Góc khuất bi kịch vụ ly hôn tuổi xế chiều

Ra Tòa, ông Bổn một mực khẳng định không thể tiếp tục chung sống với bà Miên nữa, bởi sự chịu đựng đã đến giới hạn trong khi bà Miên tìm mọi lý do để đề nghị HĐXX bác yêu cầu ly hôn của chồng. Cuộc tranh cãi chan chát tại Tòa của đôi vợ chồng già hé lộ góc khuất bi kịch vụ án ly hôn tuổi bóng xế.

Vụ án ly hôn hy hữu do TAND tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm giữa ông Lê Đình Bổn (sinh năm: 1950, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) và bà Nguyễn Thị Hai Miên (sinh năm 1952) đã để lại dư âm buồn cho cả HĐXX và người dự khán. Bởi, ở độ tuổi bóng xế, thay vì bình yên bên con cháu, ông bà tựa nhau đoạn cuối đời thì cả hai lại kéo nhau ra Tòa để người đời ta thán, đàm tiếu.

Tại buổi xét xử phúc thẩm không biết có đủ đầy con cháu nội ngoại hay không, nhưng dưới hàng dự khán có những người đã trung niên, người thanh niên, có cả con trẻ, họ nhận mình là con cháu nội ngoại của bên nguyên đơn và bị đơn đến chứng kiến phiên tòa. Ai cũng mặt rầu rĩ, theo họ, từng góp ý, từng khuyên ngăn nhưng vẫn không cản nổi ý chí của ông bà.
Theo hồ sơ, ông Bổn và bà Miên là người địa phương, thuận tình đến với nhau làm vợ chồng vào năm 1974, không làm thủ tục hôn thú. Nhưng qua bao biến cố thời chiến tranh, rồi thời bao cấp nghèo đói nhưng vợ chồng vẫn vẹn tình, giữ được gia đạo, con cái có 5 người đầy đủ trai gái. Sau 24 năm chung sống, vợ chồng ông Bổn, bà Miên quyết định tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn, chính thức trở thành vợ chồng về mặt pháp lý. Thói đời trớ trêu, mấy chục năm làm vợ chồng thì hạnh phúc, nhưng từ ngày “trói” nhau bằng hôn thú, mâu thuẫn lại nảy sinh.

Theo ông Bổn, khoảng từ năm 2002 mâu thuẫn ông bà mới trở thành đỉnh điểm. Vợ chồng ông liên tục phát sinh tranh cãi, xích mích những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng vì cả hai đều đã lớn tuổi, lại có thông gia và để con cái vui vẻ với bạn bè, xã hội nên ông cố gắng nhẫn nhịn, bỏ qua tất cả duy trì mối quan hệ. Nhưng càng duy trì thì mâu thuẫn càng sâu sắc, từ không thể dung hòa đến việc không nói chuyện với nhau, đến khi quyết định ly dị, vợ chồng đã có quảng thời gian ly thân. Theo ông Bổn, khi vợ chồng không thể cùng vun đấp, không đi chung tiếp trên con đường thì ly hôn là lựa chọn. Đó là lý do ông viết đơn ra Tòa án Nhân dân huyện Thanh Phú yêu cầu được giải quyết ly hôn.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tính đến ngày ly hôn ông đã bước qua tuổi 65, vợ ông đã 62 tuổi. Người con trưởng bước vào tuổi 44, người con út đã tuổi 32, tất cả đều đã yên bề gia thất, con cháu nội ngoại của ông bà cũng trên 10 đứa. Biết tin, con cháu góp ý, can ngăn vì chuyện “xấu chàng thì hổ ai”, ông bà già đã đành, nếu có mâu thuẫn thì bỏ qua xem như để con cháu ra đường còn nhìn mặt bè bạn. Rồi hàng xóm cũng khuyên răn hết lời, thậm chí Hội người cao tuổi xã cũng đến tận nhà vận động, Trưởng thôn, Chủ tịch xã động viên hàn gắn, nhưng ông Bổn vẫn quyết định đưa việc ly hôn ra Tòa.

