Gỡ rào cản thủ tục trong xây dựng

Ngày 24/6, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, nếu chậm giải quyết sẽ làm mất đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhà ở vướng mắc chậm triển khai.

TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án nhà ở vướng mắc chậm triển khai.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay các luật, quy định về xây dựng còn nhiều vướng mắc. Trong đó phải kể đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. “Tôi có miếng đất tại quận 7, nằm trong khu dân cư hiện hữu và đã chuyển sang đất đô thị, nhưng nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không được. Trước đó, từ năm 2015 tôi xin chuyển sang đất xây dựng văn phòng để kinh doanh nhưng không được. Thậm chí, tôi còn thuê cả công ty dịch vụ để làm, tuy nhiên họ cũng không dám nhận làm” - ông Đinh Công Khương - Chủ tịch Công ty thép Phương Mai (quận 11) than phiền.

Theo ông Khương, ông đã làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất để kinh doanh, nhưng đến nay đã 5 năm vẫn chưa được quận 7 duyệt. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục pháp lý vướng từ quy định cũ lẫn quy định mới. “Doanh nghiệp vất vả làm và đóng thuế nhưng cơ chế thì bó buộc. Thành phố phải có sự đổi mới để doanh nghiệp phát triển, thành phố phát triển” - ông Khương nói.

Liên quan đến những vướng mắc trong hoạt động xây dựng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cũng mong Sở Xây dựng TPHCM tiếp tục phân tích, đề xuất tháo gỡ vướng mắc của 113 dự án mà Hiệp hội đã gửi báo cáo lên sở và UBND TPHCM.

Ông Châu khẳng định, hiện nay còn vướng mắc đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại. Vấn đề này, HoREA đã kiến nghị và được Chính phủ ban hành trong Nghị định 148. Nghị định giao trách nhiệm và thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí các thửa đất nào đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì đưa ra đấu giá. Còn dự án đường mòn, kênh mương không hình thành được dự án độc lập thì giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, TPHCM đến giờ vẫn chưa ban hành tiêu chí này cho nên vẫn còn vướng mắc.

Băn khoăn với việc giải quyết hồ sơ, công việc của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Xuân Lam - đại diện Hiệp hội Thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam đề nghị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại thành phố, UBND TPHCM xây dựng bổ sung văn hóa giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp và người dân. “Chúng tôi thấy văn hóa giữa cơ quan công quyền với doanh nghiệp đang sao nhãng, đáng lo ngại. Cần củng cố, kiểm tra, giám sát để xây dựng văn hóa thật tốt đẹp giữa người dân và cơ quan công quyền” - ông Lam nói và đề nghị, nên tách tiếp nhận đơn thư của doanh nghiệp và người dân ra riêng lẻ. Doanh nghiệp liên quan đến vốn, dự án, thời cơ,... Nếu ngâm từ 3 - 5 tháng sẽ mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Trả lời những thắc mắc của đại diện HoREA về những dự án bị vướng, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, Sở Xây dựng đã xem xét những đợt kiến nghị giải quyết hơn 100 dự án của HoREA. Để việc giải quyết đạt hiệu quả, xin cung cấp cho sở Xây dựng các văn bản đã gửi cho các sở ngành để biết đang vướng chỗ nào. “Với những lần trước tôi theo dõi thì đa phần vướng ở tiền sử dụng đất và quy hoạch. Khi phân loại dự án, chúng tôi lại vòng ngược về quận, huyện để tìm gốc của vấn đề. Có những trường hợp đã trả lời cho doanh nghiệp rồi những doanh nghiệp không cung cấp lại cho HoREA. Đa phần vướng ở quy hoạch, vướng điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và điều chỉnh chi tiết 1/500. Sở sẽ cố gắng giải quyết để tháo gỡ cho doanh nghiệp” - ông Khiết nói.

Cũng theo ông Khiết, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt các nghị định cũng như luật thay đổi toàn bộ các quy định trong đầu tư dự án, đặc biệt là dự án nhà ở. Nếu đúng theo quy định pháp luật hiện nay, 1 dự án nhà ở kể từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc thì không có dự án nào ngắn hơn thời gian từ 1,5 đến 2 năm. Có những dự án kéo dài trên 2 năm đến 5 năm. “Một số dự án đầu tư chưa được chấp thuận vì hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Chủ đầu tư nên hoàn thành hệ thống hạ tầng và xin vận hành luôn. Riêng vấn đề doanh nghiệp nêu, thành phố không dám đổi mới thì không phải vậy, Sở Xây dựng và UBND TPHCM luôn có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thời gian qua, việc xử lý bị chậm lại vì đang trong quá trình rà soát” - ông Khiết cho biết thêm.

THANH GIANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/go-rao-can-thu-tuc-trong-xay-dung-5689698.html