Gốc của mọi lo lắng vẫn là trình độ nghiệp vụ của công an xã

Mới đây, Bộ Công an ban hành Dự thảo Thông tư quy định, công an xã (CAX), cảnh sát chữa cháy các tỉnh sẽ được trang bị súng quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ.

Dự thảo này đang gây nhiều bàn cãi bởi mới đây liên tiếp xảy ra hai vụ việc liên quan đến trưởng CAX bắn người vô cớ và cho còng tay công dân vượt quá thẩm quyền.

Yên tâm hay bất ổn?

Dự thảo Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của Bộ Công an có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2018. Dự thảo có 4 chương 16 điều, quy định về chủng loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ trang bị cho các lực lượng thuộc Bộ Công an quản lý. Đáng chú ý, dự thảo mới quy định cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và CAX cũng được trang bị vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Dự thảo đã nhận được sự đồng tình của lực lượng CAX với lý do, hiện nay phía lực lượng CAX đang được sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ thô sơ như: Súng bắn đạn cao su, hơi cay hay gậy cao su. Nếu được trang bị thêm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ nữa thì rất tốt và tự tin trong công việc. Thực tế cho thấy, có những đối tượng khi gây án thì sử dụng những loại vũ khí hiện đại, trong khi đó lực lượng CAX sử dụng những loại dụng cụ hỗ trợ còn thô sơ. Khi chống trả các đối tượng gây án, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi người dân còn đang băn khoăn về trình độ của lực lượng CAX còn hạn chế, liệu khi được trang bị vũ khí quân dụng có dẫn đến tác dụng ngược thì liên tiếp trong hai tháng 11 và 12-2017 xảy ra hai vụ việc liên quan đến hai trưởng CAX.

Vụ việc thứ nhất, chiều 15-12, trường tiểu học xã Vĩnh Phong tổ chức thi công công trình phụ trợ, ông Hà Văn Cao, trú tại thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có phản đối với lý do khu đất này đang tranh chấp. Lúc đó, ông Hà Mạnh Hữu, Trưởng CAX Vĩnh Phong cùng một nhóm người đến yêu cầu ông Cao về trụ sở UBND xã để làm việc. Ông Cao không đồng ý thì bị những người này còng tay bằng khóa số 8, rồi khênh về trụ sở xã, mặc cho bản thân ông và gia đình phản ứng dữ dội.

Ngay trong tối 15-12, ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND xã và ông Hà Mạnh Hữu đã xin lỗi ông Cao. Ông Nguyễn Trung Văn đã công nhận, việc CAX còng tay và khênh ông Cao về trụ sở là vượt quá chức trách nhiệm vụ so với quy định nên đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, cam kết chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngày 18-12, ông Nguyễn Trung Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong xác nhận, ông Hà Mạnh Hữu tạm thời đang bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra trong việc còng tay ông Hà Văn Cao.

Vụ việc thứ hai, khoảng 15g ngày 9-11, ông Nguyễn Ngọc Thấu, Trưởng CAX Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đến trụ sở với trạng thái có hơi men trong người, nói to và gây ồn ào tại trụ sở ủy ban. Thấy vậy, ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghi Quang ra can để tránh gây ồn ào. Sẵn có hơi men trong người lại bị can ngăn, ông Thấu đã sử dụng súng cao su bắn nhiều phát vào ông Thanh. Ngay sau đó, ông Thanh được cán bộ ủy ban đưa đến BV cấp cứu.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng CA huyện Nghi Lộc xác nhận thông tin ông Thấu bị tạm giữ tại CA huyện.

