Gỡ nút thắt trong bảo tồn làng cổ

Những ngày cuối năm này, dù cho thời tiết giá lạnh, nhưng tại Viện Bảo tồn di tích không khí thảo luận về bảo tồn làng cổ Hà Nội vẫn được hâm nóng. Và nút thắt trong bảo tồn di sản đã được tháo gỡ phần nào. Theo các chuyên gia, nếu thay đổi cách tiếp cận và bảo tồn theo hướng tiếp thêm sức sống, thì di sản nói chung, làng cổ nói riêng sẽ càng tăng thêm giá trị.

Làng gốm Bát Tràng

Biết chấp nhận những giá trị mới

Không riêng gì làng cổ Đường Lâm, làng cổ Cự Đà (Hà Nội), mà giờ đây rất nhiều ngôi làng cổ Việt Nam cũng đang đứng trước sức ép của sự phát triển (dân số, hạ tầng…). Chính vì thế, nhiều chuyên gia văn hóa và di sản có mặt tại hội thảo đều chung quan điểm: Phải thay đổi cách tiếp cận di sản thì mới tìm ra hướng bảo tồn tốt nhất. Gắn bó và hoài niệm với những kiến trúc cổ, KTS Phạm Đình Việt đã phân tích một cách sinh động về sự biến đổi của những chiếc cổng làng- đơn cử như cổng làng Cự Đà. Xưa chiếc cổng làng vốn nhỏ và hẹp bởi người nông dân chỉ gồng gánh thóc lúa ngô khoai. Nhưng giờ đây các phương tiện giao thông như xe công nông, xe ôtô… chuyên chờ hàng hóa chạy vào làng không còn "chui” vừa những chiếc cổng làng nhỏ xinh ấy, nên người đã phải "nới” cho nó rộng thêm ra, hoặc phá hẳn chiếc cổng cũ xây lại chiếc cổng mới to hơn thế. Âu cũng là điều dễ hiểu.

Và lâu nay khi bàn đến chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài thẳng thắn bác quan điểm bảo tồn là khư khư giữ lại những gì thuộc về nguyên bản. Phân tích của ông cho thấy, quan niệm về di sản hiện nay chưa thực sự đầy đủ và trọn vẹn. Bởi con người làm ra những giá trị văn hóa và phải là trung tâm của quá trình bảo tồn. Với những làng cổ ở Hà Nội- đây còn là một điểm dân cư sống, là một di sản đang sống và phát triển từng ngày. Vì thế với những ngôi làng cổ, phải đặt ra vấn đề bảo tồn để cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn.

Tiêu chí đánh giá đâu là làng cổ cũng được phân tích kỹ hơn tại hội thảo này, từ giá trị về lịch sử văn hóa, giá trị về tuổi tác, giá trị về không gian, giá trị vật chất, giá trị tinh thần…nhưng có một tiêu chí được các quan điểm đồng tình đó là trong dòng chảy của cuộc sống, hoạt động của cư dân sẽ làm nên sức sống của làng. Vì thế sự hiện hữu của các chức năng gốc của làng như (làng thuần nông, làng nghề) càng rõ nét thì giá trị của làng cổ càng cao.

Làng cổ Cự Đà

Bảo tồn trong sự tiếp nối và thích nghi

Không quá bi quan trước thực trạng của sự phôi phai không gian làng cổ, chuyên gia văn hóa Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích) cho rằng, bên cạnh những mất mát, xuống cấp nhanh chóng như đã và đang từng diễn ra ở nhiều làng quê Việt Nam nói chung, vẫn có nhiều làng cổ được bảo tồn khá tốt. Đơn cử như làng cổ Đông Ngạc (Từ Liêm), làng cổ Bát Tràng (Gia Lâm), hay làng cổ Hữu Bằng (Thạch Thất)…

Bảo tồn trong sự tiếp nối cũng thuận lợi hơn ở những làng có nghề truyền thống làm gốm như Bát Tràng. Xuất phát từ nhu cầu giữ nghề truyền thống mà bản thân người dân Bát Tràng đã cố gắng tìm tòi mở rộng sự phát triển của nghề gốm xưa. Chính vì thế mà Bát Tràng lâu nay nằm trong điểm đến không thể bỏ qua của những tour du lịch làng nghề. Làng cổ Đường Lâm tuy không phải là làng nghề, nhưng cho đến giờ không gian sống ở đây vẫn đậm chất đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Không có thế mạnh của một làng nghề, nhưng những dịch vụ tự phát để đón khách du lịch cũng giúp cho người dân ít nhiều có thêm khoản thu để cải thiện cuộc sống.

