'Gỡ vướng' cho giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến cán bộ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục, đặc biệt là ở khối ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện có một bất cập là công tác hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng chỉ thực hiện từ 1/4, trong khi các trường nghỉ học từ tháng 2.

Nhiều vướng mắc

Bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 gây ra tác động và làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Thời điểm dịch bệnh hoành hành, ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục ngoài công lập. Việc học sinh nghỉ học dài ngày khiến các trường rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn thu, đời sống nhiều giáo viên gặp khó khăn.

Về phía Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, bên cạnh việc chủ động đảm bảo đời sống, việc làm còn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ đến giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi đã chủ động nắm bắt tình hình thu nhập, đời sống, việc làm đặc biệt giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để báo cáo Thành phố, Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội. Chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội có giải pháp và số liệu cụ thể tổng hợp báo cáo Thành phố” - Bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ .

Theo đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, để cụ thể hóa từng đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công đoàn ngành đã rà soát, thống kê 3 nhóm đối tượng như: Tạm dừng, hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện lĩnh bảo hiểm thất nghiệp; không có hợp đồng lao động theo Nghị quyết 42 Chính phủ. Kết quả cho thấy, có hơn 35.000 giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung nhiều vào khối mầm non, nhóm trẻ tư thục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà trao máy tính cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong công tác.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà trao máy tính cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích cao trong công tác.

Đáng chú ý, bà Trần Thị Thu Hà cũng khẳng định, đến nay vẫn chưa có giáo viên, nhân viên ngành giáo dục được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và công tác hỗ trợ mới đang dừng ở cấp quận huyện xét duyệt. Cũng theo phản ánh từ cơ sở, việc hỗ trợ này chỉ thực hiện từ 1/4, trong khi các trường nghỉ học từ tháng 2, tháng 3, 4 và tháng 5 đi giảng dạy. Nếu nhận hỗ trợ chỉ nhận 1 tháng. Đây là vướng mắc rất lớn khiến người lao động khó tiếp cận và được hưởng đầy đủ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

“Do đó, công đoàn ngành kiến nghị việc hỗ trợ này với giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Hà Nội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện từ tháng 2 để hỗ trợ phần nào cho đội ngũ giáo viên, nhân viên gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cũng đã vận động, hỗ trợ từ các nguồn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.000 giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian qua”, bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Chủ động hướng về người lao động

Theo ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố với mục tiêu “Vừa thực hiện tốt công tác phòng , chống dịch vừa đảm bảo chất lượng giáo dục”.

Đáng chú ý, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại; tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình, chia sẻ nội dung dạy học trên truyền hình cho 12 tỉnh; triển khai có hiệu quả chương trình “Máy tính cho em”, trao trợ cấp cho giáo viên, tặng máy tính cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Bà Trần Thị Thu Hà cho biết, với phương châm “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành phát động và kêu gọi các đơn vị, các cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng chương trình “Máy tính cho em” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thiếu điều kiện học tập, đặc biệt là các em học sinh lớp 9, lớp 12. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh cũng như các nhà hảo tâm.

“Chương trình đã được cộng đồng quan tâm, ủng hộ và huy động được trên 1.200 máy tính cùng nhiều phương tiện học tập hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn nhằm kịp thời chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh, các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện học tập và giảng dạy” - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-vuong-cho-giao-vien-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-110321.html