Gỡ vướng cho gia hạn nợ vay chăn nuôi

Các TCTD được chỉ đạo chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với khả năng của khách hàng; được phép giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời được phép cho vay mới đối với các khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi mà vẫn còn dư nợ.

Những tháng gần đây, thực hiện theo sự chỉ đạo của NHNN tại Văn bản số 3091/NHNN-TD, nhiều TCTD trên cả nước đã đồng thời triển khai các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khách hàng là DN, hộ gia đình, trang trại đã vay vốn để chăn nuôi lợn nhưng đang gặp khó khăn về tiêu thụ.

Với tổng mức dư nợ cho vay toàn ngành chăn nuôi lợn khoảng gần 30.000 tỷ đồng (theo ghi nhận của NHNN đến tháng 4/2017), trong đó chủ yếu (90%) khách hàng là hộ gia đình và cá nhân thì việc triển khai tích cực và hiệu quả Văn bản số 3091 sẽ là một hoạt động hỗ trợ rất lớn đối với ngành chăn nuôi lợn. Bởi phần đông khách hàng vay vốn là các đơn vị chăn nuôi quy mô nhỏ - vốn không có chỗ dựa mạnh về tài chính và dễ dàng bị phá sản khi thị trường xảy ra những biến động mạnh.

NHTM mong muốn gia hạn nợ hai lần để tiếp tục cho vay mới người chăn nuôi lợn

Căn cứ vào Văn bản 3091 có thể thấy chỉ đạo của NHNN đối với các TCTD trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn là khá rõ ràng. Theo đó, các TCTD được chỉ đạo chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với khả năng của khách hàng; được phép giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời được phép cho vay mới đối với các khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi mà vẫn còn dư nợ. Ngoài ra, các NHTM cũng được phép thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác như: miễn – giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước nợ lãi sau… đối với khách hàng của mình.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn các khoản nợ luôn đi kèm với những rủi ro về quản trị nguồn vốn. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, Agribank là NHTM cho vay nhiều nhất vào lĩnh vực chăn nuôi lợn với tổng dư nợ khoảng 27.140 tỷ đồng (chiếm 92,4% tổng dư nợ cho vay chăn nuôi lợn của toàn hệ thống TCTD) nhưng con số nợ xấu cũng đã lên khoảng trên 288 tỷ đồng.

Những năm trước đây, ngành chăn nuôi lợn cũng đã từng gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ sụt giảm và dịch bệnh bùng phát. Nhiều lần Chính phủ và NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện gia hạn nợ. Trong đó, riêng Agribank đã gia hạn khoảng trên 350 tỷ đồng theo các văn bản trước đó, như Công văn 1149/TTg-KTN/2012, Quyết định 540/TTg-QĐ/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản 3623/NHNN-TD của NHNN. Từ đầu năm 2017 đến nay, ngân hàng này tiếp tục gia hạn thêm khoảng 150 tỷ đồng nợ nữa. Tuy nhiên, trong số các khách hàng vay vốn, nhiều hộ gia đình chăn nuôi trước đây đã được gia hạn nợ một lần. Hiện nay nếu Agribank tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ một lần nữa thì theo các quy định của NHNN tại Thông tư 02/2013, số nợ này sẽ bị chuyển sang nhóm 4 – là nhóm nợ nghi ngờ, tiệm cận với nhóm 5 là nhóm nợ có khả năng mất vốn.

Ngoài ra, cũng theo các quy định của Thông tư 02/2013, khi ngân hàng hỗ trợ miễn, giảm lãi cho các khoản nợ bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản vay đó sẽ bị chuyển sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn). Lúc đó, ngay cả khi khách hàng được gia hạn nợ thì việc tiếp cận vốn mới cũng rất khó khăn vì hồ sơ vay mới sẽ bị đưa vào nhóm có mức rủi ro cao nhất trong việc thu nợ. Đến lúc này, một mặt ngân hàng đối mặt với rủi ro tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3, 4, 5) lên cao, một mặt lại trở nên khó khăn hơn khi gia tăng cho vay vốn đối với các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Như thế việc tiếp tục gia hạn nợ vô hình trung lại trở thành khó khăn trong mở rộng tín dụng, khiến cả người chăn nuôi và ngân hàng cùng gặp khó.

Những vướng mắc kể trên, theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank chính là nguyên nhân dẫn tới việc các TCTD hạn chế thực hiện miễn, giảm lãi cho khách hàng. Vì vậy, tỷ lệ nợ ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn chỉ chiếm khoảng gần 2% so với tổng dư nợ của Agribank đối với ngành chăn nuôi lợn.

Để tháo gỡ nút thắt này, đại diện Agribank cho rằng, về cơ chế hỗ trợ gia hạn nợ NHNN nên xem xét cho phép các TCTD khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp đã cơ cấu một lần), được giữ nguyên nhóm nợ đối với ngành chăn nuôi lợn nói riêng và đối tượng cho vay theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ nói chung.

Trong khi đó, để đảm bảo ngành chăn nuôi lợn hạn chế tối đa những rủi ro biến động về thị trường tiêu thụ dẫn đến phải “giải cứu” như những năm vừa qua, các chuyên gia tài chính cho rằng, việc cơ cấu lại nợ kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai. Agribank kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại quy hoạch chăn nuôi lợn. Trong những trường hợp có rủi ro do nguyên nhân khách quan cần có chính sách trợ giá cho người chăn nuôi. Từ đó, những hỗ trợ về gia hạn nợ đối với người chăn nuôi của các NHTM mới có ý nghĩa thiết thực.

Theo TBNH

Nguồn ANTT: http://antt.vn/go-vuong-cho-gia-han-no-vay-chan-nuoi-0129629.html