Gỗ Trường Thành đã qua cơn bĩ cực

Chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là chấm dứt thời hạn tái tục các khoản nợ tín dụng. Liệu Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) có kịp giải quyết khối nợ ngàn tỷ và...

Chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là chấm dứt thời hạn tái tục các khoản nợ tín dụng. Liệu Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) có kịp giải quyết khối nợ ngàn tỷ và tìm kiếm lợi nhuận như cam kết trong kế hoạch kinh doanh năm 2014 của mình?

Khi tiền ra nhiều hơn tiền vô…

Nhiều năm qua, TTF luôn nằm trong số các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ hàng đầu Việt Nam cả về doanh thu lẫn quy mô sản xuất. Ban lãnh đạo của TTF đã từng không giấu tham vọng đứng trong tốp 3 nhà trồng rừng tư nhân có diện tích lớn nhất ASEAN vào năm 2015 và tốp 3 nhà sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm gỗ có doanh số cao nhất ASEAN vào năm 2017.

Thế nhưng chính điều này đã dẫn đến các khoản nợ gần ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp này trong thời gian gần đây do chiến lược đầu tư đầy tham vọng. Bắt đầu từ năm 2012, TTF rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền, khiến doanh nghiệp không thể hoàn thành các đơn hàng, dẫn đến sụt giảm doanh số. Đầu tiên là đầu tư dự trữ nguyên liệu đã “ngốn” khá nhiều tiền của TTF. Do chọn phân khúc hàng cao cấp, TTF phải dự trữ nhiều gỗ tốt, chủ yếu là loại gỗ Teak (30% lượng gỗ dùng cho sản xuất của doanh nghiệp). Với phân khúc cao cấp chỉ cần lượng khách hàng nhỏ cũng có thể mang lại lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, khi kinh tế khó khăn, nhu cầu thị trường chuyển mạnh sang hàng gỗ thông thường, rẻ tiền thì nguyên liệu gỗ cao cấp trở thành gánh nặng cho TTF. Một mặt TTF phải chuyển sang nhập nguyên liệu gỗ theo nhu cầu mới của thị trường để sản xuất, trong khi gỗ tốt buộc phải để tồn. Mặt khác, TTF còn phải đối mặt với tình trạng giá nguyên liệu liên tục tăng, nhưng giá bán sản phẩm không tăng tương ứng. Chẳng hạn, trong năm 2010 giá gỗ cao su tăng đến hơn 40%, nhưng giá bán sản phẩm hầu như chỉ tăng không quá 10%. Điều này làm cho dòng tiền của TTF càng trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, TTF còn bị “hút” vào các chiến lược đầu tư dài hạn, chưa thể sinh lời ngay. Bắt đầu từ năm 2007, TTF đầu tư trồng 100.000 ha rừng tại Đắk Lắk và Phú Yên với chu kỳ đầu tư khá dài từ 8-10 năm nhằm giảm rủi ro về giá nguyên liệu vì nhiều năm qua TTF gần như phải nhập khẩu toàn bộ nguồn nguyên liệu để sản xuất. Chưa kể TTF còn đầu tư ngoài ngành vào thủy sản (Sông Hậu), y tế (Quỹ Bản Việt) và bất động sản (Phú Hữu Gia) khoảng 250 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2013, các khoản đầu tư dài hạn đã lên đến 492 tỷ đồng. Hẳn nhiên các khoản đầu tư này chưa tạo ra nguồn thu trong ngắn hạn. Một bất lợi khác cho TTF là các khoản đầu tư này phát sinh vào thời điểm lãi suất ngân hàng tăng cao, từ 11 – 15%/ năm. Đã thiếu hụt tài chính lại phải chịu lãi vay cao, TTF rơi vào thua lỗ. Và lần đầu tiên, sau một giai đoạn tăng trưởng dài, năm 2012, TTF lỗ 3 tỷ đồng và đến tháng 6/2013, khoản nợ tăng theo cấp số nhân, lên đến 2.345 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 2.143 tỷ.

