Gỡ rào cản để kinh tế tư nhân tăng tốc

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam có thể hứng khởi trở lại vào năm 2021 với mức tăng trưởng hơn 6%.

Để đạt được mục tiêu đó, các chính sách và đường lối sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cần phải tạo ra một xung lực mới cho lĩnh vực sôi động và đang ngày càng trở thành quan trọng nhất với nền kinh tế đó là thành phần DN tư nhân nội địa.

Tái định hình doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững
Được Bộ KH&ĐT xây dựng dự thảo từ năm 2019, Đề án Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế là một trong các nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu DN hoạt động. Tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%, tỉ lệ nội địa hóa đạt mức 30%.

 Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia, để có chính sách phù hợp cho KTTN phát triển, cần lưu ý nhìn vào những vấn đề chính của khu vực tư nhân. Đó là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực cần thiết, năng suất thấp. Thêm vào đó, các khu vực kinh tế chưa có sự gắn kết để cùng phát triển. Đơn cử như năng suất thấp và chi phí lao động tăng. Theo TS Vũ Thành Tự Anh thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 2,2% nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu là 10,2%.

Lực lượng lao động đang giảm dần khi Việt Nam đã vượt qua đỉnh dân số vàng trong giai đoạn 2012 - 2014. Dân số già đi sẽ khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm xuống. Theo đà này, chỉ cần 10 năm nữa, chi phí lao động ở Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc hiện nay, tức lúc đó Việt Nam không còn lợi thế về chi phí lao động giá rẻ.
Với không ít thách thức đề ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Đề án lần này tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế có tính chất tổng hợp, liên ngành thuộc nhóm cơ quan hành pháp, bao gồm các chức năng: Định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của DN và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển
Bắt đầu từ đầu năm 2021, Luật DN 2020 và Luật đầu tư 2020 có hiệu lực được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng DN. Một trong số đó là thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm, đơn cử như DN được quyết định loại dấu, quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của DN, bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng…
Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Đức Hiếu đánh giá, sự lớn mạnh của khu vực KTTN phụ thuộc không chỉ trong phương thức quản lý Nhà nước, tiếp cận theo hướng “từ trên xuống” mà còn được kết hợp hiệu quả với cách tiếp cận “từ dưới lên” thông qua việc tiếp thu phản ánh của DN, ý kiến chuyên gia, tạo ra sức ép rất lớn lên cơ quan quản lý. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải đổi mới tư duy và nâng cao năng lực để đi theo, bắt kịp những tiến bộ công nghệ của thế giới vì lợi ích chung của xã hội. Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho DN trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Kết quả là, Nhà nước, DN và xã hội sẽ ở trong thế cùng kéo nhau đi lên thay vì kìm hãm lẫn nhau.

Theo Đề án "Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế”, đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế phát triển.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-rao-can-de-kinh-te-tu-nhan-tang-toc-416950.html