Gỡ 'nút thắt' phát triển nhà ở xã hội

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Ghi nhận những sửa đổi này sẽ góp phần quan trọng gỡ các 'nút thắt' về phát triển nhà ở xã hội hiện nay, tại phiên thảo luận tổ sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện các quy định cụ thể, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Cà Mau thảo luận ở tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Cà Mau thảo luận ở tổ. Ảnh: Lâm Hiển

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội

Chính sách phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và các đại biểu Quốc hội trong thời gian qua. So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này đã có một số điểm mới quan trọng như: sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, loại nhà ở xã hội, đất để xây dựng nhà ở xã hội, lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng, nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Dự luật cũng bổ sung các quy định về: hình thức phát triển nhà ở xã hội, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư, thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Đồng thời bổ sung 2 mục mới về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Theo ghi nhận của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng 5.6, các nội dung được Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung là khá toàn diện, góp phần quan trọng gỡ các “nút thắt” trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định cụ thể để bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi của chính sách quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chỉ ra một trong những khó khăn lớn vừa qua đối với việc thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội ở nhiều địa phương là quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, các đại biểu nhất trí cao quy định tại Khoản 1 Điều 80 dự thảo Luật về việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Tại khoản 3 Điều 80 dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo ĐBQH Bùi Sĩ Hoàn (Hải Dương), quy định này chưa rõ ràng, chưa định lượng cụ thể được dành “tỷ lệ nhất định” là bao nhiêu. Điều này sẽ dẫn đến sự không thống nhất trong triển khai thực hiện. “Vì vậy, cần quy định rõ tỷ lệ cụ thể để bảo đảm tính rõ ràng trong văn bản pháp luật, giúp các địa phương triển khai một cách nhất quán, đồng bộ”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, dự luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội. ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị nên quy định rõ tỷ lệ phần trăm đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất; đồng thời quy định không được chuyển mục đích sử dụng để bảo đảm quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nhất trí với dự án nhà ở thương mại ở các vị trí đắc địa thì không nên quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội mà nên quy ra thành tiền để Nhà nước xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực khác phù hợp hơn, để những người có thu nhập tương đồng cùng sinh sống. Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, nếu quy định "cứng" các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đều phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội cũng dễ dẫn đến tiêu cực, đầu cơ tại những khu nhà có vị trí thuận lợi, giữa trung tâm các thành phố lớn.

"Đã là nhà ở xã hội thì giá bán phải do Nhà nước duyệt"

Giá bán nhà ở xã hội cũng là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội đề nghị phải làm rõ hơn trong dự thảo Luật. Theo quy định, nhà ở xã hội có hai loại, gồm: nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư và nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, từ nguồn vốn xã hội hóa. Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì dự thảo Luật cần ghi rõ UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, đồng thời UBND tỉnh chịu trách nhiệm quy định giá bán và giá thuê vì đất làm nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên Nhà nước đầu tư làm thì quy định giá bán cho đối tượng được mua.

Đoàn ĐBQH Điện Biên thảo luận ở tổ. Ảnh: Lâm Hiển

Với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, hiện chưa có quy định giá bán do ai duyệt. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, “đã là nhà ở xã hội thì giá bán phải do Nhà nước duyệt. Bởi doanh nghiệp đầu tư, nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức bán tối đa”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, quy định Nhà nước quyết định giá bán thì mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại. Do đó, dù là nhà ở xã hội do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều cần do Nhà nước quyết định giá theo hướng: nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội.

Cùng quan điểm, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, các chính sách về nhà ở xã hội cần quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn để dễ thực thi... Với các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế, đại biểu đề nghị dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội với mục đích phi lợi nhuận, thậm chí có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để bảo đảm chỗ ở cho công nhân, người lao động.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/go-nut-that-phat-trien-nha-o-xa-hoi-i331428/