TTF đã có nhiều động thái nhằm cứu vãn tình hình tài chính như hai lần phát hành thêm cổ phiếu, lần đầu vào tháng 3/2013 thu 98 tỷ đồng và lần 2, chấp nhận phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá vào giữa năm 2013, thu 72 tỷ đồng, nhưng cũng không thoát khỏi nợ nần. Và đỉnh điểm vào tháng 9/2013, 13 ngân hàng thương mại phải ngồi lại với TTF tìm cách tháo gỡ khó khăn với khoản nợ vay ngắn hạn lên đến 1.174 tỷ đồng. Nhiều giải pháp đã được đặt ra cho TTF, như tái tục các khoản tín dụng trong vòng 1 năm đến ngày 1/9/2014, cho trả nợ vay 3 tháng/lần, một số ngân hàng chấp nhận chuyển vốn vay thành vốn góp vào TTF…

Dũng cảm giải bài toán nợ

Nhìn nhận mấu chốt của vấn đề là giải quyết hàng tồn kho để khơi thông dòng tiền, TTF chấp nhận bán lỗ 30% so với giá mua ban đầu của số gỗ Teak tồn kho để thu về 100 tỷ đồng. Song song đó, TTF đã xúc tiến bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với giá trị 400 tỷ đồng và đã đạt được các thỏa thuận căn bản. (Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng buộc TTF phải thuyết phục các chủ nợ ngân hàng chuyển 30% của tổng khoản nợ 1.174 tỷ thành cổ phần, tương đương gần 400 tỷ đồng. Các chủ nợ của TTF đã đồng ý phương án này).

Như vậy, TTF sẽ giảm được nợ, tăng lượng tiền mặt để hoạt động mạnh trở lại, đáp ứng được các đơn hàng lớn hơn. Tính chất tái cơ cấu của TTF nằm ở tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng và giảm nợ ngân hàng còn 800 tỷ đồng. Cái giá phải trả của ông chủ TTF là giảm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Bức tranh tổng thể kinh doanh của TTF đã tươi sáng hơn, cho phép đặt ra mục tiêu tổng doanh thu năm 2014 là 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. TTF gặp khó khăn vì chiến lược đầu tư dài hạn, nhưng nội lực kinh doanh của TTF vẫn đáng lạc quan. Các đơn hàng của TTF vẫn đều đặn, thậm chí TTF có lúc còn chủ động lựa chọn những đơn hàng nhiều lợi nhuận nhất để thực hiện.

Mặt khác, cổ đông TTF tin tưởng lạc quan khi họ biết rõ rằng, dòng tiền mới từ khai thác rừng sẽ chảy vào ngân sách của TTF từ quý 2/2014 (TTF đã bắt đầu khai thác vào cuối năm 2013), sẽ thu về hơn 100 tỷ đồng. Và từ năm 2014, cứ mỗi năm TTF sẽ thu 130 tỷ đồng từ khai thác rừng trong suốt 8 năm tới, chưa kể doanh nghiệp hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp giảm chi phí mua gỗ nhập khẩu xuống còn khoảng 40%. Đây là một lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp, khi Việt Nam gia nhập TPP. Khi đó, TTF sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu bằng 0% (hiện đang chịu thuế 3%) khi xuất hàng sang 12 quốc gia tham gia hiệp định mà đa số đang là thị trường của TTF.

Giống như máu đã được tuần hoàn đều đặn, chỉ trong một thời gian ngắn, bắt đầu từ thời hạn tái tục tín dụng, TTF đã có những bước đi mạnh mẽ để vực lại kinh doanh. Có lẽ với TTF, thời điểm này có thể xem như sóng gió đã qua và doanh nghiệp đã trở lại kiểm soát trận đồ của mình.

Tác giả: Hải Thảo

admin

Admin Creativa

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/go-truong-thanh-da-qua-con-bi-cuc/