Gốc của mọi công việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc', 'Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém'. Những năm qua, công tác cán bộ luôn được Đảng coi trọng. Đặc biệt, trong tình hình mới, khi cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí quyết liệt, thì công tác cán bộ lại càng có tầm quan trọng đặc biệt.

Trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày 19/9/1954.

1. Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công vô tư trong việc xem xét, đánh giá. Người nói: “Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước hết phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.

Ngay từ những năm tháng đầu tiên Nhà nước Dân chủ Cộng hòa, tháng 11/1946, trả lời trước kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I về những thành viên không trong sạch trong Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (1). Và theo Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân” (2).

Tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Người từng chỉ ra, người lãnh đạo thường phạm “4 bệnh” khi xem xét cán bộ. Đó là tự cao, tự đại, ưa nịnh hót và do yêu ghét mà xem xét con người, đem một khuôn cứng nhắc để đánh giá cán bộ. Người ví, lãnh đạo nếu mắc một trong bốn bệnh ấy cũng như một người mang kính có màu, không bao giờ thấy được màu sắc thực sự của sự vật. Bác khuyên người lãnh đạo phải bỏ kính màu, sửa chữa những bệnh ấy mới có thể biết đúng cán bộ.

Người dạy, sử dụng cán bộ cũng như khi đánh giá cán bộ phải rất vô tư. Nhiều lần Người đã phê phán gay gắt việc ham dùng người bà con, anh em quen biết, ham dùng người nịnh hót, ghét người chính trực, ham dùng những người hợp tính với mình mà xa lánh, loại bỏ những người không hợp ý mình, cán bộ tốt bị bỏ rơi.

Xét vào hoàn cảnh hiện nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên vẹn giá trị. Đây đó vẫn có “thói quen” cất nhắc, bổ nhiệm, “đặt” người nhà, người thân quen, cánh hẩu vào những vị trí then chốt, những công việc béo bở. Dư luận rất bức xúc trước tình trạng đó. Vì thế, xã hội cũng hết sức đồng tình khi nhiều vụ việc được phanh phui và xử lý. Nhưng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bóp méo quy trình bổ nhiệm cán bộ, tiếc thay, không hiếm. Chỉ vì là con cháu của vị bí thư nọ, chủ tịch kia mà nhanh chóng được cấu tạo, bổ nhiệm với những pha vận dụng quy trình đầy mờ ám. Cũng không ai quá gay gắt việc “con quan làm quan”, nhưng vấn đề là người đó phải có tâm, có tài, có tầm thực sự và phải theo đúng quy trình bổ nhiệm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến sự công khai, dân chủ, minh bạch. Thực sự thì, khi đã bổ nhiệm nhiều người thân, người trong gia tộc thì “hết chỗ” cho người tốt, có năng lực; đồng thời tạo bức xúc xã hội. Đó là điều phải hết sức tránh.

Ông Nguyễn Đình Hương- nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhận xét rằng, một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là số cán bộ là con em lãnh đạo được đưa vào các vị trí “có quyền lực” trong bộ máy là khá lớn. “Tôi ủng hộ lớp trẻ. Tre già măng phải mọc thôi, nhưng trẻ phải thế nào?”- ông Hương đặt vấn đề và cho rằng, cán bộ cần phải rèn luyện qua thực tiễn, thực tiễn càng nhiều càng tốt. Ông Hương nói rằng, nhiều người dùng nhiều cách để đưa thân hữu vào các vị trí “ngon”, thậm chí “mua” chức. “Vì thế nói là dân chủ, công khai, nhưng cũng rất dễ bị thao túng”- theo ông Hương. Trong một lần trả lời báo chí, ông Hương cho biết mình đã làm ở Ban Tổ chức Trung ương 55 năm, trải qua 8 kỳ Đại hội Đảng, nhưng chỉ chứng kiến có một đồng chí là con Ủy viên Bộ Chính trị được vào BCH Trung ương. Đó là đồng chí Đặng Xuân Kỳ, con trai đồng chí Trường Chinh.

2. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu 27 biểu hiện cụ thể của những suy thoái như những tiêu chí đối chiếu để mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức đảng tự kiểm tra, tự đánh giá và từ đó đề ra cách sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng của từng cán bộ và cả tổ chức.

Công tác cán bộ hơn lúc nào hết đang được Đảng đặt ra một cách nghiêm khắc. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới (7/2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt lưu ý cần phải chấn chỉnh công tác cán bộ. Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới công tác cán bộ ở tất cả các khâu, từ tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm “Chúng ta thi tuyển để tìm người tài chứ không phải để tìm người nhà”- Thủ tướng nói.

Tháng 4/2017, Bộ Chính trị có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước để tránh và chống những sự “cơ cấu” đặc biệt như đã nêu tiếp tục diễn ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, chiều 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân. Công quỹ là của công, cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước tư sau, vì công mà quên tư; mọi việc đều xuất phát từ dân và vì dân”.

Tổng Bí thư cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng, 35.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ cao cấp và tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang, làm nghiêm từ trên xuống dưới…

“Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, Tổng Bí thư cho rằng, cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền.

3. Trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, cần đặc biệt chú ý việc kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, uốn nắn những sai phạm, tránh hỏng việc, mất cán bộ; động viên, khen thưởng đối với những cán bộ tích cực, có thành tích tốt.

Mà muốn công tác giám sát được làm tốt thì việc dân chủ, công khai phải được tiến hành rộng rãi. Giám sát phải có cơ sở, không thể dựa vào cảm tính, dễ đẫn dến suy diễn, quy chụp. Giám sát không chỉ là để phát hiện, đấu tranh với tiêu cực mà còn để ngăn ngừa tiêu cực. Đó là “phòng” đi cùng với “chống”.

Trong công tác giám sát, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của cán bộ làm công tác Mặt trận đóng vai trò quan trọng. Cán bộ Mặt trận gần dân, lắng nghe được ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân, vì thế có nhiều thông tin liên quan. Tuy nhiên, để cán bộ Mặt trận phát huy được vai trò giám sát thì cũng rất cần cơ chế tốt và điều kiện phù hợp. Mà trước hết và rất quan trọng đó là kết quả giám sát của cán bộ Mặt trận, của Mặt trận các cấp cần phải được lắng nghe, ghi nhận và trả lời, giải quyết. Sự giám sát hữu hiệu ấy sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng bộ máy, làm trong sạch bộ máy- công việc đặc biệt quan trọng không chỉ trong tình hình hiện nay, mà là công việc thường xuyên, bền bỉ và lâu dài.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, muốn lựa chọn cán bộ đúng, cần phải căn cứ vào:

- Những người trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh.

- Những người liên lạc mật thiết với nhân dân, hiểu biết nhân dân. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân.

- Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn.

- Những người luôn giữ đúng kỷ luật.

Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ.

(Hồ Chí Minh toàn tập (năm 2011), tập 5, tr315)

Nam Việt

(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, NXB CTQG, Hà Nội, 1994, tr.98

(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 6, tr.127

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/goc-cua-moi-cong-viec-tintuc414357