Gỡ 'nút thắt' cho hai dự án điểm ở TP Điện Biên Phủ

Hai dự án điểm, gồm tuyến đường rộng 60 m và dự án hạ tầng kỹ thuật khung được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá, đem lại diện mạo mới cho TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Tuy nhiên, hiện tại cả hai dự án đều đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho nên tiến độ triển khai hết sức ì ạch. Ngay cả chủ đầu tư dự án là UBND thành phố Điện Biên Phủ cũng không thể biết khi nào hai dự án mới hoàn thành.

Hai dự án điểm, gồm tuyến đường rộng 60 m và dự án hạ tầng kỹ thuật khung được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá, đem lại diện mạo mới cho TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Tuy nhiên, hiện tại cả hai dự án đều đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù, hỗ trợ tái định cư (TĐC) cho nên tiến độ triển khai hết sức ì ạch. Ngay cả chủ đầu tư dự án là UBND thành phố Điện Biên Phủ cũng không thể biết khi nào hai dự án mới hoàn thành.

Tiến độ “rùa bò”

Dự án tuyến đường 60 m được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt ngày 4-12-2015 với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, song đến thời điểm này (tháng 2-2020), tất cả các phần việc của dự án đều chậm tiến độ. Trong đó, công tác GPMB mới đạt 83,5%; triển khai thi công đạt 57%; giá trị khối lượng hoàn thành đạt 71,6%; giao đất TĐC mới được 78 trường hợp, trong khi còn 83 trường hợp chưa giao. Còn dự án hạ tầng kỹ thuật khung dọc tuyến đường 60 m được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt giữa tháng 2-2017, quy mô diện tích gần 17 ha, tổng mức đầu tư hơn 279 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục san nền các lô đất; đường giao thông; hệ thống thoát nước mặt, nước thải; hệ thống cấp điện, biển báo,... Như mục tiêu đặt ra, khi dự án đường 60 m và hạ tầng kỹ thuật khung hoàn thành, sẽ hình thành một khu đa chức năng, khu trung tâm hành chính mới, kết nối khu TĐC Noong Bua với khu vực trung tâm thành phố, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo ra quỹ đất thương mại dịch vụ, thực hiện đấu giá đất hình thành nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình công cộng khác. Nguồn vốn hình thành này sẽ được sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch TP Điện Biên Phủ đã được phê duyệt và tạo khu đô thị mới hiện đại, văn minh, bảo đảm sự phát triển dài lâu, cùng quần thể khu di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ đã và đang được bảo tồn, tôn tạo.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, dự án hạ tầng kỹ thuật khung đang gặp quá nhiều vướng mắc mà cơ bản nhất là công tác GPMB. Theo báo cáo mới nhất của TP Điện Biên Phủ, trong số 339 hộ có đất bị ảnh hưởng, vẫn còn 82 hộ chưa đồng ý thực hiện đền bù GPMB. Trong đó, 31 hộ chưa đồng thuận cho đo đạc, kiểm đếm; 51 hộ chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng dù đã được chủ đầu tư phê duyệt phương án bồi thường. Do vướng GPMB đã kéo theo tiến độ các phần việc khác của dự án đều chậm theo, việc thi công xây lắp mới đạt 31,6%, hai điểm TĐC số 1 và 2 trong số bốn điểm được sắp xếp TĐC đến nay vẫn chưa thi công hoặc thi công “nhỏ giọt”. Thừa nhận tiến độ “rùa bò” của hai dự án, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Đức Đuyện cho rằng, có thời điểm, các cơ quan chức năng đã thực hiện chưa tốt việc tuyên truyền và tiến hành các bước triển khai thiếu đồng bộ nên đã phần nào ảnh hưởng tâm lý của một số người dân trong vùng dự án. Cũng bởi vì thế, đơn thư khiếu nại, kiến nghị liên quan bồi thường, GPMB từ việc thực hiện hai dự án điểm nêu trên lên tới gần 200 đơn, chính quyền TP Điện Biên Phủ đã phải tổ chức hàng trăm cuộc họp, đối thoại với nhân dân về các vấn đề liên quan mà lòng dân vẫn chưa thuận, chưa thể giải quyết triệt để.

Minh bạch và hài hòa lợi ích

Ngày 6-2 vừa qua, Tỉnh ủy Điện Biên đã phải trực tiếp tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng của hai dự án. Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Đuyện đã giải đáp nhiều kiến nghị của người dân liên quan năm nhóm nội dung, gồm: Không đồng ý thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung; đề nghị thỏa thuận về bồi thường với chủ đầu tư; kiến nghị giao đất, giao thêm đất,... Ông Nguyễn Đức Đuyện khẳng định: Dự án đường 60 m được áp dụng chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 02/2007/QĐ-TTg ngày 9-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC dự án Thủy điện Sơn La và các văn bản khác có liên quan là chính xác và ưu việt, được áp dụng chính sách đối trừ tiền sử dụng đất giữa nơi đi với nơi đến, được hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi,… Với dự án hạ tầng kỹ thuật khung, ngoài áp dụng quy định bồi thường của Luật Đất đai năm 2013, các gia đình bị thu hồi đất còn được hưởng các khoản hỗ trợ khác như hỗ trợ đối với đất ở trong địa giới hành chính phường; được xử lý chênh lệch về giá trị đất ở nơi đi và nơi đến; được hưởng ưu đãi về bồi thường, hỗ trợ và TĐC tương đương dự án đường 60 m…

