Gỡ khó trong thi hành án tín dụng, ngân hàng

Đặc điểm nổi bật của án tín dụng, ngân hàng là có tài sản để đảm bảo cho các nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, việc xử lý loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thực tế cho thấy cơ quan THADS khi xử lý tài sản bảo đảm thì nhiều trường hợp không thu đủ số tiền phải thi hành án, mặt khác, việc xử lý tài sản bảo đảm rất khó khăn, phức tạp. Cụ thể: khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản, truy tìm tài sản là động sản; chi phí xác minh tài sản lớn. Khó khăn trong việc xác định thứ tự xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba thế chấp tài sản của mình để bảo đảm các khoản vay của người phải thi hành án. Khó khăn trong việc thẩm định giá đối với một số tài sản đặc thù (tài sản ít lưu thông trên thị trường như dây chuyển sản xuất loại hàng chuyên dùng…); đối với các quyền tài sản.

Một số trường hợp người phải thi hành án chống đối, không hợp tác, cản trở tổ chức thẩm định thực hiện việc xác định giá, giao tài sản và hoàn thiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua trúng đấu giá. Ngoài ra, cơ quan THADS còn gặp khó khăn trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Tòa án…

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân do sự bất cập trong các quy định pháp luật; người phải thi hành án chống đối cản trở việc thi hành án; bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ ràng; sự thiếu tinh thần trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay và quản lý tài sản bảo đảm; sự phối hợp và hợp tác của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành án....

Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên cần nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về THADS cùng các quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực liên quan như: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật giá… Kiến nghị các cơ quan liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội; hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng để thống nhất trong xét xử và thi hành án.

Các cơ quan THADS địa phương cần tăng cường công tác rà soát, phân loại các vụ việc thi hành án; tập trung chỉ đạo điểm một số bản án có giá trị thi hành lớn, các vụ việc mà tài sản bảo đảm ở nhiều nơi. Thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Cục THADS tỉnh/thành phố và các tổ chức tín dụng ngân hàng. Kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Ban chỉ đạo THADS các cấp đối với những khó khăn, vướng mắc mà cần có sự tham gia giải quyết của các cơ quan hữu quan.

Đối với Chấp hành viên, trước khi kê biên, xử lý tài sản của người thứ ba thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho người phải thi hành án, cần làm việc với chính quyền địa phương, tổ trưởng dân phố để tuyên truyền, giải thích rõ nghĩa vụ thi hành án của người thứ ba để chính quyền nắm được thông tin, có sự chia sẻ và hỗ trợ cơ quan THADS trong quá trình kê biên, xử lý tài sản. Đồng thời, Chấp hành viên phải xác định rõ các khoản thuế, phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và trách nhiệm nộp cũng như khả năng nộp (đối với trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp), các loại thuế, phí khác mà người phải thi hành án còn nợ (nếu có) … trên cơ sở đó thông báo công khai để người có nhu cầu đăng ký mua tài sản biết, cân nhắc trước khi quyết định.

Cùng với đó, Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp Lãnh đạo Tổng cục THADS chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục THADS, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Chính phủ liên quan đến công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để có biện pháp thi hành dứt điểm các vụ việc tồn đọng hoặc các vụ việc có điều kiện thi hành, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.

Phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiếp tục triển khai việc thực hiện có hiệu quả Quy chế số 01, Nghị quyết số 42; phối hợp tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thi hành án tín dụng, ngân hàng; phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan THADS, các tổ chức tín dụng thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng.

Hồng Lê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/go-kho-trong-thi-hanh-an-tin-dung-ngan-hang-583825.html