Gỡ vướng mắc cho giáo dục mầm non: Góc nhìn từ những cuộc khảo sát

Qua giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn một số quận, huyện, Đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, cần hạn chế tối đa việc cấp phép cho các nhóm trẻ mầm non ngoài công lập mà nên tập trung đầu tư lớn cho các trường, trong đó, khuyến khích các đơn vị có đất đai, kinh phí, bộ máy tiến hành xây các trường liên cấp.

Cơ sở vật chất kém, chất lượng nuôi dạy trẻ hạn chế

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện toàn Thành phố có 1.084 trường mầm non, trong đó 320 trường ngoài công lập, với 100% trường đã được cấp phép thành lập và hoạt động; có 2.467 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, song trong đó vẫn còn 70 cơ sở ( khoảng 3%) chưa được cấp phép, với các lý do đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ nhà đất, nhân sự và một số cơ sở tôn giáo.

Trường Mầm non tư thục Phạm Tu (huyện Thanh Trì)

Trường Mầm non tư thục Phạm Tu (huyện Thanh Trì)

Khu vực ngoài công lập có tổng số 153.976 trẻ, chiếm 17,9%; 26.365 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong 3 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện kiểm tra 30/30 quận, huyện, thị xã, cho thấy có 40 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập vi phạm về sử dụng giáo viên, nhân viên chưa đủ trình độ chuyên môn; cơ sở vật chất không đảm bảo; số trẻ vượt quá quy mô 50 trẻ...

Khó khăn lớn nhất hiện nay theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là tình trạng thiếu trường công lập và ngoài công lập tại các đô thị, khu công nghiệp – chế xuất, nhất là tại các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, huyện Thanh trì, Hoài Đức, Đông Anh, Chương Mỹ,...

Cụ thể, qua khảo sát thực tế tại huyện Đông Anh, là địa bàn có nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lao động và sinh sống đông (khoảng 63 nghìn người), hầu hết trong độ tuổi có con nhỏ nên nhu cầu về trường rất lớn, tuy nhiên thực tế cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu gửi trẻ.

Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, mặc dù không có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân không đông bằng huyện Đông Anh nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại khu công nghiệp Phú Nghĩa. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết: Hiện cả xã Phú Nghĩa có một trường mầm non công lập với số lớp hạn chế.

Do vậy, không đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân trong khu công nghiệp, gây quá tải học sinh cho trường mầm non công lập, ảnh hưởng đến năng suất ngày công của công nhân. Điều này bắt nguồn từ việc bố trí vốn xây dựng trường mầm non trong khu công nghiệp chưa kịp thời.

Còn tại huyện Thanh Trì, theo bà Phạm Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện, không ít giáo viên bỏ nghề hoặc không gắn bó lâu dài với cơ sở mầm non tư thục do chịu áp lực lớn, điều này bắt nguồn từ nguyên nhân các cơ sở này chủ yếu nhận trẻ nhỏ, trong khi hầu hết giáo viên còn rất trẻ, mới ra trường, chưa lập gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc, lương thấp…

Trên cơ sở những kết quả ghi nhận được, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa xã hội HĐND Thành phố nhận định nguyên nhân trước hết là do “cầu vượt quá cung”, cụ thể, mỗi năm có 2,5-3 vạn trẻ đến tuổi học mầm non, nếu để đáp ứng được, thành phố phải xây thêm 40-60 trường/năm, đòi hỏi kinh phí rất lớn, trong khi tốc độ dân di cư lớn, nhất là tại các khu công nghiệp – chế xuất rất nhiều lao động trẻ.

Có cầu ắt có cung, nhiều phụ huynh không có điều kiện phải chấp nhận gửi con vào những cơ sở mầm non không đủ điều kiện, nên việc thành lập các nhóm lớp mầm non tư thục là tất yếu, cũng trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, theo quy luật thị trường. Cũng vì vậy, có tình trạng đáng lo là gần 600 nhóm trẻ/2.467 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ngoài công lập có số trẻ vượt quá quy định; 70 nhóm trẻ lớp mẫu giáo chưa được cấp phép.