Theo Nghị định 73/2009 của Chính phủ, CA viên chỉ cần tốt nghiệp THCS trở lên, còn ở vùng sâu, vùng xa trình độ học xong chương trình tiểu học trở lên. Ảnh tư liệu

Đầu vào của CAX còn thấp

Quy định của Luật Công an nhân dân cho thấy, CAX là một cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân. Theo Luật quốc phòng, CAX là lực lượng vũ trang. Theo Pháp lệnh CAX là lực lượng vũ trang bán chuyên trách. Chiếu theo các quy định của Luật Cán bộ công chức, Trưởng CAX là công chức xã, còn Phó trưởng CAX và CA viên là người hoạt động không chuyên trách của xã được hưởng phụ cấp.

Nghị định 73/2009 của Chính phủ nêu rõ, công dân được tuyển chọn vào làm Trưởng CAX, Phó trưởng CAX là người học xong chương trình phổ thông trở lên, còn CA viên là người tốt nghiệp chương trình THCS trở lên, ở vùng sâu, vùng xa không có đủ người thì trình độ có thể thấp hơn nhưng phải là người học xong chương trình tiểu học trở lên.

Như vậy, với nhiệm vụ quyền hạn rất lớn, trong đó có những quyền hạn đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân thì với những gì được nói tới trong Nghị định 73/2009 cho thấy trình độ đầu vào của CAX còn thấp. Không phải bây giờ, trước đó tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, khi bàn về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều ý kiến khác nhau về việc trang bị súng cho CAX. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng chỉ nên cấp công cụ hỗ trợ chứ không nên cấp súng. Trong trường hợp vẫn quyết định cấp súng cho CAX, cần phải quản lý thật chặt chẽ bởi lực lượng CAX hoạt động ở địa phương tương đối độc lập chứ không như trong lực lượng vũ trang. Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại cho rằng chỉ nên cấp súng cho trưởng CAX.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu ra băn khoăn, ở nhiều địa phương, nếu như trình độ của CAX chỉ mới hết tiểu học thì có lập biên bản, có lấy lời khai ban đầu được không, bởi vì đây là việc rất khó.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cũng bày tỏ quan điểm, không nên cấp súng cho lực lượng CAX vì đây không phải lực lượng vũ trang mà là lực lượng bán vũ trang. Hơn nữa, tình trạng sử dụng súng vừa qua lại rất phức tạp, nhiều trường hợp lạm dụng súng. Nếu nói giao súng để điều tra bắt giữ tội phạm thì có lực lượng CA chính quy làm rồi, nên CAX chỉ cần công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ trong giới hạn của mình.

Phân tích hai trường hợp trưởng CAX nêu ở đầu bài viết, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội nói: “Trường hợp Trưởng CAX Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng ra lệnh còng tay công dân rõ ràng đang không hiểu biết về pháp luật. Khi nhiệm vụ bảo vệ trị an của cả một xã nằm trong tay người không hiểu luật sẽ rất tai hại. Còn khi vị trưởng CAX này biết rằng mình đang có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn mà cố tình phạm luật thì sự tai hại còn nhân lên gấp bội.

Ở trường hợp ông Trưởng CAX Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An dùng súng để giải quyết cơn giận giữ đầy cá nhân. Nếu lúc đó thay vì súng bắn đạn cao su, ông trưởng CAX này có trong tay súng quân dụng thì hậu quả còn nghiêm trọng đến nhường nào.

Cả nước hiện có 11.000 xã, chỉ cần số nhỏ CAX trong tổng số xã này lạm quyền, thiếu hiểu biết, sử dụng súng sai mục đích cũng dẫn đến hệ quả xấu cho xã hội. Tại nhiều địa phương, mô hình tốt nhất là chuẩn hóa chức danh Trưởng CAX, nghĩa là đưa lực lượng CA chính quy vào nắm giữ vị trí này, như vậy sẽ không còn băn khoăn việc Trưởng CAX sử dụng vũ khí quân dụng.

Tuy nhiên, việc trang bị đại trà vũ khí tới tận CA viên đang là điều rất cần Bộ Công an và các cơ quan liên quan phải tính toán chặt chẽ”.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/goc-cua-moi-lo-lang-van-la-trinh-do-nghiep-vu-cua-cong-an-xa-109149.html