Gỡ vướng về kiểm tra trị giá hải quan khi thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC

Qua quá trình thực hiện Thông tư 39/2018/TT-BTC, một số cục hải quan tỉnh, thành phố đã phản ánh vướng mắc liên quan đến công tác kiểm tra khai báo trị giá hải quan, trường hợp nghi vấn trị giá khai báo, tham vấn giá, bác bỏ trị giá khai báo hải quan… Tổng cục Hải quan đã có những giải đáp cụ thể về những vướng mắc này.

Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại địa điểm thông quan tập trung thuộc Chi cục Hải quan Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang.

Nghi vấn trị giá khai báo

Gặp vướng trong trường hợp có nghi vấn trị giá khai báo, Hải quan Hải Phòng phản ánh, đối với trường hợp hàng hóa XK, NK có nghi vấn trị giá khai báo và rủi ro cao về trị giá, đồng thời người khai hải quan được đánh giá, phân loại là doanh nghiệp không tuân thủ theo quy định (Tiết b.1 điểm 3 khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).

Tuy nhiên vướng mắc ở chỗ, căn cứ khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ các trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo đều phải thực hiện tham vấn giá, tại tiết b.1 điểm 3 khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và điểm b.1 khoản 2 Điều 4 Quyết định 1810/2018/QĐ-TCHQ không quy định việc cơ quan Hải quan phải thực hiện tham vấn; theo quy định đối với trường hợp này mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp giải trình, chứng minh trị giá khai báo sau đó công chức kiểm tra lập tờ trình trị giá hải quan, ban hành Thông báo trị giá hải quan, quyết định ấn định thuế, quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) để thực hiện thông quan hàng hóa theo quy định.

Trả lời thắc mắc này, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện đúng quy định tại điểm b.1 khoản 3 Điều 25 được quy định tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC và điểm b.1 khoản 2 Điều 4 Quyết định 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Theo đó, trường hợp hàng hóa XK, NK có nghi vấn trị giá khai báo và rủi ro cao về trị giá, đồng thời người khai hải quan được đánh giá, phân loại là DN không tuân thủ theo quy định thì yêu cầu DN giải trình, chứng minh trị giá khai báo trong thời hạn làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 257/QĐ-TCHQ ngày 29/6/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã quy định rõ các trường hợp rủi ro cao về trị giá.

Cùng nghi vấn về khai báo trị giá, Hải quan Hà Tĩnh thắc mắc, trường hợp DN NK hàng có trị giá khai báo cao đột biến (chủ yếu là máy móc thiết bị tạo tài sản cố định) thì cơ quan Hải quan có thực hiện kiểm tra trị giá hải quan để xác định nghi vấn về trị giá hay không?

Đối với giao dịch kinh doanh không có quan hệ liên quan (hoặc không có giao dịch liên quan và mặt hàng không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá vẫn tiến hành chuyển nghi vấn sang cơ quan Thuế. Đồng thời, đơn vị này đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, báo cáo Bộ Tài chính bổ sung quy định quản lý đối với trường hợp trên.

Trả lời vấn đề trên, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ quy định tại điểm b.2 khoản 3 Điều 25 quy định tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC thì trường hợp hàng hóa có trị giá khai báo cao đột biến, cơ quan Hải quan thông quan theo trị giá khai báo; đồng thời thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b.2 Điều 4 và báo cáo theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Một vướng mắc khác mà cả Hải quan Hải Phòng và Hải quan Hà Tĩnh cùng nêu về trường hợp hàng hóa NK thuộc diện nghi vấn trị giá khai báo cao đột biến quy định tại Tiết b.2 điểm 3 khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) và cho rằng hiện chưa có quy định rõ mức giá cao đột biến đạt bao nhiêu %, nhóm hàng cụ thể.

Trả lời thắc mắc này, Tổng cục Hải quan cho biết, tại khoản 2 Điều 5 Quyết định số 257/QĐ-TCHQ ngày 29/6/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã quy định mức giá cao đột biến.

Bác bỏ trị giá khai báo

Thắc mắc về thực hiện trường hợp bác bỏ trị giá khai báo quy định tiết b điểm 3 khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và tiết đ.2 điểm 4 khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, hải quan một số tỉnh, thành phố phản ánh, theo quy định trường hợp này sau khi tham vấn, cơ quan Hải quan ban hành Thông báo trị giá hải quan và đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung theo Thông báo trị giá hải quan trong thời hạn nêu trên thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan hàng hóa theo quy định, xử lý vi phạm (nếu có). Quá thời hạn mà người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung hoặc khai bổ sung không đúng theo Thông báo trị giá hải quan thì cơ quan Hải quan ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định, xử lý vi phạm (nếu có).

Như vậy, theo quy định không hướng dẫn trường hợp cơ quan Hải quan bác bỏ trị giá khai báo nhưng người khai hải quan không đồng ý với cơ sở, phương pháp, mức giá cơ quan Hải quan xác định. Vì vậy, Tổng cục Hải quan cần hướng dẫn rõ trường hợp này.

Giải đáp thắc mắc này, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và điểm đ.2 khoản 4 Điều 25 quy định tại khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC thì trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan ban hành Thông báo trị giá hải quan. Nếu người khai hải quan khai bổ sung theo Thông báo trị giá hải quan trong thời hạn 5 ngày thì cơ quan Hải quan thực hiện thông quan hàng hóa theo quy định, xử lý vi phạm (nếu có). Quá thời hạn mà người khai hải quan không thực hiện khai bổ sung hoặc khai bổ sung không đúng theo Thông báo trị giá hải quan thì cơ quan Hải quan ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định, xử lý vi phạm (nếu có).

Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết, việc bác bỏ trị giá khai báo, xác định trị giá hải quan của cơ quan Hải quan không phụ thuộc vào DN có đồng ý hay không đồng ý như quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP trước đây.

Tham vấn giá

Gặp vướng về tham vấn một lần quy định tại Điểm 6 khoản 14 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, hải quan một số tỉnh, thành phố thắc mắc, thông tin, dữ liệu để kiểm tra, xác định trị giá hải quan là những thông tin và dữ liệu gì? Thời gian áp dụng đối với Thông báo xác định trị giá hải quan áp dụng kết quả tham vấn một lần?

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Thông tư 39/2018/TT-BTC chưa quy định rõ trách nhiệm của công chức kiểm tra hồ sơ, chưa quy định nội dung phản hồi của Công chức kiểm tra hồ sơ trên Hệ thống VNACCS/VCIS khi doanh nghiệp đề nghị áp dụng kết quả tham vấn của lần trước cho các lần tiếp theo. Và mẫu Thông báo xác định trị giá hải quan đối với trường hợp áp dụng kết quả tham vấn một lần là mẫu nào?

Trả lời những thắc mắc trên, Tổng cục Hải quan cho biết, thông tin kiểm tra, xác định trị giá là thông tin xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 7 Quyết định số 1811/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018. Thông báo xác định trị giá được áp dụng cho đến khi thông tin xác định trị giá thay đổi.

Khi thực hiện tham vấn một lần, công chức kiểm tra hồ sơ thực hiện các công việc theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ. Cách thức, nội dung thông báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS: Thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Quyết định số 1810/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2018. Mẫu thông báo xác định trị giá hải quan: Thực hiện theo mẫu số 02B/TB-TGHQ/TXNK ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC.

Thu Trang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/go-vuong-ve-kiem-tra-tri-gia-hai-quan-khi-thuc-hien-thong-tu-39-2018-tt-btc.aspx