Gỡ khó nguồn vốn vay cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Chiều ngày 7/8, tại tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang đã họp với các bộ, ngành, các ngân hàng và Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (DNDA), để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay của Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án).

Tăng tổng mức đầu tư Dự án

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 2/8/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giai đoạn 1; trong đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, tăng 2.999 tỷ đồng so với trước đây.

Nguyên nhân do tăng chi phí giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu; bổ sung cầu vượt, đường dân sinh, hệ thống giao thông thông minh, cây xanh, hệ thống chống ồn chống chói; điều chỉnh nút giao An Thái Trung để phù hợp quy mô cầu Mỹ Thuận 2 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Ngoài ra, còn điều chỉnh giải pháp thiết kế xử lý đất yếu, điều chỉnh kết cấu áo đường để rút ngắn thời gian thi công nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 2/8/2019.

Công trường đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Công trường đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Theo văn bản số 272/TB-VPCP ngày 2/8/2019, Văn phòng Chính phủ chính thức ban hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tới giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị tập trung xử lý một số nhiệm vụ. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tổng thể triển khai các dự án tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.

Về phần vốn Nhà nước hỗ trợ cho Dự án: Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ về phương án sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để hỗ trợ cho Dự án. Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ khẩn trương triển khai ngay các thủ tục để báo cáo UBTV Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai Dự án.

Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết dứt điểm, bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư dự án trong tháng 8/2019 để triển khai thi công liên tục.

Thủ tướng còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án trên tinh thần công khai minh bạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã đề ra…

Gỡ khó nguồn vốn vay

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nhà đầu tư đã góp và huy động vào Dự án là 2.500 tỷ, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.542 tỷ đồng, vốn huy động khác là 924 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, việc khơi thông nguồn vốn cho Dự án là rất quan trọng.

Theo đó, DNDA đề nghị ngân hàng tài trợ vốn thống nhất cơ cấu nguồn vốn theo phương án tài chính đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt vào ngày 2/8; xem xét phụ lục hợp đồng Dự án sau khi điều chỉnh, khả năng ghi vốn và giải ngân vốn ngân sách nhà nước của của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở đó để xác định việc thu xếp cho vay; đồng thời, tháo gỡ các điều kiện cho vay không phù hợp khi thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

DNDA cũng kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 14/8/2019 cho phép sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để hỗ trợ Dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở Quyết định ngày 2/8/2019 và dự thảo phụ lục hợp đồng nhà đầu tư tại trình, DNDA kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh dự án trước ngày 10/8/2019, làm cơ sở cho ngân hàng thẩm định vay vốn và thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo tiến độ Dự án…

Với trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, chính quyền tỉnh Tiền Giang đã trách nhiệm, nỗ lực cùng DNDA tháo gỡ khó khăn của Dự án. Tiền Giang cam kết những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của tỉnh, tỉnh sẽ có trách nhiệm giải quyết.

Đại diện ngân hàng thương mại phát biểu ý kiến

Tại buổi làm việc, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng thương mại để cho doanh nghiệp vay, nhưng việc vay vốn phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc cho vay; đề nghị các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay để thực hiện Dự án…

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điểu chỉnh là 9.668 tỉ đồng.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào năm 2009. Tuy nhiên sau 10 năm kể từ ngày khởi công lần đầu đến đầu tháng 3/2019, tròn 10 năm dự án chỉ đạo khoảng 10-11% khối lượng công trình. Từ tháng 3/2019, dự án tái khởi động lại lần này, nhà thầu đã thi công lên đến khoảng 25% khối lượng công trình.

T. Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/go-kho-nguon-von-vay-cho-du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan-545501.html