Theo phân tích của chuyên gia văn hóa Đỗ Danh Huấn (Viện Sử học), thì một ngôi làng cổ khác là làng Hữu Bằng cũng đang làm tốt công việc bảo tồn trong quá trình thích nghi với sự biến đổi. Theo đó, cho dù có sự hòa quyện không gian của làng phố- phố làng, nhưng những gì được coi là di sản (đình, chùa, văn chỉ…) vẫn được gìn giữ hài hòa bởi chính người dân của làng.

Tin vui cho làng cổ Đường Lâm

Cũng trong chiều 27-12, UBND TP Hà Nội và Sở VHTT&DL đã có cuộc họp bàn về vấn đề phân cấp quản lý di tích trên địa bàn. Tại đây những vấn đề liên quan đến làng cổ Đường Lâm đã được tháo gỡ. Theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL ngay sau cuộc họp này, những văn bản liên quan đến làng cổ Đường Lâm sẽ được công bố để người dân được biết: Qui hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm; Qui hoạch giãn dân làng cổ; Cơ chế chính sách cho việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm. Hi vọng, những nút thắt trong bảo tồn làng cổ Đường Lâm sẽ được giải quyết.

Tiếc nhất là qui hoạch ngược

Đóng góp ý kiến cho việc tìm giải pháp bảo tồn làng cổ Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lẽ ra đây phải là câu chuyện nên được làm trước quá trình qui hoạch đô thị. Đằng này, việc gìn giữ di sản thường được đặt ra sau khi vốn cổ chẳng còn được bao nhiêu. Các dẫn chứng được đưa ra cho thấy, trong khoảng vài thập niên gần đây, Hà Nội mất đi nhiều ngôi làng cổ đã trở thành thương hiệu: làng Nhật Tân, Ngọc Hà, làng Láng, làng Bưởi… Và cũng chỉ trong vòng vài chục năm gần đây, thì các làng vùng ven đô cũng đang ngày một thu hẹp lại. Những ý kiến tại hội thảo đặt ra vấn đề: Chúng ta chấp nhận sự mất đi của vài không gian, yếu tố không còn phù hợp, chấp nhận sự xuất hiện của những kiến trúc mới đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Nhưng phải đảm bảo sự mất đi và bổ sung đều không làm ảnh hưởng đến giá trị đặc trưng của mỗi làng cổ.

Tại sao Hà Nội chưa làm tốt việc bảo tồn không gian làng cổ, ông Trương Minh Tiến- Phó giám đốc Sở VHTT&DL lý giải rằng, do có sự "vênh” giữa qui hoạch và thực tiễn, do nhận thức của cả chính quyền địa phương và của người dân về di sản chưa trọn vẹn và đầy đủ. Theo đó, thời gian tới đây Hà Nội sẽ ráo riết hơn nữa trong việc giữ gìn làng cổ - những "viên ngọc quý” của di sản văn hóa Việt, bắt đầu bằng việc rà soát lại số làng cổ trên địa bàn.

Vẫn biết, một hội thảo nhỏ chưa thể giải quyết ngay được vấn đề lớn về bảo tồn di sản. Chỉ biết rằng Hà Nội còn nhiều làng cổ cần được nhận diện để có chính sách bảo tồn một cách khoa học. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, thì bảo tồn làng cổ cũng phải đặt trong sự tương quan hài hòa trước xu thế vận động của cuộc sống.

Hương Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=74089&menu=1420&style=1