Gỡ lực cản trong sản xuất nông nghiệp

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam phải lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Vậy làm sao để vượt qua được các lực cản, để nông nghiệp có thể cất cánh? PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính đã dành cho PV ĐĐK một cuộc trao đổi.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, để ngành nông nghiệp có thể phát triển cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc về đất đai tạo điều kiện về tích tụ đất đai thu hút doanh nghiệp đầu tư hướng tới sản xuất hàng hóa lớn. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa thể thực hiện, vậy theo ông vướng mắc lớn nhất là do đâu?

PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Đây là việc lâu nay chúng ta đã làm, đó là dồn điền đổi thửa để doanh nghiệp có thể cơ giới hóa, áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, một mô hình nữa mà chúng ta mong muốn và hy vọng đó là mô hình thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đây là cách hướng đến vừa có mảnh đất đủ lớn để sản xuất nhưng không làm mất đi quyền sở hữu của các thành viên trong đó. Từ đó đảm bảo thu nhập và quyền lợi của người nông dân gắn liền với tiến bộ khoa học công nghệ để họ được hưởng thu nhập cao.

Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã lại có điểm yếu là phải có tính quyết định của các thành viên trong hợp tác xã chứ không chỉ có mỗi ban chủ nhiệm. Ở những nơi người đứng đầu hợp tác xã có tinh thần trách nhiệm, có khả năng thuyết phục, vận động thì nơi đó thành công, còn không thì ngược lại.

Thưa ông chúng ta cũng nói nhiều đến cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhưng thực tế rất ít nơi có sự liên kết?

- Liên doanh liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, ngân hàng, hoặc nhà đầu tư là mô hình ở các quốc gia đã ứng dụng tốt và hiện nay ở Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân hàng đã liên kết với địa phương, hợp tác xã, hoặc với đa số các hộ nông dân để từ đó có được chuỗi sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa.

Đây chính là mô hình khép kín, người nông dân là chủ sở hữu đất đai còn doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất, chế biến, và đưa ra thị trường để tiêu thụ, xuất khẩu. Mô hình này là mới và có hiệu quả, nhưng quan trọng nhất chính là việc “ăn chia” giữa các chủ thể phải được xem xét cẩn trọng để vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người nông dân, nhưng cũng đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp chế biến.

Lâu nay việc kết hợp không thành công là do chữ “tín” của doanh nghiệp với người nông dân; và chữ “tín” của nông dân với doanh nghiệp. Việc ăn chia lợi ích thế nào, xác định ra sao, thì phải công khai minh bạch, rõ ràng và đi đôi với nhau thì hợp tác mới bền vững.

Từ giá trị các mặt hàng mà chúng ta xuất khẩu trong thời gian qua, ông có nghĩ chúng ta cần chuyển đổi mô hình sản xuất?

- Thời gian qua việc đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản, rau củ quả là điều cực kỳ quan trọng. Từ xuất khẩu lương thực, thực phẩm chủ yếu lúa gạo là chính thì bây giờ chúng ta đang chuyển qua xuất khẩu hoa quả, rau củ quả. Bước đầu xuất khẩu sang một số thị trường khó tính và chất lượng sản phẩm hiện đang dần dần được nâng lên. Chúng ta đã thu được hơn 40 tỷ USD xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu tổ chức công nghiệp hóa và sản xuất được các loại giống rau củ quả, nông lâm thủy sản đại trà hơn, chế biến sâu hơn thì mong muốn sản xuất nông nghiệp phát triển là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay. Điều này còn tạo ra một bước đột phá bởi vì hiện vẫn có 60-70% người dân sống với nông nghiệp nông thôn với năng suất thấp, thu nhập thấp.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/go-luc-can-trong-san-xuat-nong-nghiep-tintuc426995