Gỡ khó trong giải phóng mặt bằng

Hiện nay khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn do các tồn tại phát sinh dẫn tới nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ, chưa tạo ra động lực phát triển KT-XH. Tuy vậy, việc gỡ khó trong khâu GPMB đang đặt ra nhiều thách thức.

Hiện nay khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) ở Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn do các tồn tại phát sinh dẫn tới nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ, chưa tạo ra động lực phát triển KT-XH. Tuy vậy, việc gỡ khó trong khâu GPMB đang đặt ra nhiều thách thức.

Tình trạng xây dựng trái phép dẫn tới quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Lực lượng chức năng xử lý công trình xây dựng trái phép ở Liên Chiểu).

Tình trạng xây dựng trái phép dẫn tới quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: Lực lượng chức năng xử lý công trình xây dựng trái phép ở Liên Chiểu).

Làm gì với hơn 15,3 ngàn lô đất TĐC còn dư?

TP đã phê duyệt chủ trương đấu giá chuyển quyền sử dụng 100 lô đất TĐC có vị trí 2 mặt tiền hiện đang hoàn chỉnh các thủ tục để đấu giá. Trung tâm phát triển Quỹ đất TP đã cung cấp danh sách đề nghị ghép thửa 572 lô đất có vị trí ngã ba đường và lô đất liền kề gửi Viện Quy hoạch xây dựng để nghiên cứu đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng làm bãi đỗ xe thông minh hoặc dịch vụ công cộng. Trung tâm cũng đã có báo cáo đề xuất hợp thửa 1.463 lô đất TĐC còn trống thành 144 khu đất lớn phục vụ xây dựng chung cư, nhà ở xã hội, công trình phúc lợi xã hội. Hiện Trung tâm đang rà soát đề xuất khoảng 1.700 lô đất TĐC còn trống có mặt cắt đường từ 10,5m trở lên hợp thửa thành khoảng 200 lô đất lớn phục vụ xây dựng chung cư, nhà ở xã hội, công trình phúc lợi xã hội.

Vì sao đền bù giải tỏa khó?

Trong 57 dự án trọng điểm của Đà Nẵng theo cam kết hoàn thành đền bù giải tỏa trong năm 2018 nhưng đã kéo dài sang năm 2019 và tới giờ mới hoàn thành được 17 dự án với 235/783 hồ sơ. Năm 2019 có thêm 90 dự án trọng điểm, động lực hoặc các dự án hoàn thành công tác đền bù, nhưng qua 6 tháng mới hoàn thành 4/90 dự án, đạt 4,4%. Nếu tính tất cả dự án (3 nhóm) thì công tác đền bù giải tỏa hiện hoàn thành 21/208 dự án với tỷ lệ hồ sơ đạt gần 16%. Những số liệu đó cho thấy công tác GPMB, thực hiện đền bù giải tỏa khá chậm chễ. Lý giải nguyên nhân này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, phần lớn dự án dang dở kéo dài từ nhiều năm trước dẫn đến chênh lệch quá lớn về giá đất, giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, giá nhân công vật liệu xây dựng... Do vậy, hộ giải tỏa kiến nghị hỗ trợ chênh lệch giá, không chịu nhận tiền đền bù, không tự giác chấp hành bàn giao mặt bằng và khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, dẫn tới GPMB chậm trễ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định mới của Luật đầu tư công đối với dự án dang dở và nguồn vốn đền bù giải tỏa đối với các dự án mới trong năm 2019 chậm được phê duyệt bổ sung, bố trí vốn nên cũng ảnh hưởng chậm đến tiến độ GPMB dự án.

