Gỡ vướng mắc nhỏ trong luật sẽ có ý nghĩa lớn với nhiều doanh nghiệp

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam đối với những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai luật tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, mặc dù những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, vẫn còn có những doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn còn gặp những vướng mắc với thủ tục thuế.

Vướng mắc nhỏ trong văn bản nhưng nếu như được sửa đổi lại có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp” - bà Cúc khẳng định.

Theo bà Cúc, năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam đã tăng 14 hạng về môi trường kinh doanh theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business 2018). Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta vẫn còn khó khăn trong chính sách thuế và quản lí thuế.

Ví dụ như doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản gặp khó ở thay đổi tại Luật 106/2016OH13 và thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/08/2016 về khai thác khoáng sản. Theo đó, tại Điểm C Điều 1 thông tư 130 quy định “Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản (bao gồm cả trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến) có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên khi xuất khẩu thì thuộc đối tượng được hoàn thuế nhưng trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc xác định tỉ lệ 51%, nhiều doanh nghiệp không biết xác định ra sao nên quá trình hoàn thuế gặp nhiều khó khăn” - bà Cúc nói.

Theo bà Cúc, tuyên truyền về các chính sách thuế là chức năng của ngành thuế, tuy nhiên ngành thuế lại không thể "xuống tận nơi" để tuyên truyền cho từng doanh nghiệp. “Do đó, ngành thuế nên thông qua các đại lí thuế để tuyên truyền các chính sách thuế tới doanh nghiệp” - bà Cúc đề xuất.

Mặt khác, theo bà Cúc, sắp tới ngành thuế sẽ triển khai việc thu thuế điện tử. “Vậy làm sao để đào tạo các cán bộ ngành thuế để đáp ứng được yêu cầu trong việc triển khai thu thuế điện tử?” - bà Cúc đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, những vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản đã được phản ánh rất nhiều.

Bộ Tài chính nghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, phía Bộ cũng nghiên cứu cụ thể xem, vấn đề phát sinh này là từ quá trình triển khai chính sách hay là từ chính bản thân chính sách" - bà Mai cho biết.

Về vấn đề tuyên truyền và đạo tạo cán bộ của ngành thuế như bà Cúc nêu, bà Mai trả lời: Hiện, ngành thuế cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ thuế để đáp ứng được vấn đề chuyên môn của việc thu thuế điện tử. Còn về vấn đề tuyên truyền, sắp tới công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh mẽ và có bộ phận riêng về tuyên truyền.

Cùng trả lời về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng vụ chính sách thuế cho biết: Ý kiến của bà Cúc về DN khai thác chế biến tài nguyên khi xác định tỉ lệ tài nguyên, chi phí năng lượng từ trên 51% thì không được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất khẩu. Nội dung này là vướng mắc của khá nhiều DN khi thực hiện Luật 106 có hiệu lực từ 1/7/2016.

Theo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế 106, Khoản 23 Điều 5 về đối tượng không chịu thuế có quy định: sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác, sản phẩm xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá trị sản phẩm trở lên thì không được áp dụng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất khẩu. Quy định này được quy định trong Luật 106, thể hiện quan điểm không khuyến khích sản phẩm tài nguyên được chế biến sâu khi xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật gặp một số vướng mắc đó là cách xác định 51% đối với nhiều sản phẩm được chế biến từ tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến đã biến thành sản phẩm khác, sản phẩm khác đó tiếp tục được chế biến thành một sản phẩm xuất khẩu theo quy định này đều áp dụng chính sách 51%.

"Chúng tôi tập hợp ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 100. Dự thảo sửa đổi lần này chúng tôi sẽ sửa sản phẩm xuất khẩu hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên, trừ trường hợp sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác hoặc mua về để chế biến hoặc thuê cơ sở khác để chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác, sau đó lại tiếp tục chế biến thành sản phẩm xuất khẩu, quy trình xử lý khép kín, hoặc công đoạn thì đều thuộc đối tượng 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 12. Thứ 2, sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên khoáng sản do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0% nếu đáp ứng các điều kiện xuất khẩu" - ông Thi thông tin.

Vụ trưởng vụ chính sách thuế cũng thông tin: Nếu những sửa đổi trên được Chính phủ thông qua sẽ giải quyết cơ bản các vướng mắc của doanh nghiệp để kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng.

Nhóm PV

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/go-vuong-mac-nho-trong-luat-se-co-y-nghia-lon-voi-nhieu-doanh-nghiep-120866.html