Gỡ vướng trong triển khai biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một trong số những biện pháp xử lý hành chính (BPXLHC) được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhiều ý kiến thẳng thắn nhận xét rằng đang tồn tại một nghịch lý trong thực hiện biện pháp này, đó là đưa người đi cai nghiện còn khó hơn bắt tội phạm. Vì vậy, Bộ Tư pháp đang tích cực nghiên cứu để có thể tháo gỡ những vướng mắc liên quan trên thực tế.

Học viên cai nghiện học nghề. Ảnh minh họa.

Học viên cai nghiện học nghề. Ảnh minh họa.

Bức xúc vì bị kéo dài thời gian ở lại cơ sở cai nghiện

Tại địa bàn một số tỉnh, thành thời gian qua có hiện tượng học viên các trung tâm cai nghiện gây rối tập thể, đập phá cơ sở, bỏ ra ngoài với số lượng lớn, gây tình trạng mất an ninh, trật tự trong khu vực địa phương.

Có thể điểm lại vụ việc học viên liên tiếp trốn khỏi Trung tâm cai nghiện Đồng Nai thuộc xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai ngày 23/10/2016 (gần 600 học viên) và ngày 6/11/2016 (gần 200 học viên). Hay vụ việc hàng trăm học viên trốn khỏi Trung tâm cai nghiện đóng trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ngày 11/8/2018…

Đây là những vụ việc nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời cũng đặt ra vấn đề phải xem xét, nghiên cứu các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tại các trung tâm cai nghiện tập trung.

Ngoài vấn đề cơ sở vật chất, nhân lực thiếu thốn, điều quan trọng hơn chính là sự thiếu thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp của một số văn bản quy phạm pháp luật trong quy định về BPXLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đáng chú ý là học viên bức xúc vì phải kéo dài thời gian ở lại tại Trung tâm do sự chưa thống nhất trong quy định giữa Thông tư liên tịch số 17/2015, Luật XLVPHC và Luật Phòng, chống ma túy trong việc quy định về thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thời gian chấp hành biện pháp quản lý sau cai nghiện.

Theo đó, sau khi chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, họ vẫn bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy nên đã chạy trốn.

Đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện

Là đơn vị được giao tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác XLVPHC, Cục Quản lý XLVPHC và theo dõi thi hành pháp luật cũng cho biết: Hiện nay, các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng BPXLHC (trong đó có biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất, thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình phối hợp để lập hồ sơ và thi hành quyết định áp dụng BPXLHC.

Các quy định này cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện các công việc liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng các BPXLHC, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các BPXLHC, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính đối tượng bị áp dụng BPXLHC.

Cụ thể, Cục đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 103 Luật XLVPHC quy định về biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau: Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì Chủ tịch UBND cấp xã nơi người đó cư trú lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp này. Đối với người nghiện ma túy không cư trú tại nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp xã phải xác minh.

Trường hợp xác định được nơi cư trú thì có trách nhiệm chuyển người đó kèm theo biên bản vi phạm về địa phương để xử lý; trường hợp không xác định được nơi cư trú của người đó thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Công an cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp thu thập các tài liệu và lập hồ sơ đề nghị…

Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi người bị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ đọc xong hồ sơ thì hồ sơ được gửi cho Trưởng phòng LĐTB&XH cấp huyện.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng LĐTB&XH cấp huyện xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyển lại cơ quan đã lập hồ sơ để tiếp tục thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ. Sau khi thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Trường phòng LĐTB&XH cấp huyện, cơ quan đã lập hồ sơ chuyển hồ sơ đề nghị cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/go-vuong-trong-trien-khai-bien-phap-dua-vao-co-so-cai-nghien-bat-buoc-441188.html