Góa phụ ở Hong Kong bị lừa đảo 2,5 triệu USD

Chỉ trong 9 tháng đầu năm, các nạn nhân của những vụ lừa đảo qua điện thoại ở Hong Kong mất tổng cộng 402 triệu HKD (hơn 51,8 triệu USD), cao gấp 5 lần năm trước.

Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến vấn nạn lừa đảo qua điện thoại tăng mạnh ở Hong Kong trong đại dịch Covid-19.

Nạn nhân gặp thiệt hại nặng nề nhất là một góa phụ 85 tuổi. Biết rằng người chồng quá cố của cụ bà từng kinh doanh đồ nội thất ở Trung Quốc, kẻ lừa đảo đã cáo buộc nạn nhân tội rửa tiền và đòi chi phí để “xóa tên” khỏi danh sách nghi phạm.

Chúng dụ dỗ bà gửi thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến chi tiết. Theo đó, nạn nhân bị cuỗm sạch khoản tiền tiết kiệm trị giá 20 triệu HKD (khoảng 2,58 triệu USD). Cụ bà chỉ phát hiện ra vụ việc khi ngân hàng gửi tin nhắn thông báo rằng số dư tài khoản bằng 0.

 Người già thường là đối tượng dễ bị lừa đảo nhất do không biết nhiều về công nghệ.

Người già thường là đối tượng dễ bị lừa đảo nhất do không biết nhiều về công nghệ.

Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một thiếu niên mới 14 tuổi. Cậu bé nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng bố mẹ cậu có liên quan đến tội rửa tiền ở Trung Quốc. Người này yêu cầu cậu bé nộp tiền để “xóa tên” họ.

Vì gia đình làm kinh doanh tư nhân, bố mẹ nạn nhân cất khoảng 200.000 HKD (25.800 USD) tại nhà. Ba ngày sau, cậu bé đem số tiền trên cho kẻ tự xưng là “đặc vụ”.

Vài tuần sau, khi người phụ nữ lạ mặt này đòi thêm tiền, cậu bé ngỏ lời xin mẹ. Tới lúc đó, mẹ của nạn nhân mới biết về vụ lừa đảo và lập tức báo cảnh sát.

Hóa ra, “đặc vụ” ở đây chỉ là một cô gái 18 tuổi và được cho là có liên quan đến bốn vụ lừa đảo khác. Cảnh sát cũng phát hiện ra bản thân nghi phạm cũng từng là nạn nhân của một vụ lừa tiền qua điện thoại. Gia đình của cậu bé đã lấy lại được khoảng 30.000 HKD và vụ việc vẫn đang được điều tra.

Bonnie Ngan Hoi-ian, Chánh thanh tra Cục Tội phạm Thương Mại, cho biết có 4 chuyên viên ngân hàng từ 24-27 tuổi cũng là nạn nhân bị lừa đảo qua điện thoại với tổng thiệt hại lên đến 15 triệu HKD (1,93 triệu USD).

Họ đều là những người Trung Quốc chuyển tới Hong Kong sinh sống. Nhận thấy điều này, những kẻ lừa đảo sử dụng chung một “bài”, đó là gọi điện thông báo rằng người nhà của họ phạm tội ở đại lục.

Ngay cả những người có học thức cao cũng tránh khỏi bị lừa đảo.

“Các chuyên viên ngân hàng không biết về những trò lừa đảo qua điện thoại này vì họ có xu hướng đọc tin tức tài chính quốc tế hơn là truyền thông địa phương”, bà Bonnie cho biết.

Tổng cộng có 895 người Hong Kong trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo qua điện thoại chỉ trong 9 tháng đầu năm, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.

Những kẻ lừa đảo kiếm được khoảng 300 triệu HKD chỉ với một cách - giả danh quan chức và cáo buộc nạn nhân đã vi phạm pháp luật. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để “xóa tên” khỏi danh sách phạm tội.

Một số tên khác giả mạo bạn bè hoặc người thân thất lạc từ lâu của “con mồi” để vay mượn một khoản tiền nhỏ. Nạn nhân thường mất từ 200.000 đến 20 triệu HKD.

Lừa đảo thời công nghệ

Những kẻ lừa đảo cũng bắt đầu sử dụng các ứng dụng điện thoại di động để lừa lấy mật khẩu ngân hàng trực tuyến, số CMND và thông tin cá nhân từ phía nạn nhân, cảnh sát Hong Kong cảnh báo.

Chúng mạo danh người thực thi pháp luật và yêu cầu “con mồi” tải xuống ứng dụng chứa mã độc. Sau đó, kẻ lừa đảo sử dụng dữ liệu mà nạn nhân cung cấp để hack hoặc kiểm soát tài khoản ngân hàng trực tuyến của họ.

“Rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của trò bịp bợm này, đặc biệt là những người cao niên vốn không quen với đồ dùng công nghệ hay ngân hàng trực tuyến”, nữ chánh thanh tra cho biết.

Những cuộc gọi thoại được ghi âm trước dễ có thể là chiêu trò lừa đảo.

Cách đây 8 tháng, một kẻ lừa đảo đã nhắm vào một sĩ quan cảnh sát. Tang Tak-yeung, một thanh tra cấp cao, nhận được cuộc gọi được ghi âm trước từ đầu số +852 - mã vùng của Hong Kong.

Cuộc gọi thông báo rằng tài khoản dịch vụ viễn thông của Tang bị hủy, sau đó nó chuyển hướng đến đường dây chăm sóc khách hàng thuộc một cơ quan thực thi pháp luật giả mạo.

Tại đây, kẻ lừa đảo cáo buộc anh đã gửi tin nhắn SMS bất hợp pháp ở Trung Quốc. Thậm chí, chúng còn ban hành lệnh bắt và viết thư mạo danh đối với thanh tra cấp cao này.

Trong suốt 6 ngày tiếp theo, những tên bịp bợm trò chuyện trực tuyến và gọi video cho anh để hướng dẫn thủ tục. Chúng yêu cầu anh mua một điện thoại mới, thiết lập một tài khoản di động mới và phải tải xuống một ứng dụng đáng ngờ.

Tang cho biết mặc dù đã cố gắng hết sức, phía cảnh sát Hong Kong không thể xác nhận những kẻ lừa đảo này để tiến hành bắt giữ.

Hồng Chang

Ảnh: iStock

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goa-phu-o-hong-kong-bi-lua-dao-2-5-trieu-usd-post1160604.html