Gỡ nút thắt đồng vốn đầu tư công bị 'giam lỏng'

Có một nghịch lý đang diễn ra, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, buộc chúng ta phải đi vay thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư (vốn viện trợ, vốn vay ưu đãi ODA…), song khi tiền đã về thì tiến độ giải ngân lại rất chậm. Đồng vốn vay bị 'giam lỏng', giải ngân được rất ít, song chúng ta đã phải chi tiền để trả nợ các khoản vay.

Từ những số liệu điển hình…

Trong báo cáo về tình hình giải ngân chi xây dựng cơ bản nguồn vốn nước ngoài của Bộ Tài chính (giải ngân lũy kế tính đến ngày 15/10/2019) thì tiến độ giải ngân đang rất chậm. Cụ thể, theo kế hoạch, năm 2019 sẽ giải ngân xây dựng cơ bản nguồn vốn nước ngoài là trên 45.000 tỷ đồng thì giải ngân lũy kế đến ngày 15/10 mới đạt trên 8.500 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 2 bộ Quốc phòng và Công an giải ngân đạt kế hoạch. Còn lại các bộ, ngành, tỉnh, thành tiến độ giải ngân đều rất chậm.

Giao thông là một trong những ngành giải ngân nguồn vốn chậm (ảnh minh họa VNE)

Giao thông là một trong những ngành giải ngân nguồn vốn chậm (ảnh minh họa VNE)

Ngay như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch cả năm trên 2.360 tỷ đồng, đến ngày 15/10 mới giải ngân được khoảng 714 tỷ đồng; Bộ Giao thông - Vận tải kế hoạch năm gần 8.000 tỷ đồng, đến ngày 15/10 cũng chỉ giải ngân được gần 2.400 tỷ đồng; Bộ Y tế kế hoạch năm là 1.900 tỷ đồng, nhưng đến ngày 15/10 mới giải ngân được trên 265 tỷ đồng… Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội, kế hoạch cả năm 29 tỷ đồng, đến ngày 15/10 chưa giải ngân được một đồng nào; Ngân hàng Chính sách xã hội, kế hoạch giải ngân được giao là 1.200 tỷ đồng, nhưng đến ngày 15/10 cũng vậy.

Bộ, ngành giải ngân chậm, các địa phương tiến độ giải ngân cũng rất chậm, cả 63/63 tỉnh, thành tiến độ giải ngân đểu không đạt. Thậm chí, một số tỉnh như Lạng Sơn, Điện Biên, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang đến ngày 15/10 tiến độ giải ngân đạt 0%!

... Đến quyết tâm của chính phủ

Để chấn chỉnh tiến độ giải ngân nguồn vốn quá chậm, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, nhằm nâng cao năng lực hấp thu vốn trong nền kinh tế, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01 của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019. Trong đó, Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện các quy định về quản lý đầu tư công tại các Nghị định của Chính phủ; Bộ Tài chính: Tiếp tục rà soát thủ tục giải ngân nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công năm 2019. Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 đối với các chương trình, dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đảm bảo thông tin, số liệu giải ngân đầy đủ, kịp thời, chính xác. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2019 tình hình thực hiện Luật Quản lý nợ công và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Giao Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình, thẩm tra, cấp giấy phép... theo hướng đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục, lồng ghép các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật, thẩm định cấp phép xây dựng.

Hiện nay trong công tác giải ngân vẫn còn một số bất cập, trong khi nhiều công trình thiếu vốn để hoàn thiện, thì lại có không ít công trình không giải ngân hết kế hoạch vốn. Điều này cho thấy lập kế hoạch không sát, không theo dõi, tổng hợp sát sao để điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đặc biệt, lãng phí khi vốn ODA không giải ngân được, không dùng nhưng vẫn phải trả phí cam kết.

Trích phát biểu của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) tại thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 từ dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao sang cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cạnh đó, đồng ý ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đảm bảo không vượt tổng mức kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cấp phát năm 2019 đã giao, không điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 của dự án có cơ chế giải ngân theo phương thức dự án (ghi thu - ghi chi) sang dự án có cơ chế giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước…

Cần xem xét lại các thủ tục

Khi bàn về vấn đề đầu tư, giải ngân nguồn vốn tại các hội nghị, hội thảo nhiều doanh nghiệp thẳng thắn chỉ rõ: Cùng đầu tư vào một lĩnh vực, song nếu là doanh nghiệp tư nhân làm thì chỉ mất 2-3 năm tiến độ dự án đã xong. Còn nếu các đơn vị nhà nước, chỉ khâu “đi lo” thủ tục cũng đã mất 2-3 năm. Bởi vậy, một số nhà đầu tư đưa ra kết luận, ngoài yếu tố huy động nguồn vốn, nguyên nhân chính vẫn là “rừng” thủ tục.

Còn nếu đầu tư bằng nguồn ngân sách thì vấn đề thủ tục còn vướng hơn nhiều. Chủ dự án của một cơ quan nhà nước từng phàn nàn: Văn bản, giấy tờ đủ cả, song khi bắt đầu tiến hành thì vướng đủ thứ. Đến cửa bộ nọ, ngành kia xem xong, duyệt ký chuyển bộ, ngành khác xem xét. Cầm văn bản đến bộ, ngành được đề nghị xem xét thì được trả lời nào giấy tờ chưa đủ, rồi chưa đủ thầm quyền, đề nghị đi tiếp… cứ thế vòng đi, chờ phê duyệt đã mất thời gian khá lâu. Bởi vậy, mấu chốt đặt ra cùng với việc ban hành Nghị quyết số 94, Chính phủ phải nhanh chóng rà soát tổng thể về việc những văn bản nào, khâu nào đang làm cản trở quá trình đầu tư và giải ngân nguồn vốn; đồng thời giải cho bằng được “căn bệnh sợ trách nhiệm” để quá trình thẩm định đầu tư, giải ngân nguồn vốn được thông thoáng và nhanh.

Chúng ta đi vay phải trả nợ, tiền thuế của dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng cho ngân sách không có lý do gì lại bị “giam lỏng”, trong khi cả nền kinh tế đang khát vốn!

H. Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/go-nut-that-dong-von-dau-tu-cong-bi-giam-long-98920.html