Gỡ nút thắt về tài chính trong xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu trong giai đoạn kinh tế suy thoái, khủng hoảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nước để giúp nền kinh tế sớm phục hồi.

Để hoạt động này hiệu quả, thông suốt, kinh nghiệm cho thấy phải có sự hỗ trợ nhiều mặt từ chính phủ, nhất là về khung khổ pháp lý, những cơ chế tài chính đặc thù cho những tổ chức được giao nhiệm vụ đặc biệt khó khăn này.

Bài toán khó khi xử lý nợ xấu từ gốc

Hiện nay, trên thị trường mua bán nợ Việt Nam có 3 loại hình công ty mua bán nợ chính đang hoạt động là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thương mại. Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động cho các công ty này đã được ban hành, tuy nhiên trên thực tế hoạt động của các tổ chức này chưa phát huy được hết vai trò và hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tham gia xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Về VAMC, căn cứ vào kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu của VAMC cho thấy, tổng số nợ thu hồi được chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với số nợ mà VAMC mua về. Thời gian qua, VAMC thu hồi nợ chủ yếu qua hình thức ủy quyền cho tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện, VAMC trực tiếp tổ chức thực hiện thu hồi còn rất ít. Việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC chỉ là chuyển nợ tạm thời từ TCTD sang VAMC nhằm giảm tạm thời nợ xấu nội bảng của các TCTD, đồng thời kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD để giảm gánh nặng tài chính, nhưng thực tế là các TCTD bán bớt nợ xấu thì lại tiếp tục được mở tín dụng và giảm trích lập dự phòng rủi ro, làm tăng lợi nhuận sẽ được chia cổ tức. Do vậy, việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC chưa thực sự mang lại hiệu quả, không phản ánh đúng việc xử lý nợ xấu của TCTD. Nguyên nhân của việc này là những vướng mắc trong cơ chế xử lý tài sản bảo đảm, những hạn chế trên thị trường mua bán nợ, cộng với việc VAMC mua nợ với giá quá cao, khiến cho việc bán nợ gặp khó khăn khi không tìm được tiếng nói chung với các nhà đầu tư trên thị trường.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam không đơn thuần chỉ hoạt động mua nợ để bán, thu nợ hay xử lý tài sản để thu nợ mà thông qua mua nợ, công ty còn thực hiện tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp khách nợ. Tái cơ cấu doanh nghiệp là một quá trình phức tạp với rất nhiều công việc liên quan bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, tái cơ cấu lại hệ thống quản trị, điều hành của doanh nghiệp… Tái cơ cấu tài chính là hoạt động đầu tiên và rất cần thiết với các biện pháp nghiệp vụ như: giảm bớt một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp khách nợ, chuyển nợ thành vốn góp; điều chỉnh kế hoạch trả nợ; giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn từ việc phát hành cổ phiếu...

Đối với DATC, mục tiêu hoạt động của DATC là vừa phải hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng lại vừa phải hoạt động có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn giống một DN kinh doanh thông thường. Đây là một bài toán rất khó đối với DATC.

Đối với công ty mà DATC đã mua được nợ, chuyển nợ thành cổ phần của DATC tại DN thì đối với cổ phần của DATC thực tế không có tiền mặt vì chỉ là chuyển nợ thành vốn góp. Đối với công ty cổ phần sau khi tái cấu trúc tài chính chỉ giảm trừ được một phần nợ, có thể kéo dài thời hạn trả nợ nhưng cũng không thêm nguồn tiền để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Tất cả các DN được DATC mua nợ và tái cấu trúc tài chính đều không có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của ngân hàng theo nguyên tắc cho vay của ngân hàng quy định.

Không nhận được sự hỗ trợ kịp thời sau khi được tái cấu trúc tài chính, xóa nợ nên nhiều DN lại tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính dẫn đến tiếp tục khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ cho DATC hạn chế.

Điều đó xảy ra không chỉ đối với DNNN tái cấu trúc và chuyển đổi sở hữu mà cả các công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước được tái cấu trúc cũng rơi vào tình trạng này. Hệ lụy của nó là khả năng thu hồi nợ của DATC bị ảnh hưởng khá nhiều, thậm chí có thể không còn khả năng thu nợ.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái thiết tiếp cận vốn

Do hạn chế về vốn nên DATC chưa có sự hỗ trợ tích cực nhất là vấn đề tài chính cho DN khách nợ sau khi tái cấu trúc tài chính. Các DN khách nợ sau khi được hỗ trợ tái cấu trúc về tài chính mới tạm thời giảm bớt khó khăn tại thời điểm tái cấu trúc. Đối với công ty nhà nước thì mới hết âm vốn chủ sở hữu đủ điều kiện để cổ phần hóa. Sau khi cổ phần hóa nguồn tiền thực tế của DN dùng cho hoạt động kinh doanh chỉ có một phần vốn điều lệ, đó là số tiền thu được do bán cổ phần cho đối tượng khác.

Để giải quyết những nút thắt này, rõ ràng cần có những cơ chế linh hoạt hơn về phương án tài chính, qua đó giúp những DN đang “thoi thóp” có cơ hội phục hồi trở lại, tăng khả năng thu hồi nợ của DATC. Chẳng hạn, các DN tái thiết qua hoạt động xử lý nợ thường rất khó tiếp cận nguồn vốn mới trong khi đây là yêu cầu thiết yếu để khởi động quá trình phục hồi DN. Do đó, cần cho phép các ngân hàng được tái cấp vốn phù hợp phương án phục hồi DN. Đồng thời, cho phép các tổ chức xử lý nợ được sử dụng nguồn lực của mình để hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho DN như một nguồn vốn mồi để phục hồi hoạt động.

Hay đối với các khoản nợ có tính chất “nhà nước”, Chính phủ nên cho phép áp dụng cơ chế thị trường khi xem xét xử lý các khoản nợ có tính chất “nhà nước” bình đẳng như với các khoản nợ thương mại, để tạo sự hài hòa lợi ích giữa thu hồi nợ với bảo vệ sự sinh tồn của DN. Đồng thời, cho phép các DN tái thiết được miễn tiền phạt thuế, được xóa một phần nợ thuế, được phân bổ trả dần thuế nợ đọng theo tiến trình phục hồi… để chia sẻ rủi ro và tăng mức độ thành công của phương án với nhà đầu tư tham gia tái thiết DN.

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức đặc thù như của Chính phủ đều có sự hỗ trợ nhiều mặt từ Chính phủ từ cấp vốn thành lập ban đầu, bảo lãnh phát hành trái phiếu… đến ban hành khung khổ pháp lý cho phép các tổ chức này có nhiều quyền lực hơn trong xử lý nợ xấu.

Chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả

Trên thị trường mua bán nợ Việt Nam có 3 loại hình công ty mua bán nợ chính đang hoạt động là Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng thương mại. Nhìn chung, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động cho các công ty này đã được ban hành, tuy nhiên trên thực tế hoạt động của các tổ chức này chưa phát huy được hết vai trò và hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc tham gia xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-08-03/go-nut-that-ve-tai-chinh-trong-xu-ly-no-xau-90402.aspx