Gỡ rào cản từ chính sách đất đai

rnKinhtedothi - Ngày 24/10, Liên minh Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn nông nghiệp mùa Thu 2019 với chủ đề 'Chính sách đất đai và sự phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế'.

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Tuyền

Doanh nghiệp, nông dân đều chưa “thỏa mãn”

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 70 triệu mảnh ruộng. Diện tích đất nông nghiệp nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún. Sở hữu bình quân tuy đã giảm nhưng hiện vẫn ở mức 2,5 mảnh/hộ. Diện tích bình quân hộ nông dân sở hữu hiện chỉ ở mức dưới 0,5ha/hộ. Đặc biệt, hiệu quả kinh tế sử dụng đất hiện rất thấp, chỉ khoảng 1.000USD/ha, tương đương Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, 1/3 so với Indonesia, Thái Lan.

Nhà nước cần bãi bỏ quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp. Thí điểm bãi bỏ hoặc mở rộng hạn điền cho tích tụ ruộng đất tại một số địa phương, từ đó có đánh giá tác động, tiến tới xây dựng định hướng chính sách đối với vấn đề này…

PGS.TS Vũ Trọng Khải – nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý NN&PTNT II (Bộ NN&PTNT)

Đáng chú ý, đóng góp của đất đai cho tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm. Số lượng DN nông nghiệp tăng nhưng vẫn chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số DN cả nước. Trong đó, có trên 90% là DN nhỏ với từ 10 – 50 lao động. Doanh thu bình quân của các DN nông nghiệp mới đạt 3,6 tỷ đồng/năm. Thực tế này khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà do lợi tức nông nghiệp còn thấp, trong khi rủi ro lại cao.

Không chỉ doanh thu của các DN còn thấp, thu nhập bình quân chung người nông dân hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/ năm. Điều này khiến một bộ phận nông dân có xu hướng không thiết tha với sản xuất nông nghiệp. Một thống kê gần đây chỉ ra, tỷ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp đã tăng từ 1,7% (năm 2014) lên 3,8% (năm 2016). Đồng thời, diện tích sử dụng đất bình quân hộ nông dân cũng giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 – 2016.

Xóa bỏ hạn mức ruộng đất

Một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp trong nước chậm phát triển, hội nhập là rào cản liên quan đến chính sách đất đai. Thạc sĩ Đặng Thị Bích Thảo (Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đang có nhiều yếu tố tác động đến tiến trình tích tụ, tập trung ruộng đất. Đơn cử, lợi tức từ canh tác nông nghiệp, việc chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ, chính sách về quyền đất đai (bao gồm thời hạn sử dụng đất) và các can thiệp chính sách của Nhà nước (dồn điền đổi thửa, thu hồi đất phát triển đô thị - công nghiệp, cánh đồng lớn…).

Liên quan đến khía cạnh DN, TS Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp đang bị áp chung như các bất động sản khác, DN tư nhân không được giao đất có thu tiền sử dụng đất mà chỉ được thuê đất. Vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ DN thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp quy mô lớn chưa rõ ràng… Theo đó, để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, TS Trần Công Thắng khuyến nghị, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để DN yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Xây dựng cơ chế hỗ trợ tín dụng dài hạn cho DN, trang trại, hợp tác xã thuê đất nông nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm… để thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, TS Bùi Hải Thiêm – Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai mới nên thay thế quyền chuyển đổi và quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp bằng quyền mua bán. Xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển giao đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất theo nhiều hình thức (chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn hợp tác…). Đồng thời, thiết lập hệ thống quản lý điện tử cung cấp thông tin số hóa về quyền sử dụng đất và giao dịch nhằm minh bạch thị trường đất nông nghiệp.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-rao-can-tu-chinh-sach-dat-dai-355861.html