo cứ xúm vào đánh ông trong vụ Sông Lô và nhiều vụ việc khác!? Trong đó ông nhấn mạnh phải nghiêm khắc xử lý một số tờ báo cụ thể nữa.

Mọi người có mặt khi đó đều chứng kiến, Thủ tướng có nghe lời đề nghị khẩn thiết ấy nhưng đã... không nói gì!

Cái gì đến thì phải đến. Nếu có nói thì hơn nửa năm sau, vì những vi phạm nghiêm trọng trong công tác trong Quyết định số 1248/ QĐ-TTg ngày 21/7/2010 Thủ tướng đã đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô là một cách trả lời hữu hiệu.

Tanh bành dưới chân Lũng Cú mùa thu năm 2019

Tôi chả mấy tin những đồn đại loại là do phạm vào đất thiêng Lũng Cú (việc xây dựng Khu du lịch tâm linh ngay sát chân cột cờ Lũng Cú) nên gần đây Hà Giang đã phơi lộ ra những chuyện ngoài mong muốn. Mà cái câu Nguyễn Trãi răn mấy trăm năm trước hình như vẫn hôi hổi không thôi cái thông điệp thời sự. Họa phúc hữu môi phi nhất nhật (cái họa, phúc đều có nguồn, phải đâu đùng cái nó đến) Bao năm hình như đã lơi đã lỏng nhiều thứ trong đó có công tác nhân sự, tổ chức và vấn đề cán bộ ở vùng biên viễn này? Mới rồi QH dành cả một ngày để mổ xẻ Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Khu vực mà đã, đang giành được nhiều ưu tiên nhất và quan tâm nhiều nhất và Hà Giang cũng không ngoại lệ. Hy vọng với sự quan tâm và soi chiếu mới, với những đặc thù riêng có Hà Giang sẽ lại ổn định và nhịp bước cùng sự phát triển của đất nước.

Dằng dặc thời gian cùng những bình yên, tao loạn những nhiệm kỳ trị nhậm cùng quản trị, bao nhiêu là những gắng gỏi nhưng tiếc thay tình hình KTXH vùng biên viễn này vẫn chưa có gì bứt phá. Đời sống của đồng bào dân tộc vẫn khó khăn.

Nhưng may thay! Không có chi cũ hơn và mới hơn đá. Đá đây là đá Hà Giang, thứ đá trời cho là nguồn lợi vô biên vô tận nếu biết khai thác? Là thứ đá lạ mà như Phan Bội Châu từng minh triết bái thạch vi huynh (Lạy đá làm anh). Mấy năm nay, đời sống dưới xuôi chừng như khấm khá, thiên hạ rảnh rỗi nhẩn nha hơn, lúc đầu thi thoảng, lác đác những đám phượt, sau đó là du khách nhất là những ngày nghỉ, đợt lễ tết ùn ùn kéo nhau ngược về cao nguyên đá. Mà điểm nhấn là thứ đáng coi trong vùng lõi di sản ấy là nhà Vương sau nữa là Cột cờ Lũng Cú và phố cổ Đồng Văn.

Cao nguyên đá chót thu năm Hợi 2019

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/goc-khuat-cao-nguyen-da-van-may-man-thu-troi-cho-1490684.tpo