Gỡ 'nút thắt' cho dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội

Tàu đã nhận đủ, đoạn đường sắt trên cao đã hoàn thành 96% khối lượng, nhưng đến nay tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội vẫn rất ì ạch. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt hơn, dự án trọng điểm này sẽ tiếp tục chậm và bị đội vốn.

Chạy thử nghiệm liên động các đoàn tàu dọc tuyến đường trên cao dài 8,5km từ Depot Nhổn đến Ga S8. (Ảnh MINH HÀ)

Chạy thử nghiệm liên động các đoàn tàu dọc tuyến đường trên cao dài 8,5km từ Depot Nhổn đến Ga S8. (Ảnh MINH HÀ)

Một phần nguyên nhân chính khiến dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội chậm trễ là do gói thầu CP05 bao gồm việc xây dựng các công trình kiến trúc khu Depot Nhổn, có tính chất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì đang bị chậm đến sáu tháng. Trong hai năm qua, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) là nhà thầu phụ trách xây dựng gói thầu này đã gần như ngừng huy động nhân lực thi công trên công trường do những vấn đề hợp đồng.

Tiến độ gói thầu CP05 đã không bảo đảm các mốc tiến độ quan trọng so với kế hoạch đưa ra trong lần điều chỉnh gần nhất của dự án. Cụ thể, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đặt ra mốc số 4 về đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện - MEPF, phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 15/11/2021. Mốc bàn giao cho các gói thầu cơ điện là ngày 1/6/2022; đóng điện hạ thế Depot chậm nhất vào ngày 30/6/2022.

Đến nay, nhà thầu đều bỏ lỡ các mốc này. Khu Depot chậm hoàn thành sẽ kéo theo việc lắp đặt hệ thống ray, điện, máy móc vận hành, bảo trì tàu chưa thể lắp đặt vận hành. Muốn đưa đoạn tuyến trên cao vào khai thác nhất thiết phải hoàn thành các hạng mục của Depot.

Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, việc chậm trễ có nguyên nhân chính do nhà thầu thiếu quyết liệt trong triển khai thi công. Mặc dù UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đôn đốc quyết liệt, nhưng tiến độ chuyển biến không đáng kể. Việc chậm trễ của Hancorp đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của đoạn trên cao và kéo theo sự chậm trễ kéo dài của các gói thầu cơ điện CP06, CP07, CP08, gây thiệt hại toàn diện cho dự án.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xác nhận có việc tăng chi phí do trượt giá theo thời gian và việc này ảnh hưởng đến toàn bộ các gói thầu của dự án chứ không chỉ riêng CP05. Từ năm 2017, sau khi có sự điều chỉnh, xác định tách dự án thành hai giai đoạn, đưa vào vận hành trước đoạn trên cao, chủ đầu tư và các nhà thầu khác đã rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Nhưng Hancorp lại chưa nỗ lực tối đa để hoàn thành gói thầu của mình. Các nhà tài trợ vốn, tư vấn cũng cho rằng, gói thầu CP05 đang tiến triển rất chậm, nguyên nhân lớn là từ phía nhà thầu. Để giảm sự ảnh hưởng và lệ thuộc vào tiến độ CP05, UBND thành phố đã phải cho phép chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu xây dựng chi tiết một phương án B, nhằm khắc phục bất cập, bảo đảm mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Một vướng mắc nữa dự án này đang gặp phải là khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng, nhất là vướng mắc về khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường hỗ trợ cho các tòa nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ một đến sáu năm. Tháng 11/2019, dự án tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình nhà tại địa chỉ số 431 phố Kim Mã, quận Ba Đình, gần ga S9, bị nứt và hư hỏng.

Bà Bích cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9. Theo ghi nhận thực tế, nhà bà Bích xuất hiện các vết nứt tại cột và tường, tại khu vực vết nứt có hiện tượng thấm nước, ẩm thấp. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã yêu cầu liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella (HGU) cùng các đơn vị liên quan tăng cường quan trắc, kiểm tra thực tế để tìm ra nguyên nhân.

Ngày 26/1/2022, liên danh nhà thầu gửi báo cáo đánh giá mức độ hư hại và lập khối lượng khắc phục tổn thất cho công trình nhà bà Bích, báo cáo đánh giá do tư vấn kiểm định CTC-Incok thực hiện. Trong báo cáo này có xác định một phần nguyên nhân tòa nhà xuống cấp do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9. Tư vấn kiểm định cũng kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và nhà thầu phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới, tương đương gần 530 triệu đồng, hỗ trợ hơn 55 triệu đồng chi phí tạm cư. Phía nhà bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù mà tư vấn kiểm định đề xuất là 32,55% giá trị dự toán xây mới, nhưng lại không đồng ý giá trị dự toán xây dựng (gần 530 triệu đồng) vì cho rằng thấp hơn giá thị trường.

Một trường hợp khác ở số 15, ngõ 51, phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, nằm gần khu vực thi công nhà ga S11 cũng phải mất rất nhiều thời gian giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

“Do các hộ gia đình vẫn chưa thấy thỏa mãn, nên Ban đề nghị chính quyền địa phương cùng người dân mời đơn vị chuyên môn độc lập vào kiểm tra, đánh giá để xác định nguyên nhân, nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan. Nếu đơn vị độc lập kết luận nguyên nhân đến từ dự án, Ban sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ cũng như thuê đánh giá”, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết.

Những vướng mắc này, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, không thể không nói đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Do đó, dự án rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng để bảo đảm mục tiêu đưa vào khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-nut-that-cho-du-an-duong-sat-do-thi-nhon-ga-ha-noi-post712196.html