Gỡ 'nút thắt' để các tỉnh miền Trung 'cất cánh'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các đại biểu phát biểu tại hội nghị không cần nêu thành tựu, thực trạng... mà cần tập trung đề xuất các giải pháp, ý tưởng...

Đây cũng chính là mong muốn của người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra sáng ngày 20/8 tại tỉnh Bình Định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định tổ chức.

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại diện, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, miền Trung như cốt xương sống con người, nhân dân gọi là khúc ruột miền Trung... Hay nói ví von miền Trung như chiếc đòn gánh trên vai, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh sẽ gãy, ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế cả nước. Vì vậy, phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh thành. "Qua hội nghị lần này, tôi mong muốn các bộ ngành cần thẳng thắn chỉ ra "nút thắt" từ bộ ngành mình, các địa phương miền Trung, để tìm ra giải pháp phát triển sát thực hơn, cụ thể hơn" – Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi mở một số góc nhìn để các đại biểu thảo luận như hiện miền Trung có 14 tỉnh thành, trong những năm qua phát triển khá nhanh, đạt quy mô 1 triệu tỉ đồng, chiếm tỉ trọng GDP thấp so với cả nước, nhưng nhìn vào tiềm năng cần đưa con số này cao hơn nữa.

Thủ tướng nêu rõ, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, miền Trung có 14 tỉnh thành nhưng chỉ chiếm chưa được 20% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng như bãi biển, di sản nhưng doanh thu chưa được 20% cả nước... Về dân số, 14 tỉnh thành miền Trung có trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là một tài sản rất quan trọng, cần phải làm sao để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, làm sao thu hút được những người tài giỏi đến đây để làm việc...

Thủ tướng và các phó Thfủ tướng cùng các bộ ngành chức năng tại Hội Nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các đại biểu phát biểu tại hội nghị không cần nêu thành tựu, thực trạng... mà cần tập trung đề xuất các giải pháp, ý tưởng có thể triển khai ngay bây giờ hoặc năm 2020. "Một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh mới chữa được bệnh, cũng như miền Trung cần phải tìm ra đâu là "căn bệnh" để có giải pháp tháo gỡ... Tôi mong các đại biểu đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp ý kiến để tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những "điểm nghẽn", có những cách làm mới, đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để vùng phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững và thực hiện thành công chiến lược biển về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sở hữu mặt tiền ra biển Đông với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhiều năm trở lại đây, khu vực miền Trung có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh và đồng bộ, với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không thông suốt, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế...

Toàn cảnh Hội Nghị

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh trong vùng tiếp tục được hoàn thiện; phát triển kinh tế biển được quan tâm, chú trọng; kết cấu hạ tầng, liên vùng được quan tâm, tập trung đầu tư.

Ngoài ra, các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và xóa đói giảm nghèo đều được chú trọng. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội biển đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được duy trì. Việc phát triển liên kết vùng được quan tâm triển khai và đạt kết quả bước đầu.

Bộ trưởng chỉ ra rằng, quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có.

Một số hành lang kinh tế như Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông - Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ. Xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp, chỉ chiếm 4,76% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế vùng; thu ngân sách chưa bền vững; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Bên cạnh đó, nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn và hạn hán ngày càng rõ rệt; thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng còn thấp, chủ yếu dự án vừa và nhỏ; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Bên cạnh đó, còn thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí cạnh tranh lẫn nhau; công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế...” - Bộ trưởng cho biết..

Phạm Trọng Nghị

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/go-nut-that-de-cac-tinh-mien-trung-cat-canh-d80038.html