Gỡ vướng trong sáp nhập các trung tâm dạy nghề

Vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề là tâm lý ngại thay đổi và lo lắng khi quyền lợi của một số cán bộ quản lý, giáo viên bị ảnh hưởng.

Chủ trương sáp nhập, chuyển đổi các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tinh gọn bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý, tiết kiệm tối đa ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên tại Nghệ An chưa có sự đồng thuận, thống nhất của các đơn vị khiến việc triển khai rất khó khăn.

Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT – BLĐTBXH – BGDĐT – BNV bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015 với chủ trương sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm tổng hợp – hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.

Thực hiện Thông tư 39, nhiều địa phương ở Nghệ An như Kỳ Sơn, Diễn Châu, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳ Hợp đã tiến hành sáp nhập trung tâm dạy nghề (trực thuộc huyện) và trung tâm giáo dục thường xuyên (trước đây trực thuộc tỉnh) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên do huyện quản lý.

Trong quá trình triển khai tại 7 đơn vị đã nảy sinh vướng mắc gồm thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành và Con Cuông. Đặc thù của các đơn vị này là trung tâm giáo dục thường xuyên trước đây trực thuộc tỉnh.

Trong khi đó, trên địa bàn lại có các trường trung cấp nghề (trực thuộc huyện hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý). Theo văn bản hướng dẫn, các trường trung cấp nghề này không thuộc đối tượng sáp nhập của Thông tư 39.

Hai năm nay, Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Thái Hòa hoạt động cầm chừng khi chỉ tuyển được 3 lớp phổ thông (gồm 27 học sinh lớp 10, 6 học sinh lớp 11 và 4 học sinh lớp 12).

Ông Hồ Thế Thanh, Giám đốc Trung tâm băn khoăn, nếu Trung tâm sáp nhập với trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Tây, thị xã Thái Hòa sẽ khó bố trí công việc khi 7 giáo viên của trường đều là giáo viên văn hóa. Trong khi đó, với đặc thù của trường dạy nghề, nhiệm vụ chính là dạy nghề, nếu giáo viên văn hóa chuyển sang trường nghề sẽ không đạt chuẩn.

Ông Phạm Nam Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Tây, thị xã Thái Hòa cho rằng có nhiều bất cập khi chuyển nhà trường từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sang thị xã quản lý. Theo đó, việc tuyển sinh của trường sẽ bị thu hẹp, thay vì tuyển sinh trong toàn khu vực miền Tây Nghệ An sẽ chỉ tuyển sinh trong thị xã Thái Hòa.

Bên cạnh đó, sẽ nảy sinh những chồng chéo trong đào tạo bởi các trường trung cấp thời gian đào tạo 2 năm, trong khi đó Trung tâm giáo dục thường xuyên lại dạy bổ túc văn hóa, bồi dưỡng giáo viên.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay khi thực hiện sáp nhập là tâm lý ngại thay đổi và lo lắng khi quyền lợi của một số cán bộ quản lý, giáo viên bị ảnh hưởng. Các đơn vị chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình sắp xếp cũng khiến việc triển khai đề án không tránh khỏi lúng túng; trong đó “khó” nhất là đơn vị trung gian - chính quyền các địa phương.

Chia sẻ về thực tế này, ông Đinh Thế Vinh, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Thái Hòa cho biết: Phòng được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Tây.

Tuy nhiên, trước đây các đơn vị này đều do tỉnh quản lý nên Phòng chưa thể nắm hết hoạt động, cơ cấu, chức năng. Ý kiến của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện sáp nhập và nội dung sáp nhập cũng chưa thống nhất nên khó xây dựng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mới sau sáp nhập.

Thực tế cho thấy, việc sáp nhập các Trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường cao đẳng nghề trực thuộc huyện, thị xã là xu thế tất yếu. Việc trên địa bàn có hai đơn vị cùng làm một chức năng là lãng phí, thiếu hiệu quả và không đáp ứng xu thế đào tạo nghề hiện nay.

Hơn nữa nếu tách riêng các Trung tâm giáo dục thường xuyên để làm nhiệm vụ hướng nghiệp và đào tạo nghề là không hợp lý vì cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên hiện không đáp ứng đủ yêu cầu.

Trả lời về băn khoăn của các đơn vị khi tiến hành sáp nhập liên quan đến vấn đề nhân sự và chức năng, nhiệm vụ của các bên, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định: Việc sáp nhập các Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường trung cấp nghề để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, nên chức năng nhiệm vụ sau khi sáp nhập không thay đổi.

Điều đó có nghĩa các Trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ là một bộ phận của trường nghề. Khi UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập trường trung cấp nghề mới (sau khi sáp nhập với Trung tâm giáo dục thường xuyên) sẽ bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ của các trường nghề những nhiệm vụ mà Trung tâm giáo dục thường xuyên đang đảm nhận. Quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo, không bị ảnh hưởng.

“Đối với các vị trí lãnh đạo, trước mắt Sở Nội vụ sẽ yêu cầu các huyện trong quá trình xây dựng đề án có sự sắp xếp, bố trí hợp lý, không gây nhiều xáo trộn. Sau khi sáp nhập các Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường Trung cấp nghề sẽ trực thuộc huyện.

Vì vậy, đối với người lao động có thể tính tới cả phương án điều chuyển những giáo viên văn hóa về các trường trong huyện để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên”, ông Ngô Xuân Vinh, Phó trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ cho biết thêm.

Bích Huệ/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/go-vuong-trong-sap-nhap-cac-trung-tam-day-nghe/67457.html