Mật độ đô thị hóa cao, đông dân, nhiều nhóm lớp tới 300 học sinh nhưng chưa đủ điều kiện để được nâng cấp lên trường. Nhiều nơi phải thuê nhà dân, chung cư mini, diện tích chưa đạt 1,5m2/trẻ; nhiều lớp chỉ có nhà vệ sinh phục vụ người lớn, không có sân chơi, phòng học thiếu ánh sáng, thiết bị phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, bếp ăn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng (có lớp 30 cháu chỉ chuẩn bị 1kg thịt/ngày)…

Khuyến khích xây dựng các trường liên cấp

Bà Hoàng Thanh Hương – Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc thiếu trường, thiếu cơ sở vật chất thì hoạt động giáo dục mầm non, mẫu giáo của thành phố vẫn gặp khó khăn trong thủ tục cấp phép thành lập trường với các trường mầm non tại các khu chung cư, khu đô thị, nhà dân...; còn 559 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có số trẻ/lớp vượt quá quy định Điều lệ Trường mầm non; một số cơ sở thuê nhà của dân chưa đảm bảo về điều kiện vật chất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ; giáo viên, nhân viên không ổn định.

Công tác kiểm tra sau cấp phép còn rất hạn chế, chưa làm tốt tuyên truyền, thông báo công khai về các cơ sở đã được cấp phép thành lập và chưa được cấp phép, để phụ huynh lựa chọn. Trong khi, cá́n bộ xã, phường thường kiêm nhiệm nhiều việc, rất hạn chế trong quản lý, nắm bắt tình hình hoạt động các cơ sở.

Từ thực tế khó khăn hiện nay, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và đào tạo và các bộ, ban, ngành điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Điều lệ trường mầm non, Quy chế hoạt động trường mầm non tư thục và các văn bản liên quan đến các điều kiện đảm bảo hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục.

Cùng với điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, thành phố cần chỉ đạo tăng cơ chế phối hợp giám sát chất lượng hoạt động sau cấp phép của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, xử lý nghiêm các vi phạm; chỉ đạo tăng thực hiện phân cấp quản lý, trách nhiệm của UBND xã/phường đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Sở cũng đề nghị thành phố phê duyệt quy hoạch các khu chung cư cao tầng, khu công nghiệp – chế xuất đồng bộ với xây trường mầm non, ưu tiên công lập; xây khu nhà ở và trường mầm non cho con em công nhân; đề nghị thành phố thu hồi các ô đất dự án treo, giao UBND quận/huyện đầu tư xây trường mầm non đáp ứng nhu cầu trên địa bàn.

Đồng thời, thành phố cần cho phép các quận huyện thí điểm mô hình công - tư trong xây dựng và hoạt động trường mầm non, nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản; có cơ chế xã hội hóa đặc thù khuyến khích phát triển mầm non ngoài công lập.

Trên cơ sở kết quả giám sát và tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị, đoàn sẽ có báo cáo cụ thể gửi Thường trực HĐND Thành phố, Thường trực Thành ủy, Bộ Giáo dục và đào tạo, Quốc hội để chuẩn hóa hoạt động này tại Hà Nội, dần đi vào quy củ và trở thành mô hình mẫu của cả nước.

Trong đó, sẽ đề xuất hạn chế tối đa việc cấp phép cho các nhóm trẻ mầm non ngoài công lập mà cần tập trung đầu tư lớn cho các trường, nhằm dễ quản lý, đảm bảo an toàn, trong đó, khuyến khích các đơn vị có đất đai, kinh phí, bộ máy tiến hành xây các trường liên cấp để đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, ông Trần Thế Cương cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục tham mưu cho thành phố, nhất là vấn đề kinh phí, kế hoạch vốn để xây các trường mầm non công lập; các sở, ngành kiến nghị nâng tầng cho các trường học để đáp ứng nhu cầu, trong đó ngành giáo dục và đào tạo cần đề xuất các sở điều chỉnh chức năng cho những trường chỉ có 2 tầng, tránh lãng phí.

Trước phản ánh của hầu hết quận, huyện về tình trạng thiếu giáo viên mầm non do 2-3 năm nay không được tuyển, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND Thành phố Trần Thế Cương khẳng định: Ban sẽ tiến hành chất vấn Sở Nội vụ và UBND Thành phố, bởi trong bối cảnh ngày càng tăng số học sinh thì không thể để thiếu giáo viên.

Đồng thời, đoàn sẽ kiến nghị tạo thêm cơ chế chính sách cho giáo viên mầm non, bởi hiện nhiều giáo viên bỏ nghề, do áp lực công việc lớn mà thu nhập thấp nếu Hà Nội không có cơ chế nhất định thì sẽ bị chảy máu chất xám trong lĩnh vực này.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/go-vuong-mac-cho-giao-duc-mam-non-goc-nhin-tu-nhung-cuoc-khao-sat-71748.html