Gỡ nút thắt tư duy để phát triển kinh tế

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và Triển khai công tác năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương, diễn ra sáng 17-1.

Năm 2019 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hướng đến thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Đóng góp vào sự thành công đó, với vai trò tham mưu của mình, trong năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tham mưu, giúp Bộ Chính trị ban hành 3 nghị quyết, 3 kết luận, nâng tổng số nghị quyết, kết luận được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tham mưu, đề xuất từ năm 2016 đến nay là 13 nghị quyết, kết luận.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Những chủ trương, đường lối do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị ban hành đều là những vấn đề mang tính chiến lược, thể hiện sự đổi mới sáng tạo theo kịp xu hướng phát triển của thời đại để vừa khắc phục khó khăn, thách thức vừa tận dụng cơ hội, xây dựng nền tảng vững chắc nhằm đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển. Các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế được Ban Kinh tế Trung ương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.

Đánh giá cao những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương vào sự thành công của nền kinh tế nước nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 5 thành tích nổi bật của Ban Kinh tế Trung ương năm qua. “Thứ nhất, các đồng chí đã thực hiện tốt được vai trò của cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về kinh tế xã hội.

Thứ hai, công tác phối hợp, hợp tác thời gian qua có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương, từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, từ Nghị quyết của Đảng đến Nghị quyết của Chính phủ, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, nhưng chúng ta cũng không nhầm lẫn chức năng nhiệm vụ giữa Ban Đảng và Chính phủ trong điều hành nhà nước.

Thứ ba, các đồng chí đã thực hiện tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến với 117 ý kiến thẩm định, đóng góp ý kiến đối với nhiều báo cáo, dự án và đề án, văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ Chính trị.

Thứ tư, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động, tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng; kịp thời nắm bắt phát hiện và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thứ năm, các đồng chí đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong cả hai Tiểu ban Văn kiện và Kinh tế - xã hội”.

“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, người lao động Ban Kinh tế Trung ương. Sau 7 năm tái lập, đặc biệt năm 2019, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương đã ngày càng toàn diện; đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các đồng chí đã có nhiều sản phẩm nghiên cứu, đề án, báo cáo quan trọng được Trung ương thông qua; đồng thời công tác thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đã được triển khai một cách thực chất, sát thực tiễn...

Những kết quả đạt được của các đồng chí là rất tích cực, góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của đất nước ta trong năm 2019”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế như kết quả nghiên cứu chất lượng còn thấp, một số đề án chất lượng chưa cao, chưa kịp tiến độ; chưa có sự đột phá về tư duy phát triển, chưa tạo ra kênh dẫn đường, mở lối dẫn dắt thực tiễn phát triển, phù hợp với xu thế mới, việc kiểm tra giám sát thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng hiệu quả chưa cao, chưa kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để đề xuất điều chỉnh…

Bước sang năm 2020, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng…

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của Ban Kinh tế Trung ương cực kỳ quan trọng. Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần hoạt động toàn diện hơn, chất lượng cao hơn, với tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, không chỉ chờ giao việc mới làm, mà phải chủ động đề xuất, tham mưu; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

“Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống. Những vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như những bất cập của một nền kinh tế mới đòi hỏi các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế cùng các bộ, ban ngành và Chính phủ đoàn kết, cùng nhau vượt khó, cùng nhau phối hợp tốt hơn nữa.

Các đồng chí đều biết nền kinh tế đang tồn tại nhiều nút thắt lớn hạn chế phát triển, khiến tiềm năng không được giải phóng, trong đó thể chế được xem là nút thắt lớn, song nút thắt lớn nhất là tư duy, nếu không thay đổi về tư duy kinh tế, nếu có điều chỉnh thể chế thì vẫn là thể chế cũ, bình mới rượu cũ, không thể đột phá.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/go-nut-that-tu-duy-de-phat-trien-kinh-te-578702/