Gỡ 'nút thắt' trong giải phóng mặt bằng

Chiều 19/6, Tỉnh ủy tổ chức hội thảo 'Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và việc đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư'. Tại hội thảo, các đại biểu đã 'hiến kế' nhiều giải pháp nhằm gỡ các 'nút thắt' để việc BTGPMB đạt hiệu quả, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến Dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP.Bà Rịa chậm tiến độ là do công tác BTGPMB chậm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến Dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP.Bà Rịa chậm tiến độ là do công tác BTGPMB chậm.

NHIỀU DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ĐƯỢC TRIỂN KHAI

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh như công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cũng trong giai đoạn này, các dự án trọng điểm đã được tỉnh tích cực gỡ vướng trong công tác BTGPMB để triển khai đúng tiến độ như: KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Sonadezi Châu Đức, Hương lộ II TP.Bà Rịa, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Trung tâm Chí Linh, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Long Sơn, đường Long Sơn-Cái Mép, dự án cầu Phước An, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường 991B, tuyến tránh Quốc lộ 56 Bà Rịa, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải… “Tuy nhiên, thực tế tiến độ thực hiện các dự án phần lớn chưa theo đúng kế hoạch, công tác BTGPMB còn gây trở ngại lớn đến tiến độ thực hiện các dự án”, ông Lê Tuấn Quốc nhận định.

Hiện tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ BTGPMB để dự án đường 991B hoàn thành đúng tiến độ.

Báo cáo tại hội thảo về kết quả thu hồi đất, giải quyết các vướng mắc trong BTGPMB, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin: Giai đoạn 2015-2019, tỉnh đã thu hồi hơn 2.048/2.786ha đất, đạt 73%; thực hiện được 351/386 dự án, đạt 91% kế hoạch đề ra. Nhìn chung kết quả đạt được tương đối khả quan, các dự án được triển khai từ năm 2015 đến 2019 đều tăng. “Mặc dù kết quả đạt được tương đối khả quan nhưng tỷ lệ đạt được chưa cao và còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là do các chính sách pháp luật về đất đai chưa sát với thực tế; giá bồi thường chưa phù hợp với giá thị trường; người dân có đất bị thu hồi không hợp tác…”, ông Lợi cho biết thêm.

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc chậm GPMB khiến nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ giải ngân, thậm chí không đạt mục tiêu đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Do đó, giải pháp đặt ra là cần thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, lợi ích của nhân dân trong GPMT, tạo cơ sở để thực hiện giám sát, giúp người dân có đất thu hồi yên tâm thực hiện trách nhiệm của mình. Chia sẻ kinh nghiệm về công tác BTGPMT tại TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Bá Trung, Phó trưởng Phòng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư (Sở TN-MT TP.Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2014-2019, thành phố có 441 dự án có thu hồi đất, đã có 417 dự án đã thực hiện công tác BTGPMT, đạt tỷ lệ hơn 94,5%. Về lĩnh vực đấu giá đất công, trong giai đoạn này thành phố đã đấu giá thành công 21 khu đất với diện tích hơn 15.000ha. Sở dĩ TP. Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ BTGPMT, đấu giá đất cao như vậy là nhờ thành phố đã tập trung vào 4 giải pháp quan trọng: Đặt ra tiến độ BTGPMB; ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất; không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người; khắc phục những bất cập mâu thuẫn trong các quy định pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, thành phố cũng phát huy tốt các nguồn lực xã hội từ các nhà đầu tư để xây dựng quỹ nhà ở cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở phục vụ tái định cư, hạn chế phát sinh tạm cư kéo dài.

Còn theo ông Đoàn Văn Trương, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc biệt là các dự án trọng điểm, pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất cần quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải chứng minh được nhu cầu sử dụng đất thực tế và nhu cầu đó phải là một trong những điều kiện bắt buộc để xác định được tham gia đấu giá.

Nhìn từ góc độ của nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Lơ, Cục trưởng Cục Kinh tế phát triển quỹ đất-Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ BTGPMB, đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thời gian tới cơ quan chức năng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đất đai đối với lĩnh vực thu hồi, BTGPMB nhằm tạo ra điều kiện cho địa phương linh hoạt trong việc thực hiện bồi thường đất, đặc biệt đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất khác phù hợp. Đồng thời, bảo đảm quyền lợi cho người có đất thu hồi, giúp đẩy nhanh tiến độ GPMT. Ngoài ra, cần bố trí đủ, kịp thời kinh phí cho công tác bồi thường, GPMB.

Năm 2019, Trung tâm phát triển quỹ đất đã đấu giá thành công 7 khu đất với tổng diện tích 41,47ha, tổng giá trị giá khởi điểm là hơn 1.092 tỷ đồng; tổng số tiền trúng thầu đấu giá là hơn 1.249 tỷ đồng. Năm 2020, tỉnh dự kiến sẽ đấu giá 22 khu đất với tổng diện tích 113,26ha, dự kiến thu gần 5.680 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2020 đã đấu giá thành công 2 khu, tổng diện tích 2,85ha, tổng giá trị theo giá khởi điểm là 88,54 tỷ đồng. Tổng số tiền trúng đấu giá 199,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN-QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202006/go-nut-that-trong-giai-phong-mat-bang-902179/