Gỡ vướng cho đầu tàu cao tốc quốc gia

Những 'nút thắt' nếu kịp thời được tháo gỡ sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho VEC - doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển...

Không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã trở thành “phao cứu sinh” cho các phương tiện qua lại khu vực miền Trung trong mùa mưa bão, khi QL1A bị chia cắt

Không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã trở thành “phao cứu sinh” cho các phương tiện qua lại khu vực miền Trung trong mùa mưa bão, khi QL1A bị chia cắt

Giữ vai trò doanh nghiệp đầu tàu trong đầu tư phát triển hệ thống cao tốc quốc gia, nhưng số phận của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang phụ thuộc rất lớn vào việc có tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay không.

Lối mở sẵn có

Được thành lập năm 2004 theo chủ trương thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường bộ cao tốc, VEC được Nhà nước giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc, gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài gần 550km, tổng mức đầu tư 117.719 tỷ đồng.

Các dự án đường cao tốc sau khi đưa vào khai thác mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, phát triển KT-XH khu vực và vùng dự án đi qua. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư đường cao tốc có suất đầu tư lớn, nguồn thu không đủ để hoàn vốn đầu tư dẫn đến sau một thời gian hoạt động, VEC mất cân đối về tài chính, SXKD gặp khó khăn và công tác huy động vốn để đầu tư các dự án không thể thực hiện được khiến các dự án của VEC bị đình trệ, không có khả năng hoàn thành đưa vào khai thác.

Trước những khó khăn của VEC, ngày 8/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2072 về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC. Theo Quyết định này, Thủ tướng đồng ý chuyển toàn bộ số vốn ODA tại 5 dự án đang được thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; số vốn 2.500 tỷ đồng đã được NSNN ứng cho 2 dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai được chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp cho dự án; số vốn 4.399,7 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành cho dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai cùng các khoản lãi phát sinh cũng được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp.

Đối với các khoản vốn vay OCR/IBRD từ các định chế tài chính như WB, ADB tại 5 dự án vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế vay lại theo quy định hiện hành. VEC thực hiện thu phí các dự án để trả nợ phần vốn vay thương mại này.

Cùng với việc đề xuất điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 1.000 tỷ đồng, lên 72.602 tỷ đồng vào năm 2019, VEC cũng đã xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính với điểm nhấn là cơ chế hòa chung dòng tiền của 5 dự án để hỗ trợ nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời.

Theo đại diện VEC, về bản chất, Quyết định 2072 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ là Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho VEC thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các dự án phần thiếu hụt không đủ trả nợ các khoản vay, đưa dự án từ không khả thi về tài chính thành dự án khả thi về tài chính tương tự như các dự án đầu tư theo hình thức PPP hiện nay đang áp dụng cho các nhà đầu tư khác. Do vậy, việc Nhà nước tham gia góp vốn trực tiếp vào các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư không làm thay đổi tính chất của các dự án cũng như tỷ lệ nợ công.

“Kể từ khi Quyết định 2072 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, VEC từ mất cân đối tài chính đã chuyển sang ổn định về tài chính, đảm bảo trả các khoản nợ vay đúng hạn, tình hình sản xuất kinh doanh của VEC chuyển biến rất tích cực, công tác huy động vốn của VEC có chuyển biến tốt, được các nhà tài trợ đánh giá cao, doanh thu từ hoạt động đầu tư tăng trung bình 20%/năm. Đặc biệt, Nhà nước không phải hỗ trợ VEC 30.787 tỷ đồng do thiếu hụt dòng tiền để trả nợ cho Dự án Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi”, đại diện VEC cho biết.

Sớm gỡ khó cho VEC

Tuy nhiên, cũng theo đại diện VEC, quá trình thực hiện Quyết định 2072 của Thủ tướng Chính phủ hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và vốn đầu tư công cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại NSNN quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội quy định: “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.

Mặc dù Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội không ghi điều khoản hồi tố, song thực tế việc quyết toán phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án của VEC rất khó khăn do Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính không thể đưa vào dự toán NSNN các năm. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn pháp lý và cơ chế hoạt động của VEC khi thực hiện các dự án đang triển khai (kế hoạch giao vốn, ký hiệp định vay phụ…) và đầu tư các dự án mới, cũng như kế hoạch trả nợ vốn vay đã được phê duyệt.

Mặt khác, tại mục 3, Điều 5, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 của Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: “Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân theo số vốn ngân sách Trung ương đã ký kết Hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016-2020”.

Tại thời điểm này, 4 dự án sử dụng vốn ODA của VEC đều đã hoàn thành thủ tục ký kết hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ từ trước đó và đều là các dự án trọng điểm quốc gia, có tính kết nối và lan tỏa vùng miền. Do vậy, việc bố trí dự toán NSNN các năm cho các dự án ODA của VEC đối với phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án cần phải thực hiện theo Nghị quyết số 26/2016/QH14. Như vậy, việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư cần phải báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.

Để “giải tỏa” những khó khăn này cho VEC, ngày 8/8/2018 Chính phủ đã có Nghị quyết số 104/NQ-CP, trong đó đồng ý chủ trương cho phép VEC tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC… Mới đây, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ký báo cáo Bộ Chính trị về tình hình hoạt động và tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Theo đó, để doanh nghiệp đầu tàu này có thể tồn tại, phát triển bền vững, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đề nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các số liệu chính yếu đã được cập nhật, phù hợp với thực tế triển khai 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tổng giá trị dự kiến đầu tư cập nhật lại của 5 dự án là 117.719 tỷ đồng, thay cho 125.572 tỷ đồng; Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án là 54.425 tỷ đồng, chiếm 46,2%, thay cho 71.603 tỷ đồng, chiếm 57%; vốn VEC huy động và tự trả nợ là 63.294 tỷ đồng, chiếm 53,8%, thay cho 53.969 tỷ đồng, chiếm 43%; Đồng thời, chuyển 5.334 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ sang cấp phát trực tiếp cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Trong trường hợp Bộ Chính trị chấp thuận 3 nội dung này, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT kiến nghị Bộ Chính trị giao Chính phủ báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương Nhà nước đầu tư vào các dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư theo Quyết định số 2072, bao gồm việc chuyển đổi vốn vay nước ngoài từ cho vay lại sang cấp phát NSNN và NSNN trả nợ gốc, lãi trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Chính trị xem xét giao Chính phủ rà soát số liệu cụ thể, xác định số vốn đầu tư đã phân bổ và giải ngân các năm và bố trí dự toán chi đầu tư phát triển cho Bộ GTVT để quyết toán các dự án do VEC làm chủ đầu tư theo quy định và chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng phương án tái cơ cấu mô hình tổ chức và hoạt động của VEC phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Những “nút thắt” trên nếu kịp thời được tháo gỡ sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho VEC - doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển, vận hành khai thác đường bộ cao tốc quốc gia.

Đình Quang

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/go-vuong-cho-dau-tau-cao-toc-quoc-gia-d408643.html