Gỡ rào cản phi thuế quan

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang mang lại nhiều ưu đãi thuế quan hấp dẫn nhưng cũng khiến cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan vô cùng khó vượt.

FTA mang lại cơ hội giảm thuế nhưng cũng khiến DN đối diện với hàng rào phi thuế quan.

Gia tăng biện pháp phi thuế quan
Ông Đinh Văn Thọ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quốc tế DT cho hay, hiện nay, công ty đã xuất khẩu được cà phê sang các thị trường EU, Trung Đông, châu Á… Trong bối cảnh FTA Việt Nam – EU sắp được ký kết, DN kỳ vọng sẽ tận dụng được ưu đãi về thuế quan để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, tăng XK sang thị trường này.

“Tuy nhiên, để có thể đưa sản phẩm sang các thị trường này, công ty đã mất rất nhiều thời gian tìm hiểu và quy hoạch sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại. Khó ở chỗ, DN phải bỏ một lượng vốn lớn cho quy chuẩn nguyên liệu, sản xuất, đóng gói… trong khi việc tiếp cận nguồn vốn vay không hề dễ dàng. Chưa kể, các rào cản đang được các nước sở tại dựng lên ngày một nhiều” – ông Đinh Văn Thọ cho hay.

Mức thuế ưu đãi theo cam kết trong các FTA đã mở rộng cánh cửa cho DN XK. Tuy nhiên, ông Alain Chevelier - Chuyên gia tư vấn quốc tế của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng cho biết, cùng với những thuận lợi thấy rõ, các FTA cũng mang lại không ít trở ngại cho DN. Xu hướng gia tăng hàng rào phi thuế quan của các thị trường nước ngoài là một điển hình.

“Rào cản phi thuế quan được các quốc gia gia tăng sử dụng như một tấm lá chắn nhằm bảo hộ sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước khi hàng rào thuế quan gần như bị loại bỏ theo các cam kết trong FTA” – ông Alain Chevelier cho hay.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), có chín loại biện pháp phi thuế quan chủ yếu được sử dụng. Trong đó biện pháp kiểm dịch động thực vật được sử dụng nhiều nhất với 37,5%; tiếp đó là rào cản kỹ thuật đối với thương mại 37,5%; kiểm tra hàng hóa trước vận chuyển và các thủ tục khác 1,3%...

Đáng nói, trong khi các rào cản phi thuế quan trong giao thương quốc tế có xu hướng tăng thì năng lực đáp ứng của DN trong nước lại rất hạn chế. Hơn nữa, DN trong nước chủ yếu XK gián tiếp và sản xuất gia công, do đó tuy kim ngạch XK của Việt Nam lớn nhưng giá trị thu về lại thấp. Điều này cũng có nghĩa, khả năng nhận diện và đáp ứng các rào cản phi thuế quan của DN Việt Nam không cao.

Kiến nghị từ chuyên gia
Nhận diện điểm mấu chốt trong các rào cản phi thuế quan trong giao dịch quốc tế hiện nay, Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng: Điều DN đáng quan tâm nhất hiện nay vẫn là quy tắc xuất xứ, bởi cho dù DN đáp ứng hết các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường XK mục tiêu nhưng không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì vẫn không được hưởng mức thuế quan ưu đãi đã cam kết trong các FTA.

Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cũng khuyến cáo: DN cần cân nhắc giữa chi phí cho đáp ứng các rào cản thương mại với lợi nhuận đạt được nhằm cân nhắc bài toán có nên XK tới các thị trường mục tiêu. DN cũng cần phối hợp chặt chẽ và nêu các đề xuất, kiến nghị giúp các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng các quy định thuận lợi nhất cho DN.

Ngoài ra “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại” sẽ chính thức được Bộ Công thương phối hợp với một số đơn vị triển khai trong hai năm 2019-2020. Dự án tập trung vào bốn nội dung chính: Tiến hành khảo sát DN về vấn đề phi thuế quan tập trung vào hai lĩnh vực là hàng hóa và dịch vụ; tham vấn các bên liên quan nhằm tìm hiểu về phương hướng khả thi để khắc phục các trở ngại thương mại hiện có và giảm chi phí trong giao dịch thương mại; xây dựng năng lực để đối phó với vấn đề phi thuế quan nhằm củng cố và nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ thương mại, DN nhỏ và vừa; tăng cường tính minh bạch về các quy tắc thủ tục.

Theo các chuyên gia, các đơn vị triển khai “Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại của Việt Nam: Đối phó với vấn đề phi thuế quan trong thương mại”, cần lượng hóa được tác động của các rào cản phi thuế quan cũng như phân loại, đánh giá các rào cản Việt Nam đang áp dụng để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, đạt mục tiêu cắt giảm chi phí cho DN nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Dự án công bố cơ sở dữ liệu về các rào cản phi thuế quan tại các thị trường nước ngoài để DN tiếp cận một cách tốt nhất.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Alain Chevelier cũng cho rằng: Các cơ quan chức năng cần phải liệt kê đầy đủ và phân tích các rào cản một cách rõ ràng để DN nắm rõ và thực thi hiệu quả. Chính phủ cũng tập trung hỗ trợ DN thực hiện tốt tiêu chí truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm XK, nhất là nông sản; cung cấp thông tin cụ thể về thị trường nước ngoài; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài trợ; xây dựng thương hiệu… “Hoạt động đào tạo, hoạch định kế hoạch là yếu tố hỗ trợ rất quan trọng giúp DN áp dụng kỹ năng đã được đào tạo vào quá trình XK thực tế” - ông Alain Chevalier nhấn mạnh.

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38354602-go-rao-can-phi-thue-quan.html