Phía bà Miên thì không muốn ly hôn, nhưng sự kiên quyết của chồng bà cũng miễn cưỡng hầu Tòa. Tại các buổi làm việc ở tòa sơ thẩm, bà Miên cũng xác nhận, vợ chồng có rạn nứt. Sau khi kết hôn năm 1998 thì 4 năm sau ông bà ly thân. Theo bà Miên, do ông Bổn có quan hệ tình ái với người đàn bà khác. Tuy nhiên, bà vẫn bỏ qua, về tình cảm bà vẫn còn yêu thương chồng nên mong Tòa tạo điều kiện để hòa giải, hàn gắn mối quan hệ vợ chồng với ông Bổn. Sau nhiều lần hàn gắn bất thành, Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Phú đưa vụ án ra xét xử, quyết định tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Bổn.

Bà Miên không chấp nhận bản án sơ thẩm nên kháng cáo lên Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre. Con cháu lại tiếp tục theo chân ông bà lên Tòa tỉnh. Quan điểm của con cháu vẫn như cũ, mong ông bà tiếp tục về ở với nhau. Ngày mở phiên phúc thẩm, ông Bổn bị bệnh, tóc ngã bạc trắng, trông tiều tụy hẳn nhưng khi HĐXX đặt vấn đề có rút yêu cầu ly hôn thì giọng ông Bổn vẫn kiên quyết. Ông Bổn ho lụ sụ một tràng rồi nói: “Tôi không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này, tôi đã chịu đựng bà ấy 10 năm rồi”. Phiên Tòa lại tiếp diễn.

Bà Miên vẫn bảo vệ quan điểm không ly hôn nên đưa ra lý do, ông Bổn có quan hệ tình cảm với nhiều người đàn bà khác một lúc nên mới đòi ly hôn với bà. Hành vi của ông Bổn vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo Luật Hôn nhân gia đình nên Tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Bổn là không hợp lệ. Vụ án cũng có 2 người làm chứng khẳng định, ông Bổn ngoại tình. Tuy nhiên, tất cả đều không trưng ra được chứng cứ chứng minh.

HĐXX phúc thẩm cho rằng bà Miên nói ông Bổn vi phạm chế độ một vợ một chồng nhưng thời điểm đó bà không thực hiện quyền khiếu nại chứng tỏ điều này là không xảy ra. Hơn nữa, đến thời điểm xét xử vẫn chưa có quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt ông Bổn về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình.

HĐXX nhận định, cả hai ông bà đều xác nhận có mâu thuẫn trong quan hệ và có sống ly thân, chứng tỏ yêu cầu ly hôn của ông Bổn là có căn cứ. Bà Miên mặc dù muốn hàn gắn nhưng hoàn toàn ngược lại ý chí của ông Bổn. Bà Miên đưa ra luận cứ cáo buộc ông Bổn vi phạm luật hôn nhân gia đình nhưng không có bằng chứng thuyết phục để HĐXX xem xét. Xét mối quan hệ hôn nhân thực tại hai ông bà không còn hạnh phúc, mục đích hôn nhân là xây dựng, vun đắp không còn đạt được nên theo Tòa, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu ly hôn của ông Bổn là phù hợp. Sau khi xem xét, HĐXX bác yêu cầu kháng cáo của bà Miên, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau 2 cấp xét xử, yêu cầu ly hôn của ông Bổn thở phào toại nguyện. Bà Miên thấm buồn. Đôi vợ chồng già rời tòa, người vui vẻ bước đi, kẻ lửng thửng lê bước. Con cháu lật đật chia hướng đứa theo bà, đứa theo ông. Họ lại tiếp tục động viên đôi vợ chồng già hàn gắn. Bởi một lẽ, ông bà thôi nhau nhưng con, cháu không thể bỏ.

* Tên nhân vật đã thay đổi

Văn Kỳ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/goc-khuat-bi-kich-vu-ly-hon-tuoi-xe-chieu-79870.html