Gỡ nút thắt để hình thành thị trường mua bán nợ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan và tổ chức, doanh nghiệp (DN) cho dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Qua đó, đề xuất DATC được mở rộng phạm vi đối tượng hoạt động, bổ sung một số chức năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN này, góp phần thúc đẩy thị trường mua bán nợ còn sơ khai.

DATC đã và đang tiến hành cơ cấu nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại các ngân hàng.

“Chiếc áo” quá chật

Theo Bộ Tài chính, sau 14 năm đi vào hoạt động, DATC đã tích cực tham gia, xử lý khoảng 32 nghìn tỷ đồng nợ trong nước và quốc tế, thông qua việc phát hành trái phiếu, hối phiếu cơ cấu lại nợ. Đã tiếp nhận và chuyển đổi sở hữu của gần 2.700 DN, với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tiếp nhận hơn 4.425 tỷ đồng; tái cơ cấu 173 DN, giảm bớt áp lực về tài chính, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động và ngân sách cho Nhà nước. Gần đây, DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tuy nhiên, DATC hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ do các quy định của pháp luật liên tục được điều chỉnh, bổ sung khiến các hoạt động liên quan mua bán nợ và thoái vốn... bị lạc hậu so thực tế. Trong khi đó, lĩnh vực mua bán nợ đặc thù, khối lượng cũng như trị giá của các DN nằm trong diện phải xử lý nợ, tái cơ cấu ngày càng tăng. Kể từ khi thành lập đến nay, văn bản pháp lý cao nhất về cơ chế hoạt động của DATC mới dừng ở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg) và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Do hoạt động của DATC liên quan nhiều văn bản pháp luật cấp cao và ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho nên việc hướng dẫn cơ chế hoạt động của Bộ Tài chính rất hạn chế vì liên quan vấn đề thẩm quyền quy định.

Một năm sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, hoạt động mua bán nợ đã sôi động hơn. Cả nước hiện có gần 35 DN mua bán nợ, nhưng đến nay, “sứ mệnh” chủ yếu vẫn là ở DATC và Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC, thành lập năm 2013). Trong đó, VAMC bên cạnh việc tập trung sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua bán nợ, giúp các ngân hàng làm sạch tạm thời bảng cân đối kế toán thì việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường còn hạn chế và chỉ giới hạn trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Còn DATC là DN đã hoạt động tương đối thuần thục và thành công ở mô hình tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu trong và ngoài hệ thống các TCTD). Nhưng sự thay đổi dần về phạm vi hỗ trợ của DATC cùng với nhu cầu xử lý nợ xấu ngày càng nhiều và cấp bách đang đòi hỏi phải có những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý đủ mạnh, dưới hình thức văn bản cao hơn để DATC có thể hoạt động hiệu quả và tránh rủi ro về mặt pháp lý.

Tăng vốn, tăng thẩm quyền

Để tháo gỡ, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung cho DATC quyền cung cấp hỗ trợ tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng cho các DN được DATC tham gia tái cơ cấu. Thực tiễn cho thấy, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu DN mới là giải pháp xử lý triệt để nợ xấu. Hầu hết DN do DATC hỗ trợ, xử lý tài chính và tham gia tái cơ cấu đều khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể vay vốn lưu động ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Nếu được DATC cung cấp tài chính, bảo lãnh vay vốn tín dụng sẽ tạo điều kiện để DN quay lại sản xuất, kinh doanh, vực dậy hoạt động của DN.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, có ý kiến lo ngại như vậy sẽ gây chồng chéo và ảnh hưởng hoạt động hiện nay của các ngân hàng và VAMC. Giải trình vấn đề khúc mắc này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ như nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Còn hoạt động hỗ trợ tài chính của DATC không diễn ra thường xuyên; DATC dùng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ DN, không huy động vốn để thực hiện cho vay. Như vậy, việc hỗ trợ tài chính cho DN được DATC tham gia tái cơ cấu không phải là hoạt động cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định các điều khoản ràng buộc khác đối với DATC. Cụ thể: khi bơm vốn, DATC phải nghiên cứu kỹ để có phương án cụ thể cho từng DN, bảo đảm đáp ứng những điều kiện đặt ra. Ba nguyên tắc để được bơm vốn là: cung cấp tài chính phải gắn với phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; DATC quyết định và chịu trách nhiệm về việc bơm vốn cho DN tái cơ cấu, bảo đảm thu hồi vốn và có hiệu quả kinh tế. Không bơm vốn cho các DN tái cơ cấu đã có kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư của DATC. Việc cung cấp tài chính phải gắn với thu hồi nợ hiệu quả, DN không được sử dụng khoản cung cấp tài chính đó để trả nợ cho chính DATC. Thực tế với các DN tái cơ cấu, DATC phải cử cán bộ tham gia hoạt động quản trị, điều hành tại DN, thậm chí là giữ các vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát tại DN nên hiểu rõ và có cơ sở thực hiện hỗ trợ tài chính cho DN.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico đánh giá: Đề xuất cho DATC bơm vốn, bảo lãnh phục hồi cho các DN được DATC xử lý là hoàn toàn bình thường, có tác dụng hỗ trợ nghiệp vụ chính của DATC. Hơn nữa, các DN sau khi được DATC tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp nếu đạt tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ sẽ được coi là công ty con của DATC nên việc DATC bảo lãnh vay vốn là phù hợp với quy định của Luật DN.

Cùng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định: Có nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, như bán tài sản bảo đảm, chuyển nợ thành vốn góp, bơm vốn cho DN tái cơ cấu giúp DN vượt qua khó khăn, hồi phục “sức khỏe”, hoạt động trở lại để có nguồn trả nợ. Việc trao quyền hỗ trợ tài chính, bảo lãnh cho DATC là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho DN này hoạt động hiệu quả hơn và không chồng chéo với VAMC. Vì VAMC chỉ có chức năng xử lý nợ xấu của các TCTD, còn DATC hướng đến chủ yếu là các DN nhà nước và quy mô rộng hơn. “Tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ xấu là rất lớn. Việc tăng thẩm quyền cho DATC có chức năng giống như VAMC sẽ giúp hai DN này bổ trợ cho nhau, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Cùng với việc tháo nút thắt về hành lang pháp lý, Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cần mở rộng quy mô, phạm vi và nguồn lực tài chính để DATC hoạt động hiệu quả hơn. Bởi muốn “mua đứt bán đoạn” nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”, DATC phải huy động thêm vốn từ bên ngoài mới đủ tiềm lực. Ít nhất, cần nâng vốn điều lệ của DATC lên mức 10.000 tỷ đồng, nếu thấp hơn, bài toán huy động vốn của DATC sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu phát sinh hằng năm vào khoảng từ 1,3 đến 1,5% trên tổng dư nợ cho vay. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân dự kiến là 16%, nợ xấu phát sinh trong 5 năm (2017 - 2022) sẽ vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Ước tính, với mục tiêu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng số nợ xấu phải xử lý trong 5 năm tới xấp xỉ 640 nghìn tỷ đồng, tức bình quân mỗi năm khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính

BÍCH NGÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38068702-go-nut-that-de-hinh-thanh-thi-truong-mua-ban-no.html