Gỡ vướng tự chủ đại học

Ngày 6/1, tại hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) do Bộ GD&ĐT tổ chức đại diện các trường ĐH phản ánh nhiều vướng mắc, băn khoăn.

SV Đại học Bách khoa Hà Nội - 1 trong 23 trường đã được tự chủ đang nghiên cứu khoa học Ảnh: nghiêm huê

SV Đại học Bách khoa Hà Nội - 1 trong 23 trường đã được tự chủ đang nghiên cứu khoa học Ảnh: nghiêm huê

Các văn bản chưa thống nhất

Trao đổi tại hội nghị, GS. Nguyễn Quang Kim, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủy lợi, cho hay, khi thực hiện theo Luật số 34 và Nghị định 99, các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều thuận lợi vì các văn bản chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất. Nhưng với các trường ĐH trực thuộc các bộ, ban, ngành khác, có nhiều văn bản rất khó cho việc thực hiện tự chủ, đặc biệt trong công tác tổ chức cán bộ.

GS. Kim lấy ví dụ, quy định của Đảng về quy hoạch cán bộ phải theo quy trình 5 bước, quy định quản lý công chức thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là công chức nhà nước (đối với trường công lập). Tuy nhiên, mới đây Bộ NN&PTNT (cơ quan chủ quản của trường ĐH Thủy lợi) ban hành lại quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ĐH và trong quy trình này không đề cập các quy định của Luật số 34 hay Nghị định 99. Như vậy, các quy định của các văn bản khác hiện hành chưa có sự thống nhất với Luật và Nghị định nên rất khó cho các trường thực hiện.

Về tổ chức bộ máy, trong luật có phân cấp cho các trường nhưng các trường cũng rất khó thực hiện. Các khoa của trường ĐH Thủy lợi nhỏ, muốn sáp nhập nhưng có khi lại bị Vụ tổ chức cán bộ của Bộ chủ quản “thổi còi”...

Do đó, GS. Kim kiến nghị, Bộ GD&ĐT nên có bản hướng dẫn mẫu các quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chi tiết hơn để các bộ, ban, ngành khác thực hiện theo để các trường không bị vướng. “Hôm trước chúng tôi họp về quy chế hoạt động của trường, một đại diện của Bộ chủ quản nói như thế trái luật. Rồi khi thực hiện thành lập tổ kiểm định, phía Bộ cũng bảo không được vì luật không có”, GS. Kim nói.

Trước tâm tư này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, hiện tượng mà Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủy lợi nêu ra khá phổ biến, nhưng mỗi bộ, ngành cũng chỉ quản lý vài trường ĐH. Vì vậy, trong các phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện theo Luật 34. Phiên họp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập hợp ý kiến để đề nghị Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ quản thực hiện theo Luật 34, Nghị định 99.

Có xảy ra tình trạng “vừa là cha vừa là con”?

Ông Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, trường đã có hội đồng trường theo quy định, thành lập từ ngày 6/12/2019. “Vậy tính thời gian của nhiệm kỳ hội đồng trường có tính theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng không? Hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, có nhiệm vụ quyết định nhân sự hiệu trưởng và các nhân sự khác theo quy định. Trường hiện đã có hiệu trưởng thì hội đồng trường có phải thực hiện bổ nhiệm lại hiệu trưởng này không?”, ông Công đặt vấn đề.

GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Cần Thơ, đặt câu hỏi: “Có những trường, Chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện theo quy định của Đảng thì có thể có lộ trình hay phải thực hiện ngay?”.

Các trường cần lưu ý có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là Hội đồng trường; từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau”, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM, băn khoăn: “Vì đặc thù là trường nằm trong hệ thống của ĐH Quốc gia TPHCM, vậy các thành viên của hội đồng trường ĐH và hội đồng ĐH có trùng nhau hay không? Liệu có rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay kiểu “vừa là cha vừa là con” hay không?”.

Trả lời băn khoăn của các trường, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, khẳng định, việc thành lập, kiện toàn hội đồng trường đã được quy định rất rõ tại Nghị định 99. Những hội đồng trường thực hiện không đúng sẽ phải tổ chức bổ nhiệm lại theo đúng như Luật. Thời gian để các trường hoàn thành công việc này là ngày 15/8/2020.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra một số lưu ý đối với cơ quan chủ quản. Ông khẳng định, vẫn thực hiện chế độ chủ quản, nhưng theo một cách rất khác. “Trước đây, cơ quan chủ quản nặng về tính hành chính, coi ĐH, trường ĐH như đơn vị trực thuộc giống như các đơn vị khác, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự… Nhưng nay, phải thực hiện theo quy định của Luật số 34 và Nghị định 99.

Đối với việc kiện toàn hội đồng trường, cơ quan chủ quản cử đại diện đủ năng lực, trách nhiệm để tham gia. Việc bầu được đúng người làm Chủ tịch Hội đồng trường là trách nhiệm của cơ quan chủ quản”, ông Nhạ nói. Ngoài ra, theo tư lệnh ngành giáo dục, cơ quan chủ quản phải chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/go-vuong-tu-chu-dai-hoc-1506669.tpo