Một thực tế khác, theo ông Hùng, bộ máy nhân sự của các tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC tại các dự án trên địa bàn quận, huyện chưa ổn định, kinh phí tỷ lệ trích lại 2% không đảm bảo hoạt động cho các đơn vị, Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án điều hành còn thiếu quyết liệt, nể nang, ngại va chạm, không xử lý kịp thời những trường hợp chây ì kéo dài cần thiết phải cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định để tạo động lực mạnh mẽ trong công tác vận động. Hơn nữa, do quy hoạch không đồng bộ nên khi phê duyệt dự án chưa có đất TĐC dẫn đến người dân chưa bàn giao mặt bằng, chờ có đất TĐC.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng, hiện quỹ đất TĐC trên địa bàn TP còn hơn 15,3 ngàn lô nhưng vẫn nợ đất TĐC người dân 359 lô với các hộ giải tỏa đã bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân việc này vì quỹ đất TĐC thừa tập trung chủ yếu ở mặt tiền đường lớn, còn đường nhỏ từ 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án. Phần lớn các hộ nợ đất tập trung tại các dự án mới triển khai và do các hộ dân có nhu cầu bố trí gần khu vực giải tỏa nên sau khi giải tỏa mới thi công hạ tầng kỹ thuật và để kịp thời triển khai dự án, TP có chủ trương bố trí TĐC trên sơ đồ. “Quỹ đất TĐC nơi thừa nơi thiếu. Một số dự án không có quỹ đất gần khu vực giải tỏa nên phải bố trí tại các khu vực khác dẫn tới người dân không đồng thuận, phải liên tục điều chỉnh, bổ sung phương án”, ông Tô Văn Hùng cho hay.

Có một thực tế hiện nay là các hộ dân nằm trong diện giải tỏa thuộc diện chây ì, chưa muốn giao mặt bằng sớm, cứ đợi lãnh đạo TP hoặc Hội đồng GPMB tiếp dân để được hỗ trợ, bố trí thêm đất TĐC vượt khung ngoài phương án bố trí TĐC lúc đó mới bàn giao mặt bằng. Chưa kể, vấn đề quản lý đất đai một số địa phương qua các thời kỳ chưa chặt chẽ để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất không rõ nguồn gốc, gây nhiều khó khăn cho công tác GPMB.

Một số dự án chậm trễ vì vướng mặt bằng.

Thay đổi phương thức đền bù

Nếu trước đây phương án đền bù tập trung chủ yếu bằng đất TĐC, ngoài lô đất để ở, người dân còn nhận thêm một số lô khác để bù đắp chênh lệch giá. Tuy nhiên, hệ lụy của việc này là nhiều khu TĐC đất trống nhiều (người dân không có nhu cầu xây nhà) dẫn tới lãng phí quỹ đất, hạ tầng xuống cấp, nhiều khu TĐC manh mún, khó khớp nối hạ tầng. Chính điều này dẫn tới chất lượng các khu TĐC không cao. Từ thực tế đó, ông Lương Thạch Vỹ - Giám đốc BQL các dự án hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho rằng nên phát triển thành các khu đô thị TĐC cho nhiều dự án thay vì mỗi dự án một khu TĐC. Theo đó, việc đền bù bằng đất TĐC chỉ bố trí nhu cầu cho các hộ ở thực sự, còn lại quy đổi bằng tiền thay vì đất TĐC như bấy lâu. Nếu thực hiện được việc này sẽ có những khu đô thị TĐC chất lượng, giá trị đất tăng, việc vận động bàn giao mặt bằng sẽ khả quan hơn.

Trong khi tính toán phương án mới thì để đẩy nhanh tiến độ GPMB hiện nay, điều quan trọng vẫn phải tận dụng tốt quỹ đất TĐC hiện có. Cụ thể, căn cứ quỹ đất TĐC thực tế hiện có và cân đối với nhu cầu cần bố trí, xây dựng phương án bố trí TĐC theo nhóm hạng có tiêu chuẩn đồng bộ, trên nguyên tắc hộ giải tỏa cùng nhóm hạng bàn giao mặt bằng đất sớm sẽ được ưu đãi thay vì nhận đất TĐC thông qua bốc thăm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án (dựa vào nguyên tắc, hệ số, tiêu chuẩn...) chuyển đổi bố trí đất TĐC khác địa bàn và ngoài phương án TĐC tổng thể của dự án đã phê duyệt (chuyển từ địa bàn xã phường này sang xã phường khác, chuyển từ quận huyện này sang quận huyện khác, chuyển từ đường nhỏ lên đường lớn hơn) đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch, tận dụng tối đã quỹ đất TĐC thực tế sẵn có.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_210602_go-kho-trong-giai-phong-mat-bang.aspx