'Gỡ rối' để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam hậu COVID-19

Du lịch Việt đặt mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế đến trong năm 2022. Tuy nhiên, hết quý I con số thống kê cho thấy lượng khách ngọa rất khiêm tốn do vướng nhiều rào cảm. Vậy đâu là giải pháp?

Đang tồn tai nhiều rào cản chưa hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đang tồn tai nhiều rào cản chưa hấp dẫn du khách quốc tế đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đã hai tháng kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch (15/3), du khách quốc tế được chào đón trở lại với những chính sách vô cùng thông thoáng kể từ thời điểm đại dịch bùng nổ.

Mặc dù vậy, lượng khách ngoại vào Việt Nam vẫn rất khiêm tốn. Bởi thực tế doanh nghiệp nước nhà đang gặp phải không ít khó khăn, trong đó có một số rào cản kỹ thuật trong các quy trình, quy định, khâu tổ chức thực thi đón khách quốc tế.

Nếu không có những giải pháp kịp thời, mục tiêu đón 5 triệu du khách năm 2022 của toàn ngành nhiều khả năng bất khả thi.

Nhận diện rào cản trong bối cảnh mới

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4/2022 đón được 80.000 lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt.

Trước đó, với mục tiêu đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, các chuyên gia của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đặt giả định tỷ lệ phục hồi tăng dần qua các tháng cần đạt lần lượt là: 40.000; 160.000; 200.000; 335.000; 465.000; 645.000; 695.000; 760.000; 835.000; 865.000 [từ tháng 3 tới tháng 12-pv].

Trong văn bản mà Ban IV vừa gửi lên Thủ tướng Phạm Minh Chính có phân tích các nguyên nhân khiến hoạt động du lịch thời gian qua chưa đạt được kỳ vọng. Lý do khách quan được nêu ra là bởi: Cuộc chiến tranh giữa Nga-Ukraine khiến Việt Nam mất đi thị trường khách Nga và Ukraina; giá thành các chuyến du lịch tăng mạnh cộng với thu nhập khả dụng của du khách giảm do lạm phát cao ảnh hưởng đến thị trường khách châu Âu; các lo ngại về an ninh, an toàn khi du lịch của nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam…

Du khách quốc tế yêu thích những điểm đến độc đáo của Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đáng nói, các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng hoạt động trở lại: Trung Quốc chưa mở cửa cho du lịch vì chiến lược “Zero-Covid”; Hàn Quốc chỉ thật sự mở cửa cho người dân du lịch ra nước ngoài (không phải cách ly khi quay về) từ 1/4/2022; Nhật Bản và Đài Loan hiện vẫn áp dụng chính sách cách ly khi khách du lịch quay về từ một số quốc gia, vì vậy chưa thể có triển vọng phát triển du lịch ra nước ngoài.

Song, thực tế còn nhiều lý do chủ quan khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng, như thời điểm mở cửa đúng vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound (thường từ tháng 10 đến tháng hết 4 hàng năm); Việt Nam chưa đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài. Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế chủ yếu do các doanh nghiệp tự thực hiện; trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội thiếu cập nhật thường xuyên.

Đại diện nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia du lịch nhận định hậu COVID-19, chính sách thị thực còn bất cập là một trong những rào cản lớn. Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) chính sách thị thực nói chung chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, với thị thực tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa,” cần nhiều loại giấy tờ thủ tục nhiêu khê hơn so với trước COVID-19. Thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.

Giải pháp thu hút khách ngoại

Theo các chuyên gia Ban IV, để đạt mục tiêu đón được trên 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, góp phần giúp du lịch, hàng không và nền kinh tế Việt Nam phục hồi và bứt phá sau đại dịch, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cân nhắc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương 4 giải pháp.

Hành trình phục hồi của du lịch hậu COVID-19 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Một là, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch), các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế và tiếp thị du lịch ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần chủ động, đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch; chú trọng hợp tác công-tư trong các chiến dịch truyền thông quốc tế; tăng cường hoạt động e-marketing và gắn kết các sự kiện có ý nghĩa như SEAGAMES 31 trong các chiến dịch truyền thông để lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới các nước.

Hai là, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm giảm thiểu các rào cản, yêu cầu đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như: bỏ yêu cầu khách du lịch quốc tế xét nghiệm trước khi xuất cảnh, chỉ cần test nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho…; liên quan đến bảo hiểm cho khách du lịch, bỏ yêu cầu “bao gồm nội dung dành cho điều trị COVID-19.”

Ba là, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, không để Việt Nam phải lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Ngoài ra, cần tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất-nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút và giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch…

Du khách quốc tế khám phá Hội An. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Bốn là, các địa phương phân công cụ thể một đầu mối cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các quy định/quy trình ứng xử liên quan cho doanh nghiệp với tinh thần công-tư phối hợp chặt chẽ; thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh trên các trang thông tin điện tử của tỉnh để doanh nghiệp lập và thực hiện các kế hoạch với du khách thực sự thuận lợi, hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay còn tồn tại việc viện dẫn, hướng dẫn, thực thi các quy định chưa đồng bộ hoặc không rõ ràng ở các sở, ngành, đầu mối khác nhau, nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn ở khâu triển khai với đối tác, du khách quốc tế.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm mùa du lịch inbound 2022, các chuyên gia Ban IV cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập một Tổ công tác đặc biệt đa thành phần, hoạt động điều hành trực tuyến dựa trên các số liệu, dữ liệu thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình để đưa ra các quyết định kịp thời.

Nhiệm vụ của tổ công tác này là trực tiếp triển khai hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hàng tháng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi các bộ, ngành, địa phương liên quan để rút ra các bài học, đề xuất cải thiện các quy định cho mở cửa du lịch quốc tế được thông thoáng và thuận lợi hơn.

Với các giải pháp đề xuất cụ thể, toàn diện như vậy cần lắm sự chung tay, thống nhất ý chí của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch và hàng không để nền kinh tế xanh sớm phục hồi hậu đại dịch.

Clip khám phá các di sản văn hóa Việt Nam:

Ngọc Châm (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/go-roi-de-thu-hut-khach-quoc-te-den-viet-nam-hau-covid19/789751.vnp