Tuy nhiên, bày tỏ ý kiến không đồng tình với trả lời của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Đuyện, nhiều người dân đại diện các gia đình được mời đối thoại đã nói: Nếu các cơ chế, chính sách đúng hết như lời Chủ tịch UBND thành phố nói thì lãnh đạo Tỉnh ủy đã không cần phải tổ chức hội nghị đối thoại và tiến độ dự án đã không chậm trễ thế này. Người dân hết sức mong muốn hai dự án được triển khai nhanh chóng, tạo diện mạo mỹ quan cho thành phố, để người dân chúng tôi cũng được hưởng lợi nhưng vấn đề là cần giải quyết thấu đáo, công bằng, hài hòa quyền lợi cho nhân dân. Ông Nguyễn Đức Nghinh, tổ dân phố 17, phường Him Lam nêu: Chúng tôi kiến nghị chính quyền phải làm công bằng và công khai để nhân dân giám sát, đồng thuận, tránh tình trạng người dân ở đây đã mấy chục năm nhưng không làm được giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trong khi một số người có chức quyền hoặc quan hệ, mới về phố 18 nhưng đã làm được giấy một cách dễ dàng. Người dân cũng kiến nghị tỉnh Điện Biên thanh tra lại toàn bộ các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hai dự án, cùng với đó tiến hành đánh giá, sàng lọc lại cán bộ trên hai phương diện là năng lực và đạo đức rồi công khai cụ thể cho người dân biết, như thế người dân sẽ tin tưởng và tâm phục khẩu phục. Kiến nghị về đơn giá bồi thường đất nông nghiệp khi thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung, bà Trịnh Thị Tỵ, ở tổ dân phố 18, phường Him Lam, cho biết: Chúng tôi ủng hộ triển khai hai dự án cho nên khi cơ quan chức năng thông báo thu hồi hơn 3.300 m2 đất, đền bù 58 nghìn đồng/m2 gia đình tôi vẫn chấp thuận. Tuy nhiên, đến bây giờ chính quyền lại thông báo thu hồi tiếp để lấy đất đấu giá, làm thương mại mà giá đền bù như thế thì không tương xứng với công sức chúng tôi khai hoang, vỡ đất mấy chục năm qua. Cùng tổ 18 với bà Tỵ, nhiều gia đình như ông Nguyễn Khắc Nhụ, bà Nguyễn Thị Tám, ông Nguyễn Văn Thâu,… đều không đồng thuận với đơn giá đền bù và giải quyết TĐC của chính quyền.

Tìm hiểu thực tế đời sống, tâm tư của các gia đình có đất phải thu hồi thuộc hai dự án, chúng tôi thấy rằng phần lớn kiến nghị đều của các gia đình làm nông nghiệp đơn thuần, đời sống thuộc diện khó khăn, thiếu thốn. Mấy chục năm nay, những người dân này làm nông nghiệp trên diện tích ruộng đất khá ít ỏi, cuộc sống đắp đổi qua ngày. Đến nay, hai dự án triển khai, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, buộc phải chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhiều người chuyển đổi rất khó khăn. Thêm vào đó, thời gian thực hiện dự án đường 60 m kéo dài đã gây xáo trộn không nhỏ đến đời sống nhân dân. Họ không được làm nhà, không được chia tách đất cho con cái khi đến tuổi trưởng thành, không được tách khẩu, không được làm các thủ tục tặng, cho, mua bán cho dù con cái họ đã lập gia đình,… cho nên việc thực hiện cấp đất TĐC và giao đất có thu tiền cho các trường hợp bị ảnh hưởng còn rất nhiều thiệt thòi, bất cập. Để bảo đảm hài hòa cuộc sống, quyền lợi của người dân trong phạm vi dự án, chúng tôi cho rằng UBND thành phố Điện Biên Phủ cần chủ động rà soát các hộ dân bị ảnh hưởng do dự án kéo dài, những trường hợp đặc thù để kiến nghị UBND tỉnh Điện Biên xem xét, bổ sung cơ chế hỗ trợ, cấp đất. Cần đặt mình vào vị thế của người dân để giải quyết hợp tình, hợp lý, có như vậy mới mong sớm tháo gỡ “nút thắt” cho hai dự án điểm hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và chính quyền địa phương.

Bài và ảnh : LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43352902-go-%E2%80%9Cnut-that%E2%80%9D-cho-hai-du-an-diem-o-tp-dien-bien-phu.html