Gỡ rào cản để hợp tác xã phát triển

Thông qua hoạt động hợp tác xã, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, để các hợp tác xã phát triển bền vững, phát huy tối đa vai trò trong sản xuất nông nghiệp nói chung rất cần tháo gỡ những rào cản về nguồn vốn, quỹ đất và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Mô hình sản xuất rau sạch theo chuỗi tại Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Đỗ Phong

Liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao

Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) Trần Văn Tuấn cho biết, tháng 6-2020, ông cùng 6 hộ dân liên kết thuê đất, góp đất, góp vốn để trồng rau sạch. Hiện hợp tác xã có 3 trại trồng rau với diện tích gần 10.000m2 và 1 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất bán hơn 2 tạ rau sạch, doanh thu đạt 50-70 triệu đồng/tháng.

Tương tự, Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã liên kết với 6 hộ dân để thuê đất sản xuất rau hữu cơ trên diện tích 5ha. Giám đốc hợp tác xã Đặng Thị Cuối chia sẻ: "Hiện “đầu ra” cho sản phẩm của hợp tác xã là 16 trường mẫu giáo trong huyện, chuỗi cửa hàng rau sạch tại Hà Nội… với 1,5-2 tạ rau, củ, quả mỗi ngày. Đặc biệt, nhờ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên thời gian vừa qua, dù bếp ăn trường học đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng lượng rau tiêu thụ luôn ổn định bởi các chuỗi cửa hàng mua vào nhiều hơn".

Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành thông tin: Đến nay, Hà Nội đã có 141 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định. Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đã đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trung Thành, thành phố đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các hợp tác xã, nhất là việc hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, nhưng hiện việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn. Ngoài ra, các hợp tác xã cũng cần có quỹ đất đủ lớn để mở rộng, phát triển sản xuất trong khi đất nông nghiệp tại nhiều địa phương còn manh mún...

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, qua đó thúc đẩy hợp tác xã phát triển theo những mô hình mới hiệu quả, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 3-2-2021 về Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Trong đó, thành phố sẽ tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Cụ thể, thành phố tiếp tục hỗ trợ vay vốn cho các tổ chức trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, quỹ tín dụng, ngân hàng; đồng thời nghiên cứu việc cho phép các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn thông qua hình thức tín chấp. Mặt khác, thành phố sẽ huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, nhà tài trợ trong nước cũng như tổ chức quốc tế… nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi về các cơ chế, chính sách nêu trên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Phạm Văn Thành cho rằng, việc thành phố tạo thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn là cơ sở quan trọng để các hợp tác xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao, hình thành thêm các chuỗi cung cấp sản phẩm sạch phục vụ thị trường.

Về quỹ đất và những vấn đề liên quan đến đất đai của hợp tác xã, thành phố sẽ tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về đất đai; trình tự, thủ tục xin thuê đất, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã. Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin: Huyện đang rà soát quỹ đất nhằm cấp đất để các hợp tác xã có trụ sở làm việc. Đối với quỹ đất cho sản xuất, căn cứ vào quy hoạch, huyện sẽ hỗ trợ các hợp tác xã thủ tục thuê đất, hỗ trợ liên kết để sản xuất.

Liên quan đến khung khổ pháp lý và thực hiện các cơ chế chính sách, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành cho biết: Thành phố rà soát, tổng hợp những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã để đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp. Đồng thời, thành phố sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 theo ngành, lĩnh vực, địa bàn... Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan quản lý tổ chức đánh giá, phân loại hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trung bình, yếu kém để có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể từng hợp tác xã thực hiện tái cơ cấu để phát triển bền vững.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/992716/go-rao-can-de-hop-tac-xa-phat-trien