Gỡ rào cản chính sách

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 8% doanh nghiệp trên cả nước đầu tư vào nông nghiệp. Nếu so với tổng số hơn 600 ngàn doanh nghiệp cả nước hiện nay, thì con số này quả là quá khiêm tốn.

Xác định được vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái, đưa ra những chính sách khuyến khích DN đầu tư vào ngành này. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả triển khai chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, số DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn quá khiêm tốn. Mặc dù năm 2018 được đánh giá là năm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 DN đầu tư mới, nâng tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 DN.

Tuy nhiên, số DN đầu tư theo chuỗi mới đạt con số gần 5.000, chiếm khoảng 8% tổng số DN trên cả nước. Đây là con số quá nhỏ bé so với tổng số hơn 600 nghìn DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay. Thực tế này cho thấy, dường như những chính sách được đưa ra vẫn chưa thể khuyến khích được DN bước chân vào lĩnh vực này. Và nếu con số này vẫn không có thay đổi nhiều trong tương lai, ngành nông nghiệp sẽ rất khó bứt phá.

Tìm hiểu nguyên nhân của thực tế này, dễ nhận thấy, một phần nguyên nhân nằm ở vấn đề về tiếp cận vốn của DN. Theo chia sẻ của chủ một DN trang trại lợn, để đầu tư một trang trại lợn giống công nghệ cao có quy mô 500 lợn nái, trên 1.000 lợn thịt, nguồn vốn mà DN phải bỏ ra là không nhỏ. Tuy nhiên, tất cả vốn liếng DN đều phải tự chủ, họ không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng vì các điều kiện đưa ra quá khắt khe. Đó còn chưa kể đến việc, làm trang trại lợn DN phải sử dụng một diện tích đất lớn như thế nào, và các thủ tục liên quan đến đất đai cũng không đơn giản.

Cũng theo vị chủ DN chăn nuôi này, để xây dựng trang trại và nhà máy, họ phải tự mua đất từ cá nhân với giá cao. Điều này cũng một phần làm hạn chế mục tiêu mở rộng quy mô và chiến dịch kinh doanh lâu dài của DN. Chia sẻ nói trên của vị chủ trang trại chăn nuôi cũng là “nỗi niềm” của nhiều thương nhân khi muốn bước chân vào lĩnh vực nhiều rủi ro này. Thực tế này cho thấy, dường như rào cản lớn nhất đang kìm chân DN lại chính là các chính sách, thủ tục, điều kiện để tiếp cận vốn vay...

Trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp, điểm sáng của ngành này là xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, ngành rau củ quả, ngành gạo, cà phê, thủy hải sản… vẫn là những lĩnh vực đứng trong top đầu về xuất khẩu. Đáng chú ý, rau củ quả liên tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bề ngoài “hào nhoáng” của bức tranh đó, đời sống thực tế của người nông dân lại chưa được tươi sáng như vậy. Nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp, nhưng đời sống của một bộ phận bà con vẫn bấp bênh, được chăng hay chớ vì sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Chính bởi vậy, tình trạng “giải cứu nông sản” vẫn tái phát.

Theo giới chuyên gia, nếu có sự tham gia của DN vào nông nghiệp, chắc chắn diện mạo ngành nông nghiệp sẽ thay đổi, đời sống của người nông dân cũng sẽ vì sự thay đổi đó mà nâng lên. Khi có sự tham gia của DN vào nông nghiệp, chắc chắn, sẽ không còn tình trạng “trồng, chặt” tự phát, hay chăn nuôi lợn, gà ồ ạt…Khi đó, dư luận xã hội sẽ không còn phải chứng kiến cảnh giải cứu nông sản diễn ra hàng năm.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thông tư hướng dẫn việc hỗ trợ và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ DN khởi nghiệp, tháo gỡ các rào cản về đầu tư. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là thu hút khoảng 80.000-100.000 DN có hoạt động đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó phấn đấu có khoảng 3.000-4.000 DN đầu tư với quy mô lớn, 6.000-8.000 DN đầu tư với quy mô vừa. Mục tiêu này nếu có thể đạt được thực sự sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy cho nền kinh tế nông nghiệp bứt phá.

Chúng ta biết rất rõ, nông nghiệp là lĩnh vực có tính rủi ro cao, thời gian chờ “hái lợi nhuận” cũng phải kéo dài, không thể trong ngày một ngày hai như những lĩnh vực khác. Bởi vậy, những rào cản về chính sách cần phải được sớm giải tỏa, không thể để kéo dài mãi. Và chỉ khi những rào cản đó được giải tỏa, những kỳ vọng, mục tiêu nhà quản lý đối với việc đưa nền kinh tế nông nghiệp cất cánh mới có thể được hiện thực hóa.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/go-rao-can-chinh-sach-tintuc428378