Góc an nhiên: Góc an trong đời

Những ngày trước và sau Tết Tân Sửu, thêm một lần nữa tôi cảm nhận thành phố mình đang sống - Sài Gòn - TP.HCM dễ thương chi lạ, sau 20 năm có mặt ở nơi này, kể từ khi còn là một sinh viên trọ học…

Quảng cáo

1. Chuyện là, buổi sáng của tuần đầu tiên trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết, khi đang đạp xe thể dục, bánh sau xe tôi bỗng chạy vòng số 8. Tôi kết thúc sớm đường chạy (từ thành phố Thủ Đức đến sân bay Tân Sơn Nhất và về lại). Sau đó, tôi cố gắng đạp đến tiệm xe đạp mà mình đã mua trước đó để sửa. Tiệm nằm ở chợ Thủ Đức đóng cửa, “nhân viên đã về quê ăn Tết”, chủ tiệm nói và chỉ tôi qua chỗ sửa xe cách đó 100m.

Ấn tượng đầu tiên của tôi với người sửa xe là tính tình vui vẻ, xởi lởi. Ông “khám bệnh” cho con xe của tôi và kết luận hư trục bánh sau. Ông nói: “Bây giờ con đồng ý giá sửa 220.000 đồng chú mới tháo ra và chỉ chỗ hư cho con. Sửa xong chú bảo đảm con đi không bị gì trong một năm, có chi ra chú sửa lại miễn phí”.

Chú Hoằng Tiến, thợ sửa xe đạp ở góc chợ Thủ Đức

Chú Hoằng Tiến, thợ sửa xe đạp ở góc chợ Thủ Đức

Tôi đồng ý. Ông tháo ra làm các kỹ thuật của một người thợ chuyên nghiệp. Ông kể đã làm nghề này mấy chục năm, giờ vẫn sống được nhờ sửa xe đạp cho học sinh hoặc những người yêu thích môn thể thao đạp xe… “Do chú làm uy tín nên họ trở lại sửa mỗi khi hư xe”, ông kể.

Nói chuyện một hồi, ông biết tôi ăn chay giống mình nên đã quyết định “giảm cho con 20.000 đồng vì là đồng môn, chú không lấy tiền công”. Ông tự giới thiệu “là đệ tử năm giới của Sư ông Trí Tịnh, pháp danh chú là Hoằng Tiến”. Trời đất, giây phút đó tôi có “đứng hình” một lát vì cảm thấy được an ủi bởi người mình gặp. Họ thật dễ thương, tử tế, từ cam kết công việc đến cách giao tiếp đậm tính hào sảng của Sài Gòn. Tất nhiên, tôi không chịu cho ông bớt 20.000 đồng, còn gửi ông thêm 30.000 đồng, tôi gọi là “lì xì chú uống cà-phê đầu năm nghen”.

2. Đó còn là hai đêm liền, có những người bạn (Lê Văn Hiến, Ngô Trí Minh) đã đồng hành cùng tôi trong chương trình tặng quà cho người vô gia cư hoặc lao động đêm, khổ cực ở Sài Gòn. Đây như một lời hứa của chúng tôi với chính mình, “nếu tụi mình còn ở Sài Gòn, thì mỗi cuối năm, trước khi về quê ăn Tết, góp mỗi người một ít để đi lì xì cho những người khó hơn”.

Món quà không nhiều, nhưng tôi nghĩ nó mang niềm vui cho cả hai: người trao và cả người có duyên được nhận. Thực sự có đi như vậy, có nghe họ kể chuyện đời trong đêm khuya khoắt giữa phố lạnh mới thấy đâu đó trong những góc nhỏ Sài Gòn đang trở mình đi lên, vẫn còn bao hoàn cảnh cần san sẻ.

3. Nhiều năm sống ở Sài Gòn, vẫn có những chuyện này, chuyện kia ở thành phố này khiến tôi và bạn có lúc hơi buồn. Nhưng rồi, chính những điều nhỏ nhặt dễ thương đâu đó của những con người đã sống, học tập, làm việc tại đây đã neo lòng mình lại. Vì thế mà khi ở Sài Gòn lại thấy mênh mông nhớ chốn quê, đến lúc về quê (dù chỉ mấy ngày Tết) cũng thấy niềm nhớ Sài Gòn kịp tới, đầy ắp lòng mình.

4. Tôi đã nghĩ về những góc an trong đời. Có những người thật nghèo với bao khó khăn vây quanh nhưng vì họ chấp nhận được cái khó đó nên vẫn vui vẻ để sống, nhiều người còn sống vui. Bắt gặp nụ cười của họ, tự nhiên ta cũng an vui, trực ngộ, họ khó hơn mình mà còn vui được mắc chi mình buồn dữ vậy!

Đâu đó, góc an còn là những người góp bình an, thêm chia sẻ, dù nhỏ để ta thấy cuộc đời vẫn lấp lánh tình người, rồi ta tập mở lòng theo. Họ như những người thầy dạy mình sống tử tế, an vui vậy…

Bài, ảnh: Chánh Quán

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/goc-an-nhien-goc-an-trong-doi-post55522.html