Gỡ vướng về giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập khẩu cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Trước thềm Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2018, Tổng cục Hải quan đã chủ động nắm bắt và trả lời một số vướng mắc của DN liên quan đến Giấy chứng nhận xuất xứ, mã vạch và mã HS cho hàng NK.

Công nhân lắp ráp các linh kiện điện tử tại một nhà máy của công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) của Hàn Quốc tại KCN Yên Bình (IP) của Thái Nguyên

DN thắc mắc, tại Điều 7, Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về thời gian nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thì thời hạn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ FTA VK là 1 năm, EAV là cùng ngày với ngày khai báo NK, còn thời hạn nộp theo các FTA khác là 30 ngày. Trong những nguyên liệu NK từ Trung Quốc và Thái Lan, những Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp quá 30 ngày đều không thể sử dụng. Do đó, DN đề nghị Chính phủ Việt Nam kéo dài thời hạn nộp Giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng NK.

- Theo Tổng cục Hải quan, để xác định xuất xứ hàng hóa XNK, Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quy định về thời điểm nộp C/O để được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA căn cứ theo quy định tại các Hiệp định và các văn bản nội luật. Theo đó, trường hợp chưa có C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì DN được nợ và nộp bổ sung C/O trong vòng 30 ngày (trừ trường hợp C/O mẫu EAV và mẫu VK).

DN mong muốn nhận được hướng dẫn, làm rõ chi tiết thời hạn còn hiệu lực của C/O trong các trường hợp nếu C/O không còn hiệu lực, DN có phải gửi C/O mới với mã HS đã thay đổi không và có giới hạn thời gian không? DN có thể thay đổi biểu mẫu/loại C/O không (ví dụ: từ mẫu AK sang mẫu VK)?

- Tổng cục Hải quan cho biết, các Hiệp định thương mại tự do và văn bản nội luật quy định về quy tắc xuất xứ các Hiệp định này đều có điều khoản quy định về thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thông thường là 1 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, đề nghị DN nghiên cứu thực hiện.

Giải thích rõ hơn quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 Thông tư 38/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh điều này nhằm tạo điều kiện cho DN được sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong trường hợp mã số hàng hóa do DN khai trên tờ khai hải quan đã được thông quan có thay đổi do tự phát hiện hoặc do công tác kiểm tra sau thông quan phát hiện ra.

Trường hợp DN nộp C/O ngay tại thời điểm làm thủ tục hải quan nhưng vẫn khai thuế suất MFN thì cơ quan Hải quan vẫn thực hiện kiểm tra C/O như trường hợp nộp C/O để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA. Do vậy, trường hợp mã số HS có khác biệt giữa khai báo trên tờ khai và thể hiện trên C/O thực hiện theo quy định tại Điểm h khoản 6 Điều 15 Thông tư 38/2018/TT-BTC. Đối với C/O đã nộp, cơ quan Hải quan đã kiểm tra thì DN không được thay đổi C/O form khác.

Thắc mắc về Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC, DN nêu, khi áp dụng AK FTA hoặc VK FTA, người khai hải quan phải nộp bản gốc C/O. Điều này gây ra một số khó khăn và mất thời gian, chi phí để nộp bản gốc C/O. Nhiều quốc gia chấp nhận bản sao C/O khi người khai hải quan áp dụng FTA. DN hỏi Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan liệu có kế hoạch chấp nhận bản sao C/O để cho quy trình thủ tục hải quan đạt hiệu quả.

- Trước thắc mắc này, Tổng cục Hải quan cho rằng việc một lô hàng để được hưởng ưu đãi thuế quan phải nộp cho cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ bản gốc được quy định tại các Hiệp định và đã được nội luật hóa tại các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị DN thực hiện theo quy định.

DN cho biết, DN nhận được yêu cầu nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) có ghi mã HS hàng hóa từ phía cơ quan Hải quan để có thể xử lý được hàng hóa đó trong trường hợp NK phụ liệu mới hoặc XK các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, tức là XNK hàng hóa mới. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho DN biết là không thể ghi rõ mã HS trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Luật Thương mại mới sửa đổi không ghi mã HS sản phẩm XNK và lưu thông trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngoại trừ một số hàng hóa như chất bôi trơn. DN thắc mắc, khi cơ quan Hải quan yêu cầu nộp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì có phải ghi rõ mã HS hay không?

- Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, Điều 39 Luật Đầu tư 2014 quy định Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quy định phải ghi mã HS theo danh mục hàng được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa.

Điều 5, Điều 6, Điều 11 Nghị định 9/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định:

“Điều 5. Cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ

1. Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:

a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 9 Nghị định này…

Điều 6. Các trường hợp không phải cấp Giấy phép kinh doanh

1. Ngoài các hoạt động thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại Điểm b và c Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…

Điều 11. Nội dung Giấy phép kinh doanh, thời hạn kinh doanh

1. Nội dung Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

a) Tên, mã số DN, địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;

b) Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập;

c) Hàng hóa phân phối;

d) Các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;

đ) Các nội dung khác…”.

Như vậy, giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện một số hoạt động nêu tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Ngoài các hoạt động thuộc trường hợp phải cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định dẫn trên.

Nội dung tại Giấy phép kinh doanh nêu tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 9/2018/NĐ-CP nêu trên không quy định phải ghi mã HS theo danh mục hàng được thực hiện theo quyền XK, quyền NK, quyền phân phối.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/go-vuong-ve-giay-chung-nhan-xuat-xu-hang-nhap-khau-cho-doanh-nghiep-han-quoc.aspx